Sách giả do công ty Firts News phát hiện. |
Sáng 18/6, tại TPHCM, Công ty sách First News đã tổ chức cuộc họp báo có cái tên rất ấn tượng: “Công bố bằng chứng tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu trên các sàn bán hàng online và cách phân biệt Sách thật – Sách giả”. Lâu nay đã có nhiều đợt ra quân rầm rộ để phản đối sách giả, nhưng cái thị trường sách giả vẫn tồn tại. Lần này, vì sao công ty sách First News lại tiếp tục lao đầu vào cực nhọc?
Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News khảng khái: “Chỉ vì chúng tôi thực sự yêu quí những cuốn sách mà chúng tôi đã tâm huyết làm ra. Bởi vì chúng tôi yêu quí những bạn đọc đã tin yêu chúng tôi. Bởi vì chúng tôi không thể im lặng với thực trạng bằng cấp giả, phân bón giả, đạo đức giả, sách giả và các giá trị giả. Nhiều bạn hỏi tôi sao rảnh hay sao mà lại chiến đấu với quốc nạn in lậu tiêu thụ sách giả vậy? Chiến đấu với các đường dây sản xuất in lậu sách giả như chiến đấu với những kẻ vô hình hay chiến đấu với cối xay gió vậy.
Tôi không hề rảnh, và tôi đã chiến đấu trên rất nhiều trận tuyến đấu tranh cho sự thật và cho sự công bằng xã hội. Và lần này tôi chiến đấu không chỉ cho ngành xuất bản mà còn chiến đấu cho một xã hội tốt đẹp công bằng hơn”.
Tính đến nay, công ty sách First News đã bị in lậu làm giả lên đến hơn 280 đầu sách có giá trị và bán chạy. Rất nhiều cuốn sách như “Đắc Nhân Tâm”, “Quẳng Gánh lo đi và Vui sống”, “Dám Nghĩ Lớn”, “Nghĩ Giàu làm giàu”.. bị hàng chục nơi cùng in lậu.
Vì vậy, First News cảm thấy không thể tiếp tục im lặng. Ngành xuất bản dù đóng góp GDP cho mỗi quốc gia ít nhất, nhưng lại đóng vai trò quan trọng để phát triển đời sống tinh thần và nâng cao dân trí cho mỗi xứ sở. Văn hóa đọc của người Việt không thể nâng lên, nếu sách lậu vẫn hoành hành dai dẳng và táo tợn.
Trước đây đã có nhiều đơn vị xuất bản lên tiếng về tệ nạn sách giả, nhưng rồi cảm thấy bất lực dần và mỏi mệt dần. Giới xuất bản chỉ biết nhìn nhau ngao ngán cho những cuốn sách lậu được bày bán công khai ở các quầy sách trên phố lẫn các nhà sách trên mạng. Phải chăng, không thể nào tìm ra giải pháp hữu hiệu để mỗi cuốn sách không phải in kèm một câu khẩu hiệu lạc lõng “mua sách giả là giết chết sách thật”?
Muốn vạch mặt đường dây làm sách giả, phải cần sự phối hợp giữa quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và thanh tra văn hóa. Thế nhưng, khi những công chức Nhà nước vẫn giữ quan niệm làm giả hộp bánh mới đáng lo còn làm giả cuốn sách không đáng ngại, thì những kẻ in lậu vẫn ung dung “đục nước béo cò”.
Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN chia sẻ: “Tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay rất trầm trọng, một phần do các biện pháp chế tài chủ yếu xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Hội Xuất bản đã có văn bản kiến nghị bổ sung vào Điều 344 của Bộ luật Hình sự năm 2015 tội in lậu như tội làm hàng giả để xử lý hình sự, nhưng chưa đạt được kết quả mong đợi”.
Liệu những nỗ lực đáng trân trọng của công ty sách First News có trở thành nỗi vô vọng không? Câu trả lời cần phải có sự chung tay của nhiều ngành, nhiều giới trong cộng đồng.
Không thể có thu hoạch gì khi chứng kiến hình ảnh vừa buồn cười vừa chua xót: chính người làm sách lại phải bỏ công, bỏ sức để đóng vai… thám tử bất đắc dĩ đi truy lùng những kẻ in lậu.
Nếu không có biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn in lậu, thì thị trường sách nước ta sẽ lâm vào khủng hoảng triền miên. Mặt khác, sách lậu sẽ tiêu diệt tâm huyết và sách tạo của những tác giả tài năng và những công ty sách tử tế.