| Hotline: 0983.970.780

Cuốn nhật ký chiến trường 48 năm trước

Thứ Sáu 29/04/2016 , 06:30 (GMT+7)

Mới đây, tôi may mắn khi là một trong số ít người được cầm cuốn nhật ký viết trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ của Anh hùng liệt sĩ Hoàng Lếnh.

Những năm tháng oanh liệt

Chủ nhân cuốn nhật ký dày hơn 100 trang này là Anh hùng liệt sỹ Hoàng Lếnh, người thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, được viết trong những năm 1968 -1974, tại chiến trường Quảng Đà (khi đó là Quảng Nam - Đà Nẵng, nay thuộc xã Điện Chính, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

14-39-43_nh-1
Chân dung họa lại của Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Lếnh (gia đình cung cấp)

Cuốn nhật ký chỉ to hơn bàn tay người lớn một chút. Anh Hoàng Ngự, cháu ruột liệt sỹ Hoàng Lếnh, người được gia đình tin tưởng giao trách nhiệm bảo quản cuốn nhật ký, cứ ngần ngừ khi đưa cuốn nhật ký cho tôi.

Anh bảo: “Gia đình không muốn công bố, vì nếu công bố, có thể sẽ phải chuyển nó vào bảo tàng quân đội. Mà gia đình thì muốn giữ, vì đây là di vật duy nhất của bác tôi”.

Theo hồi ức của bác Hoàng Mười, nguyên trung tá, tham mưu trưởng trung đoàn đặc công 27, em ruột Anh hùng liệt sỹ Hoàng Lếnh, thì chàng trai Hoàng Lếnh sinh tháng 12/1949, nhập ngũ ngày 10/7/1967, khi chưa đủ 18 tuổi. Nên lúc ra xã đăng ký, anh cán bộ tuyển quân bảo anh ấy “đợi vài tháng nữa đủ tuổi hãy đi”, nhưng anh vẫn nhất quyết xin đi và bảo “Bây giờ hay vài tháng nữa có khác nhau bao nhiêu đâu”. Thế là anh đi.

Cuốn nhật ký là những thước phim vô cùng sinh động, chi tiết về cuộc sống của những người lính dưới chiến hào. Ở đó, không chỉ có những gian khổ, mà trong 24 giờ mỗi ngày, ngoài sự gian khổ, họ còn phải đối mặt với hy sinh, mất mát.

Vậy nhưng, xuyên suốt hơn 100 trang sổ nhỏ này, tuyệt nhiên không có câu chữ nào thể hiện sự bi quan, lo lắng. Trái lại, từng trang sổ nhỏ được được trau chuốt rất kỹ. Xen kẽ trong từng đoạn nhật ký là những bài thơ, bài hát, khẩu hiệu, những lời hay ý đẹp…và được trang trí bằng những bông hoa, hình vẽ rất sinh động.

Mở đầu những trang nhật ký là mấy câu thơ: “Vì tình bạn ta ngại gì gian khổ/ Vì tình yêu ta chẳng ngại gian lao/ Vì Đảng vì dân ta chẳng tiếc máu đào/ Vì Tổ quốc vẫn hát lên bài ca chiến thắng”. Sau đó, những trang nhật ký tái hiện chi tiết về những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở chiến trường Quảng Đà.

Tháng 3/1969: …Thời gian này địch bom pháo hết sức căng thẳng và ác liệt. Chúng tôi toàn ngủ dưới hầm vì ngày đêm bom đạn, cứ ít ngày là có người hy sinh. Mặc dù ác liệt, đơn vị vẫn tiếp tục nhiệm vụ và công việc cũ, tức là hai ngày đi xuống đồng bằng một lần, ngày bị chết hụt 4 - 5 lần do bom pháo, biệt kích.

Cuối năm 1969: Tình hình ngày càng căng, lương thực thiếu trầm trọng, cả ngày chỉ hai bữa với mỗi bữa một bát cơm có ngày hai bát cháo. Không những thế biệt kích lại đổ lên núi nhiều, đơn vị tôi được phân công tuần tra cảnh giới và chốt giữ khu vực dốc Ông Thủ. Khu vực này suốt ngày bom tọa độ và pháo bầy. Trước kia ở đây cây cối mọc um tùm, người đông vui nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã trở nên đổ nát tiêu điều, trơ trụi, nếu bốc nắm đất ít nhất cũng có 1/3 là sắt thép.

Năm 2007, đồng đội cũ của liệt sỹ Hoàng Lếnh mới có dịp mang di vật duy nhất của anh là cuốn nhật ký về cho gia đình bác Hoàng Mười. Ngày 20/7/2014, liệt sỹ Hoàng Lếnh đã vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tết năm 1969: Chúng tôi tổ chức ăn Tết tại doanh trại khu Dốc Gió. Đêm giao thừa, tất cả ngồi quây quần ở một chiếc hầm trâu. Bữa cơm cuối năm là một chén bắp hầm. Khi nghe anh Thép đại đội phó nói chuyện ngày Tết, chúng tôi không sao nén nổi xúc động, nhớ quê, có đồng chí rớt nước mắt…

Kiên cường và quả cảm

Ngày 27/1/1973, hiệp định Paris về lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã được các bên ký kết. Tuy nhiên, ta và địch vẫn ở trong thế “cài răng lược”, và cái hiệp định kia hết sức mong manh vì kẻ địch dường như không tôn trọng những gì đã ký.

Và quả nhiên đúng. Chỉ vài ngày sau đó, kẻ địch vẫn tiếp tục gây ra những trận đụng độ đẫm máu. Những dòng nhật ký của liệt sỹ Hoàng Lếnh viết tiếp:

Châu Ký là xóm nhỏ có bốn gia đình và 30 nhân khẩu nằm trên gò đất của xã Xuyên Hòa, tỉnh Quảng Đà, xung quanh bao bọc và ngăn cách bởi những đồng nước ngập. Nơi đây địch có thể dùng để khống chế vùng giải phóng của hai xã Xuyên Khương và Xuyên Hòa - nên chúng mưu toan chiếm lại cái xóm nhỏ bé này. Nhận thấy tầm quan trọng của xóm, tiểu đoàn giao cho trung đội tôi gồm chín đồng chí, bằng giá nào cũng giữ vững Châu Ký bảo vệ sườn cho các đơn vị bạn.

14-39-43_nh-6
Ảnh chụp lại một trang nhật ký

Và, trong suốt 4 ngày ròng rã, từ 29/1 - 1/2, Hoàng Lếnh đã chỉ huy đơn vị đẩy lui tất cả những đợt tấn công dữ dội của định.

Trích nhật ký ngày thứ tư giữ chốt Châu Ký: ...ngày 1-2: Theo dự kiến sau ba ngày bị thua đau, địch sẽ dùng cơ giới và lực lượng lớn để chiếm Châu Ký, nên hôm nay chúng tôi ăn cơm và ra công sự sớm hơn. Ngay khi sương tan, tôi đã phát hiện địch cách chỗ tôi chừng 150m… pháo bắn như mưa vào trận địa.

Trong tiếng pháo, tôi nghe có tiếng 12 ly 7 của xe bọc thép nổ thùng thùng. Lợi dụng vách tường, tôi nhô đầu quan sát thì thấy bảy chiếc M113 chở đầy lính đang chạy vào hướng trận địa. Tôi nhảy xuống nói với Sáu và T. chuẩn bị đối phó. Tiếp theo là tiếng súng AK, B40 nổ giòn áp đảo cả tiếng AR15 đại liên và 12 ly 7 của địch.

Cuộc chiến đấu kéo dài, tiếng súng nổ như bắp rang, rực lửa. Tôi nghe tiếng chửi rủa của bọn chỉ huy thúc lính lên. Còn chúng tôi chiến đấu đã hơn bốn tiếng liên tục, đạn gần hết, chỉ còn mỗi người một băng, súng chống tăng B40 đã hết mà địch vẫn còn bâu như đỉa đói.

