| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tuyệt đối không chủ quan, lơ là với bão số 3

Thứ Bảy 07/09/2024 , 18:25 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Thanh Hóa tuyệt đối không được chủ quan, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão.

Không lơ là chủ quan

Ngày 7/9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại âu neo đậu tàu thuyền, thuộc phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn và khu vực có nguy cơ sạt lở bờ biển thuộc thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Qua kiểm tra thực tế tại thành phố Sầm Sơn và huyện Hoằng Hóa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa trong việc triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác phòng chống lụt bão của tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại huyện Hoằng Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác phòng chống lụt bão của tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại huyện Hoằng Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó với bão số 3; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão gây ra.

Chủ động tiêu nước, bảo vệ lúa, hoa màu, lồng bè nuôi thủy, hải sản; tập trung chỉ đạo nhân dân thu hoạch lúa thu mùa đã chín từ 80% trở lên và cây rau màu khác đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các điểm đê, kè xung yếu, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh do bão gây ra.

Khu vực bờ biển tại xã Hoằng Trường được gia cố bằng cọc tre ngăn xói lở. Ảnh: Quốc Toản.

Khu vực bờ biển tại xã Hoằng Trường được gia cố bằng cọc tre ngăn xói lở. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều cây phi lao ven bờ bị đổ, gãy tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều cây phi lao ven bờ bị đổ, gãy tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, đối với khu vực sạt lở bờ biển thuộc thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để không bị bất ngờ khi có tình huống do bão số 3 gây ra. Về lâu dài, tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kiên cố hệ thống kè biển, nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở, xâm thực.

Huy động tối đa lực lượng, giúp dân chống bão

Để ứng phó với bão số 3, ngày 6/9, tỉnh Thanh Hoá đã thành lập 8 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố. 

Đồng thời, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa, đã huy động 1.150 bộ đội thường trực và 16.500 dân quân tự vệ cùng 4 xe vận tải và chở quân, 1 mô tô nước, 23 xuồng cao tốc các loại, 84 thuyền vượt sông nhẹ, 4 thuyền cao su, thiết bị bắn dây mồi và nhiều trang bị cứu hộ cứu nạn khác sẵn sàng cơ động khi có lệnh.

Video khu vực sạt lở tại bờ biển Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. 

Ngày 7/9, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) đã điều động 500 cán bộ, chiến sĩ đến các xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn giúp nhân dân phát quang đường làng ngõ xóm, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh nhằm giảm thiểu những thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra.

Tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, một số diện tích lúa hè thu của nhân dân xã Lộc Sơn đã đến kỳ thu hoạch tuy nhiên do đường sá đi lại khó khăn, diện tích nhỏ lẻ nên việc huy động thu hoạch bằng máy móc gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội thường trực và dân quân tự vệ khẩn trương giúp đỡ nhân dân xã Lộc Sơn, huyện Hậu Lộc gặt lúa.

Cuối chiều nay, tại Thanh Hóa đã có mưa và gió mạnh nhưng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực hết mình, nhanh chóng giúp bà con nhân dân thu hoạch, tuốt lúa, mang lúa về nhà...

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động di dời hơn 1.000 nhân khẩu tại nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại huyện Như Xuân, Quan Hóa, Mường Lát...

Công an xã Phù Nhi (Mường Lát) giúp dân khắc phục hậu quả do bão. 

Công an xã Phù Nhi (Mường Lát) giúp dân khắc phục hậu quả do bão. 

Tính đến cuối giờ chiều nay, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn, kèm theo lốc xoáy đã khiến 74 ngôi nhà ở các huyện miền núi Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Hóa và Mường Lát bị tốc mái. Mưa bão cũng làm 31 cây xanh trên địa bàn thành phố Thanh Hoá và một số địa phương bị đổ gãy.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.