| Hotline: 0983.970.780

Cục Bảo vệ thực vật phổ biến các quy định kiểm dịch thực vật xuất khẩu

Thứ Năm 28/09/2023 , 18:05 (GMT+7)

Ngày 28/9 tại TP.HCM, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị Phổ biến, tuyên truyền quy định pháp luật về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu năm 2023.

Tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn kiên trì thực hiện các chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với các nền kinh tế lớn trên thế giới nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản. Đối với mặt hàng rau quả tươi, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng. Trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD và dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 sẽ cán mốc 5 tỉ USD...

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt phát biểu tại hội nghị.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt phát biểu tại hội nghị.

Trước bối cảnh các nước đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng nông sản xuất khẩu, việc kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản và xây dựng uy tín chất lượng, thương hiệu nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết, thời gian qua, công tác kiểm dịch thực vật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm dịch thực vật đã cơ bản hoàn chỉnh, hài hòa với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam.

Trước yêu cầu đòi hỏi đẩy mạnh xúc tiến mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi trong thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, công tác kiểm dịch thực vật vừa phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, vừa phải nâng cao giá trị, chất lượng và uy tín hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế, tuân thủ các cam kết tại Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của WTO mà Việt Nam là thành viên và các Hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Hội nghị được đông đảo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản quan tâm. Ảnh: Đức Trung.

Hội nghị được đông đảo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản quan tâm. Ảnh: Đức Trung.

Ngoài ra, Hội nghị cũng nhằm minh bạch các quy định, thủ tục hành chính và hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân liên quan thực hiện các quy định về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu một cách hiệu quả.

Tại hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đã nêu rõ các khâu then chốt trong công tác kiểm dịch thực vật như: Kiểm tra kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu; cấp các loại Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật; Xuất khẩu/Tái xuất khẩu; cấp Thông báo an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật xuất khẩu cho hàng xuất khẩu; kiểm soát việc xuất khẩu các loài thực vật quý hiếm; ngăn chặn xuất khẩu các lô hàng không đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, và hỗ trợ làm thủ tục xuất khẩu nhanh chóng cho hàng hóa đủ điều kiện...

Cục Bảo vệ thực vật cũng lưu ý, để cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu, cần phải kiểm tra tính hiệu lực của mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, và các điều kiện khác; đặc biệt là đối với các sản phẩm rau củ quả tươi như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, Ảrập…

Đối với công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn chi tiết các quy định, thủ tục, các hoạt động kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh...

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Đức Trung. 

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Đức Trung. 

Tại hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đã trả lời chi tiết, thấu đáo các câu hỏi, ý kiến, kiến nghị liên quan đến những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đang gặp phải. Đồng thời, những vấn đề vượt quá tầm của Cục Bảo vệ thực vật, Cục sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT những giải pháp để khắc phục, từ đó giúp các doanh nghiệp nắm rõ và tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm dịch thực vật một cách hiệu quả.

Hội nghị còn cung cấp số điện thoại, email của các bộ phận liên quan để các doanh nghiệp có thắc mắc, hoặc những vấn đề chưa rõ có thể hỏi trực tiếp để nắm rõ các quy định của pháp luật về kiểm dịch thực vật, giúp cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật được thuận lợi, nhanh chóng. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cam kết sẽ trả lời nhanh chóng, trách nhiệm, đầy đủ nhất cho các doanh nghiệp. 

Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt đánh giá cao sự hợp tác, đồng hành của các doanh nghiệp đã luôn phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV để thực hiện tốt việc kiểm soát kiểm dịch thực vật trong suốt thời gian qua. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Cục là các bộ phận phải luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để giải quyết nhanh nhất cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt lưu ý Chi cục kiểm dịch Thực vật Vùng 2 cần hướng dẫn tuyên truyền cho các doanh nghiệp về các thủ tục, quy định một cách nhanh nhất. Thường xuyên lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự thông thoáng về thủ tục cho doanh nghiệp. Đối với hàng hóa nhập khẩu phải kiểm soát thật chặt, nhằm phòng chống những sinh vật hại có thể xâm nhập gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.