| Hotline: 0983.970.780

Cụm cảnh quan cà phê bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Năm 03/10/2019 , 14:39 (GMT+7)

Trước thách thức biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất cà phê, năm 2018 Chương trình Sáng kiến cảnh quan bền vững (ISLA) đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk triển khai xây dựng cụm cảnh quan cà phê bền vững (MLC - Mini Landscape Coffee) tại thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng.

06-24-08_nh_1
Người dân tiếp nhận cây giống do Chương trình ISLA hỗ trợ.

Tiến sĩ Phạm Công Trí, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, canh tác cảnh quan cà phê là quá trình hoàn thiện, cải tiến và thúc đẩy tiểu hệ sinh cảnh cà phê tiệm cận hệ sinh thái rừng với 5 thành tố trụ cột (3 sinh vật và 2 phi sinh vật) hiệu quả, bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Tầng cây gỗ vượt tán, nắm giữ vai trò dẫn dắt hệ sinh thái, thường là các cây ăn quả lâu năm, choái sống hồ tiêu... Tầng tạo tán quần thể, giữa vai trò quyết định đặc tính hệ sinh thái, là cây trồng nền ở đây là cà phê vối kinh doanh. Cây thảm phủ mặt đất, giữ vai trò cải thiện ở hệ sinh thái, là cỏ bản địa, cây phân xanh, cây trồng thân thảo…

Các công trình bảo tồn, giữa vai trò bảo tồn đất và nước, là các mương và gờ cản nước, hang rào cây xanh… Đai xanh cách ly hóa chất, là các cây đa dụng phù hợp.

Cụm cảnh quan cà phê bền vững Ea Tân cũng là các chuỗi sản xuất tạo thành mạng lưới các mô hình vườn cà phê đa canh lấy cà phê làm cây trồng chủ đạo, phối hợp theo không gian và thời gian với các loại cây trồng xen canh bao gồm: cây cà phê; cây thân gỗ che bóng tầng cao như hồ tiêu, vú sữa, sầu riêng, bơ, mít…; cây đai rừng là muồng đen, dầu rái, gòn, núc nác…; đai cách ly thực vật là chuối, dừa cau...

Mô hình cụm cảnh quan cà phê HTX Ea Tân được xây dựng để tạo ra hình mẫu về hỗ trợ người sản xuất cà phê liên kết nhau bằng tổ chức nông dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tác động tiêu cực của thị trường bằng cách duy trì, phát triển hệ thống Nông lâm kết hợp trên vườn cà phê bền vững, với sự tương hỗ của các loại cây trồng có lợi thế khác trong sinh cảnh thuận tự nhiên.

06-24-08_nh_2
Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk giám sát việc thực hiện Chương trình ISLA tại nông hộ.

Cụ thể là duy trì và sắp xếp tối ưu cách thức sử dụng đất trên vùng trồng cà phê bằng nhiều loại cây trồng khác nhau, nhằm đem đến hiệu quả kinh tế, xã hội tốt nhất; cải thiện và bảo tồn tài nguyên và môi trường.

Ông Đoàn Văn Thống có vườn cà phê 2,5 ha và đang trồng xen các loại cây trồng khác như sầu riêng, bơ, hồ tiêu... cho hay, năm 2018 ông tham gia mô hình cụm cảnh quan cà phê bền vững, được tư vấn kỹ thuật của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn, theo sát quá trình thực hiện.

Cụ thể, đã được hỗ trợ 70 cây bơ, 70 cây sầu riêng, 10 cây sachi, 70 cây mít và được hướng dẫn cách bố trí, trồng xen trên vườn. Việc trồng, chăm sóc theo định hướng cảnh quan sinh thái tạo nhiều tầng tán gồm tầng cao nhất là cây ăn quả gồm bơ, sầu riêng, mít; tầng giữa là cà phê, hồ tiêu, sa chi; tầng thấp là thảm cỏ và lạc dại.

Các tư vấn cũng hướng dẫn thực hành canh tác tốt, nhờ đó giảm chi phí mà vườn cà phê lại đạt hiệu quả cao hơn. Hiện tại, các cây trồng xen đang trong quá trình kiến thiết cơ bản, sinh trưởng phát triển tốt, triển vọng sẽ đem lại nguồn thu nhập trong tương lai. Còn vườn cà phê vẫn đang sinh trưởng ổn định, dự định sẽ sản xuất cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn đặc sản cho niên vụ 2019-2020.

06-24-08_nh_3
Toàn cảnh mô hình cảnh quan nhìn từ trên cao.

Tương tự, ông Lê Thế Chuyên cũng trú thôn Thanh Cao cho hay, vườn cà phê 3 ha của gia đình được trồng năm 1995 đến nay đã già cỗi nhưng chưa có kinh phí tái canh nên vẫn duy trì sản xuất. Trước đây ông không tính đến nhu cầu che nắng, chắn gió nên cà phê chủ yếu được trồng thâm canh, năm 2000 gia đình bắt đầu chuyển hướng sang trồng xen nhưng chỉ xen canh trên một góc của vườn nhất định với ý nghĩ tận dụng đất trống.

Tuy nhiên, khi tham gia chương trình, ông được tiếp cận thông tin liên quan đến việc trồng và chăm sóc vườn cây xen canh đồng thời được hỗ trợ 200 cây sầu riêng, 200 cây bơ, 100 cây chuối.

Theo đó, ông được hướng dẫn kỹ thuật trồng xen canh trên vườn theo khoảng cách nhất định là 2 hàng cà phê 1 hàng cây ăn quả; còn chuối thì trồng xung quanh hồ trữ nước để hạn chế sự xói mòn và giữ vai trò tạo cảnh quan ven hồ.

06-24-08_nh_4
Người dân Đắk Lắk tham quan mô hình.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Dự án Phát triển cà phê bền vững Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk cho biết, công ty đã phối hợp với Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khảo sát, điều tra thực trạng vườn các nông hộ; phân tích mẫu đất, nước… để đưa ra quy trình, mô hình trồng, chăm sóc cụm cà phê cảnh quan.

Đến thời điểm này, đơn vị đã phối hợp với Chương trình ISLA cấp phát tới các nông hộ gần 10.000 cây giống gồm cà phê, bơ Booth7, sầu riêng Dona, mít, vú sữa; hơn 14,2 tấn phân bón hữu cơ, 284 kg Trichoderma, 142 kg Tricho nema, 142.8 kg Tricho gold, 77l lít Siêu dưỡng Bo Kẽm, 666 kg Trung vi lượng Anomix… Đồng thời thiết lập được cơ sở dữ liệu ban đầu, hỗ trợ Hợp tác xã Ea Tân (gồm các hộ nằm trong vùng cảnh quan) tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) cũng như sản xuất cà phê đặc sản và được công ty bao tiêu đầu ra.

Kết quả cụm cảnh quan cà phê Ea Tân được đánh giá cao, là cơ sở để mở rộng quy mô, kiện toàn hệ thống hướng đến chứng nhận vùng sản xuất, khi đó tất cả các nông sản trong vùng sẽ được bán ra với chứng nhận VSA có giá trị thương mại trên toàn cầu.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.