Đang cao điểm của mùa khô, nhiều nơi thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt do các nguồn nước như suối, ao hồ, giếng khoan, giếng đào đã hết nước. Song hàng trăm hộ đồng bào dân tộc H’mông ở vùng sâu xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) vẫn đủ nước sinh hoạt.
Chủ động được nguồn nước sạch hơn 10 năm qua, người dân ở đây đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua ống và đóng góp hàng ngàn ngày công để dẫn nước từ đầu nguồn, cách khu dân cư hơn 5.000m.
Thôn Yang Hăn có 100 hộ thì có gần 70 hộ dùng nước sạch tự chảy để sinh hoạt từ năm 2008. Các hộ dùng nước sạch tự chảy trong thôn chia thành 2 nhóm để đưa nước về dùng.
Nhóm thứ nhất hơn 40 hộ đóng góp tiền mua ống nhựa, xây bể để dẫn nguồn nước sạch từ đầu nguồn ở độ cao hàng trăm mét, cách khu dân cư hơn 6.000m. Nhóm thứ hai khoảng hơn 20 hộ dẫn nguồn nước cách khu dân cư hơn 2.000m.
Ông Hoàng Văn Pao, Bí thư chi bộ thôn Yang Hăn cho biết: “Điều kiện kinh tế của đa số người dân ở đây còn nhiều khó khăn nhưng rất nhiều hộ đã đóng góp tiền, công sức để đưa nước sạch tự chảy về dùng.
Mỗi hộ dân đóng góp bình quân 3,5 triệu đồng để mua vật liệu xây bể và mua ống nhựa và bỏ công ra tự làm để dẫn nguồn nước sạch trên núi cao về.
Vì có nguồn nước sạch tự chảy nên các gia đình trong thôn từ hơn 10 năm nay không phải ra suối lấy nước về sinh hoạt nữa. Vào mùa khô hạn, hệ thống nước sạch tự chảy luôn đủ nước cung cấp cho bà con sinh hoạt, chưa có năm nào bị thiếu nước”.
Thôn Ea Hăn có 189 hộ với 1095 khẩu. Hơn 10 năm nay, 121 hộ trong thôn đã đóng góp tiền để dẫn nước về nhà dùng. Mức đóng góp giao động từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng/gia đình, tùy thuộc vào vị trí ở của các hộ dân.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, các hộ dân không phải đóng góp thêm bất cứ khoản phí nào kể cả tiền phí nước sử dụng hàng ngày. Việc kiểm tra, duy tu, bão dưỡng hệ thống bể, ống dẫn cũng được người dân tự phân công, phân lịch để làm.
Do nước được dẫn ở đầu nguồn cách chỗ ở hơn 5km nên nước rất sạch. Về mùa mưa nước cũng không bị đục, mùa khô nước vẫn đủ cung cấp cho các hộ sinh hoạt bình thường. Thậm chí trong thời gian đỉnh điểm khô hạn, nhiều gia đình còn tranh thủ những lúc không phải thời gian dùng nước cao điểm của bà con trong nhóm để giặt giũ, tưới rau, rửa xe máy...
Ông Giàng Văn Đường (thôn Ea Hăn) cho biết: “Nhờ có nguồn nước sạch tự chảy nên gia đình đã lắp đặt hệ thống ống nước và bét tưới tiết kiệm nước để trồng rau. Có nguồn nước sạch ổn định nên ngay cả vào mùa khô gia đình cũng trồng được rau, ít phải mua rau ở chợ”.
Thôn Ea Luêh có 159 hộ nhưng chỉ có khoảng hơn 70 hộ dùng nước sạch tự chảy vì nhiều gia đình trong thôn có hoàn cảnh khó khăn.
Một số gia đình dùng giếng đào nhưng vào thời điểm khô hạn nhiều giếng bị cạn, không đủ nước để sinh hoạt. Những hộ bỏ tiền ra xây dựng hệ thống nước sạch tự chảy thì ngay trong những ngày khô hạn này vẫn đủ nước để ăn, uống, tắm giặt.
Một mình gia đình ông Vàng Seo Cơ đã tự bỏ ra hơn 25 triệu đồng để dẫn nước sạch tự chảy, cách nhà hơn 2.000m về dùng. Một số hộ xung quanh nhà do khó khăn, không có điều kiện đào giếng, không có tiền đóng góp dẫn nước sạch ông cho họ dùng chung nước với gia đình mình.
Ông Cơ cho biết: “Hơn 10 năm nay gia đình mình và một số gia đình bên cạnh dùng nước thoải mái. Về mùa nắng hạn, nước vẫn đủ cho các gia đình dùng tuy nước chảy hơi yếu. Ngoài ra, gia đình còn sử dụng nguồn nước tự chảy dẫn về để làm 2 sào ruộng nước. Ruộng đủ nước làm được 2 vụ nên gia đình không phải mua gạo”.
Nhiều hộ đồng bào H’mông ở các thôn khác như buôn Tơng Rang B, Nao Huh, Cư Đhắt cũng đóng góp tiền, công sức để dẫn nước về sinh hoạt nên chủ động được nguồn nước sạch sinh hoạt ngay cả trong mùa khô hạn. Nguồn nước sạch tự chảy này còn được bà con dẫn về để sử dụng ở nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn.