| Hotline: 0983.970.780

Cứu được vườn cam bù Hương Sơn?

Thứ Hai 26/11/2007 , 08:15 (GMT+7)

Giống như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn cũng đang lên tiếng kêu cứu bởi sự thoái hoá, cam ngọt giờ đây hóa chua, từ quả to sáng màu, vỏ mỏng, giờ đây biến thành quả nhỏ, vỏ sùi.

cam Bù Hương Sơn trồng một số nơi bị thoái hoá giốngCam bù Hương Sơn là cây bản địa được chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm và tồn tại đến ngày nay, là cây trồng chính ở vườn đồi của 13 xã trong huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Bởi là cây đặc sản nổi tiếng, gần đây giống cam bù này được di thực sang nhiều xã khác thuộc các huyện Vũ Quang và Hương Khê, song chất lượng, màu sắc và năng suất vẫn không thể so sánh với nguồn gốc cam tại Hương Sơn.

Đáng tiếc trong quá trình dài thiếu sự chọn tạo bảo vệ nguồn gen, giống như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn cũng đang lên tiếng kêu cứu bởi sự thoái hoá, cam ngọt giờ đây hóa chua, từ quả to sáng màu, vỏ mỏng, giờ đây biến thành quả nhỏ, vỏ sùi. Nếu không có giải pháp cứu chữa những vườn bị bệnh và bảo vệ nguồn gen vườn cam quý này, thì nguy cơ cam bù Hương Sơn sẽ bị xoá sổ như vùng cam Bố Hạ (Bắc Giang).

Theo Hội Khoa học và kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh, hiện nay cam bù Hương Sơn đã phân ly thành nhiều dòng, năng suất, chất lượng giảm sút, sâu bệnh đang gây hại nghiêm trọng. Nhiều hộ gia đình đã phải đốn chặt vườn cam để trồng các cây trồng khác. Tính trong khoảng trên 10 năm trở lại đây, từ chỗ năm 1995 toàn huyện Hương Sơn có 202 ha cam bù, năng suất 33 tạ/ha, sản lượng 666 tấn, đến năm 2006 diện tích chỉ còn 116 ha, giảm gần một nửa, năng suất cũng chỉ còn 24,47tạ/ha, sản lượng còn 285,6 tấn, giảm 58%.

Gia đình ông Lê Xuân Được ở xóm 10, Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Trường, có 400 gốc cam bù được trồng và chăm sóc chu đáo, trong cuộc thi tuyển cam bù cấp quốc gia, nhà ông có một cây cam đạt giải nhì. Chỉ sau gần 4 năm cam nhiễm bệnh đã chết 200 cây, cây đạt giải quốc gia cũng đã chết năm 2004, 200 cây còn lại cũng đang bị bệnh nặng, cây đã rụng lá, cành nhánh bắt đầu khô.

Cam BùTheo ông Nguyễn Anh Tài, cán bộ Trạm BVTV huyện, do vườn cam bị nhiễm bệnh vàng lá, nhiều hộ gia đình đã chặt đốn cây, xã Sơn Bằng trước đây có 16 ha nay chỉ còn 0,3 ha; xã Sơn Trung từ 16 ha nay còn 3 ha; xã Sơn Phú từ 20ha nay còn 4ha…

Trong số 13 xã thuộc vùng trọng điểm trồng cam bù của huyện, thì 12 xã giảm diện tích, chỉ có xã Sơn Trường tăng từ 25 ha lên 45 ha. Năng suất cam bù của cả 13 xã đều giảm, các xã Sơn Diệm, Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phú từ 30tạ/ha nay chỉ còn 10tạ/ha , xã Sơn Mai là nơi có năng suất cao nhất huyện từ 50 tạ/ha, nay chỉ còn35 tạ/ha, xã SơnTrường từ 37tạ/ha nay còn 30tạ/ha…

Qua điều tra đánh giá thực trạng vườn cam bù, huyện Hương Sơn đã đề nghị các cơ quan khoa học trong và ngoài tỉnh tìm biện pháp bảo vệ và khôi phục lại giống cây ăn quả có giá trị cao này. Đã có không ít các cơ quan chuyên ngành như Viện BVTV, Hội khoa học kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh, cùng các chuyên gia quốc tế đã về địa phương khảo sát, nhưng đều bó tay, chưa có giải pháp cứu được vườn cam.

Tháng 5/2007, Cty CP Thanh Hà được Trạm BVTV huyện Hương Sơn, mời về tìm giải pháp cứu vườn cam bù. Chúng tôi có mặt tại vườn cam hộ ông Nguyễn Quang Thuần ở xóm 2 và hộ ông Phan Hải Dân, xóm 3, xã Sơn Trường, tại thời điểm Cty CP Thanh Hà cùng với cán bộ khuyến nông xã và cán bộ trạm BVTV huyện, phun chế phẩm AH, KH, NH cứu vườn cam. Khi đó cam đã ra quả đầu mùa, những cây được phun đều có hiện tượng vàng lá.

vườn cam của gia đình ông Thuần tươi tốt trở lạiTrung tuần tháng 11/2007 chúng tôi cùng với cán bộ Cty Thanh Hà trở lại vườn cam của hộ ông Thuần và ông Hải nói trên, cùng đi với đoàn có cán bộ khuyến nông xã và cán bộ Trạm BVTV huyện. Bây giờ vườn cam sắp vào vụ thu hoạch, ở những gốc cam được phun chế phẩm AH, KH, NH cam ra trái to, vỏ mỏng, sáng bóng, lá đã xanh, cây phát triển tốt (trừ những cây bị vàng lá quá nặng). Đối chứng với những cây cam  không phun chế phẩm, cho thấy quả nhỏ, rụng nhiều, vỏ sần, ít ngọt, còn quả cam trên cây được phun chế phẩm quả nhiều nước, ăn ngọt hơn.

Ông Thuần cho biết, năm tới gia đình ông sẽ phun chế phẩm ngay từ vụ xuân, khi cam ra hoa sẽ đậu trái nhiều hơn. Vụ này mặc dù bị mưa bão kéo dài, hầu hết các vườn cam trong xã đều thất thu, thì gia đình ông được bù lại bởi 100 gốc cam được phun chế phẩm. Năm ngoái được mùa cam, gia đình ông thu gần 40 triệu đồng, năm nay làng xóm mất mùa, riêng nhà ông dự kiến vẫn thu bằng năm ngoái.

Cũng như hộ ông Thuần, hộ ông Hải được phun thử nghiệm 90 gốc cam bù và cam Xã Đoài vụ này đều trúng quả. Ông Hải rất vui vì cam bù của vườn gia đình ông đã ngọt lại, không chua như những năm trước, quả to đẹp, được giá nhất vùng. Thăm vườn cam bù được phun chế phẩm AH, KH, NH thấy biểu hiện rõ không còn bị vàng lá, quả to sáng đẹp, trúng mùa (mặc dù do mưa bão năm nay mất mùa cam chung cả vùng). Nhiều hộ gia đình trồng cam đến thăm vườn nhà ông Thuần, ông Hải, đều mong muốn được dùng AH, KH, NH phun thử cho cam.

Kết quả này đã được cán bộ Trạm BVTV huyện cùng với UBND xã ghi nhận trong bản đánh giá kết quả ngày 9/11/2007, và đề nghị huyện và xã tổ chức cho nhiều hộ nông dân tham quan và mở rộng triển khai phun chế phẩm AH, KH, NH cứu vườn cam bị bệnh.

 


Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.