Chúng dùng xe tấn công rồi cho bộ binh mò vào, tình hình cực kỳ nguy hiểm. Ngân, Tờ, anh Thâm đã hết đạn, chỉ còn quả lựu đạn cuối cùng, khi ném ra khỏi tay thì hy sinh. Lợi dụng tình thế đó, bọn chúng đã tiến vào chốt Châu Ký.

Lúc này tôi chỉ còn một băng đạn và bốn quả lựu đạn. Bọn địch vào cách tôi 50m, tình thế rất hiểm nghèo. Tôi quyết định chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Tôi vừa bắn vừa ra hiệu cho Sáu và T. lợi dụng bờ cao lui về sau. Thấy chỉ còn một súng ở một hướng bắn, địch dựa vào xe tiến tới. Tôi lui về đưa cho Sáu hai trái lựu đạn, nói ta thà hy sinh chứ quyết không để chúng làm nhục đến thân thể (đến bây giờ tôi nghĩ sao lúc đó ai đã cho tôi ý chí và nghị lực quả quyết như vậy). 

Giữa lúc gian nguy, tôi sực nhớ tới ba quả pháo hiệu mà đơn vị giao cho để khi cần sẽ báo cho đơn vị biết. Tôi suy nghĩ giây lát rồi lấy một quả mầu đỏ ra. Lúc này mặt trời đã xế, ánh nắng xuyên qua những đám khói của súng đạn, tôi giật mạnh chốt quả pháo hiệu, chếch về hướng cơ quan chỉ huy.

14-39-43_nh-8
Ngoài những tường thuật chi tiết về cuộc sống, về những trận đánh, cuốn nhật ký còn có hàng chục trang viết về kinh nghiệm, kỹ thuật tác chiến, được minh họa bằng những hình vẽ sinh động, dễ hiểu

Tôi chắc là các đồng chí ở phía đó đã biết chúng tôi gặp khó khăn. Sau 5 phút khi bắn quả pháo hiệu, tình thế vẫn căng, địch càng vào gần hơn. Lúc này chúng tưởng đã làm chủ hoàn toàn, thằng đi trước súng sách tay mắt nhấc nháo.

Tôi ngắm kỹ, bóp từng viên. Bị bất ngờ, chúng ùa nhau chạy và tôi cũng vừa hết đạn. Tôi ra hiệu cho T. và Sáu lui về sau rồi giật quả pháo hiệu thứ hai… Lợi dụng lúc bọn chúng còn lúng túng và cối của cấp trên chi viện, chúng tôi vượt đồng nước rút lui về vùng 7 Xuyên Khương. Đạn xe của địch đuổi theo líu chíu... Giữ chốt bốn ngày ròng rã, chúng tôi đã về gặp đơn vị.

Ngày 26/7/1974, trong trận tập kích vào cứ điểm Giáng La (Điện Thọ, Điện Bàn) của địch, khi đó là trợ lý tác chiến Tiểu đoàn trinh sát 2 (V25), mặt trận 44 Quảng Đà (nay là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 971, BCHQS TP.Đà Nẵng), sau khi chỉ huy đại đội hy sinh, Hoàng Lếnh được tiểu đoàn giao chỉ huy đại đội tiếp tục chiến đấu. 

Trận đánh toàn thắng, nhưng Hoàng Lếnh bị thương nhiều chỗ ở đùi, bụng và đầu, được đơn vị đưa vào trạm phẫu tiền phương tại xã Điện Chính cấp cứu. Do điều kiện thiếu thốn, vết thương trên đùi anh bị nhiễm trùng, phải phẫu thuật cắt bỏ mới mong sống. 

Nhưng không có thuốc tê hay gây mê gì nên các bác sĩ không dám làm. Khi đó, Hoàng Lếnh nhét đầy băng gạc vào miệng, cắn chặt rồi yêu cầu cắt sống chân cho mình. Sau khi cắt xong, vì quá sức chịu đựng, mất nhiều máu, Hoàng Lếnh đã hy sinh. Đó là ngày 2/8/1974.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm