| Hotline: 0983.970.780

Công trình thủy lợi Thượng Mỹ Trung xuống cấp

Thứ Hai 06/05/2024 , 07:00 (GMT+7)

Công trình thủy lợi Thượng Mỹ Trung trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện đã xuống cấp, cần nâng cấp để phát huy hiệu quả.

Công trình thủy lợi Thượng Mỹ Trung (tỉnh Quảng Bình) được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Đây là công trình thủy lợi lớn với hệ thống đê bao dài hơn 82km của hai bên tả, hữu sông Kiến Giang đoạn từ cống ngăn mặn Mỹ Trung (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) lên đến xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy) và làm mới trên 50 cống có cửa nâng. Tổng kinh phí đầu tư ở giai đoạn này gần 250 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Kim Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, hệ thống thủy lợi Thượng Mỹ Trung có chức năng ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm, đảm bảo sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Tuyến đê Thượng Mỹ Trung (đoạn qua xã Gia Ninh), được nâng cấp, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T. Phùng.

Tuyến đê Thượng Mỹ Trung (đoạn qua xã Gia Ninh), được nâng cấp, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T. Phùng.

Sau khi được đưa vào sử dụng, hệ thống thủy lợi Thượng Mỹ Trung đã phát huy được hiệu quả lớn. Những cánh đồng rộng hàng trăm ha của các xã Gia Ninh, Võ Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) và Hoa Thủy, Hồng Thủy, Thanh Thủy, An Thủy… (huyện Lệ Thủy), đã không còn cảnh thất bát trước thiên tai. Người nông dân không còn lo lắng trước mưa lớn của lũ tiểu mãn hay những trận lũ sớm. Ông Nguyễn Viết Ánh (nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình), nhớ lại: “Những năm đó, hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy liên tục được mùa với năng suất cao”.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm sử dụng, hệ thống thủy lợi Thượng Mỹ Trung oằn mình chống chọi với hàng chục trận mưa lũ lớn và đã xuống cấp nhiều đoạn. Tuyến đê dài khoảng 20km phía tả sông Kiến Giang (đoạn từ xã Gia Ninh của huyện Quảng Ninh và xã Hồng Thủy của huyện Lệ Thủy) do luôn hứng chịu nhiều trần lũ lớn nên bị hư hại. Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử cuối năm 2020, đã làm nhiều tuyến đê bị hư hại, sạt mái ta luy, nhiều cống bị xói lở nặng và cánh cửa cống không còn sử dụng được.

Ông Trần Xuân Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy cho hay: “Do hệ thống đê, cửa cống bị hỏng nên vụ đông xuân năm 2021, lũ tiểu mãn tràn vào nhấn chìm gần 600ha lúa của bà con. Sau đó, hơn 300 ha lúa bị ngập úng, lúa chết héo rũ thiệt hại toàn bộ. Diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng lớn”.

Một đoạn đê và cống điều tiết nước bị xuống cấp ở địa phận xã Hồng Thủy. Ảnh: T. Phùng.

Một đoạn đê và cống điều tiết nước bị xuống cấp ở địa phận xã Hồng Thủy. Ảnh: T. Phùng.

Trước tình hình đó, Trung ương đã bố trí nguồn vốn trên 12 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng, bê tông cứng hóa mặt đê và hai mái đập với tổng chiều dài trên 1,2km, Ngoài ra, có 8 cống đã được làm mới, đáp ứng được nhiệm vụ ngăn lũ cho đồng ruộng thuộc các xã Võ Ninh, Gia Ninh (huyện Quảng Ninh).

Vụ đông xuân năm nay được mùa lớn, ông Mai Xuân (xã Gia Ninh), hồ hởi cho hay, sau khi tuyến đê được nâng cấp bà con vui lắm. Việc đi làm đồng cũng thuận tiện. Ô tô chở giống, phân bón hay chở lúa cũng thật dễ dàng, giá thành vận chuyển cũng được hạ xuống. Bên cạnh đó, hệ thống cống được nâng cấp nên ngăn lũ làm cho bà con yên tâm sản xuất cả hai vụ lúa.

Tuy nhiên, phần đê và cống trên địa bàn xã Hồng Thủy chưa được nâng cấp nên không thể phát huy hiệu quả của công trình Thượng Mỹ Trung. Ông Nguyễn Ánh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy đưa chúng tôi đi ra tuyến đê để nắm thêm thực trạng. Trên tuyến đê nhiều chỗ bị xuống cấp. Mặt đê bị lũ xói lở. “Nếu có trận lũ lớn tràn qua thì mái lát bê tông như này sẽ bị lũ bóc và cuốn trôi hết”, ông Ngọc cho hay.

Mặt đê bị sụt lún, hư hỏng nặng. Ảnh: T. Phùng.

Mặt đê bị sụt lún, hư hỏng nặng. Ảnh: T. Phùng.

Tại cống hói Chợ Chè (xã Hồng Thủy), hai bên chân chống cũng bị xói lở sâu hoắm. Đoạn đê cũng đã bị xói lở nặng ở đỉnh và mái đập. Ông Nguyễn Văn Lập (một nông dân) đi thăm ruộng lúa phía trong đập cũng đến xem chỗ đập bị sụt lở rồi nói: “Nếu không nâng cấp thì mấy chỗ như này sẽ bị lũ phá rộng ra và có khi phá hết đoạn đê này”.

Ông Nguyễn Ánh Ngọc cho hay: “Bà con rất mong muốn được Trung ương quan tâm hỗ trợ hoàn thiện việc nâng cấp tuyến đê, các cống điều tiết nước để an tâm sản xuất hai vụ lúa chắc ăn. Qua đó, nâng cao đời sống cho người dân hai bên sông Kiến Giang”.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.