| Hotline: 0983.970.780

Cựu nữ văn công kể chuyện những ngày đầu tiếp quản thủ đô

Thứ Năm 10/10/2024 , 05:55 (GMT+7)

Trong ký ức của Thượng tá Trần Thị Ngà ngày về tiếp quản thủ đô cùng Sư đoàn 308, tròn 70 năm trước vẫn là mốc son, niềm tự hào, không thể phai mờ.

“Chưa từng nghĩ được về Hà Nội…”

Bà Trần Thị Ngà (sinh năm 1938 là một trong 20 người thuộc Đoàn văn công Tổng cục Chính trị hành quân lên Điện Biên trong những tháng ngày lịch sử của dân tộc. Khi những trận đánh bước vào thời điểm ác liệt, chỉ có một số văn công được vào trực tiếp chiến trường phục vụ. Những người còn lại có nhiệm vụ khác.

“Chúng tôi đang lúi húi làm đường, có một đồng chí vừa chạy vừa hô: ‘Mường Thanh địch hàng rồi, Điện Biên giải phóng rồi…’ Có người quẳng cả gói xôi đang ăn đi để ôm chầm lấy nhau mà vui, mà khóc…”, bà Ngà nói.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn bà Ngà di chuyển về Thái Nguyên để tham gia đại hội văn công toàn quân, sau đó là Hội nghị Genève về Ðông Dương. Cũng chính tại nơi này, bà Ngà vỡ òa cảm xúc khi được biên chế về Đoàn 1 tiếp quản thủ đô. Hai đoàn còn lại, một đoàn về tiếp quản thành phố công nghiệp Nam Định, một đoàn đón tiếp đồng bào miền Nam ra Bắc.

Hạ sĩ Trần Thị Ngà (trái) trong tấm thẻ ra vào Cửa Đông năm 1954 và Thượng tá Trần Thị Ngà (phải) khi  về hưu. Ảnh: NVCC/Minh Toàn.

Hạ sĩ Trần Thị Ngà (trái) trong tấm thẻ ra vào Cửa Đông năm 1954 và Thượng tá Trần Thị Ngà (phải) khi  về hưu. Ảnh: NVCC/Minh Toàn.

Bà Ngà xúc động: “Chưa bao giờ nghĩ đến việc mình được về thủ đô, mà lại còn là về tiếp quản. Ôi…sướng lắm! Lúc lên Điện Biên chỉ hành quân vào buổi tối thôi. Chiến thắng mới được đi ban ngày. Về tiếp quản còn được đi ô tô…”.

Trên thực tế, đoàn đã về đến ngoại thành Hà Nội từ đêm 9/10. Tuy nhiên, đoàn giữ bí mật và xe vẫn được bọc bạt cho đến khi về đến Hoàng thành Thăng Long. Đây là địa điểm nghỉ chân của đoàn. Bà Ngà kể: “Hồi hộp lắm, không ngủ được. Tôi chỉ mong trời nhanh sáng để được gặp người dân thủ đô, được dự lễ thượng cờ ở cột cờ Hà Nội…”.

Trước đó, bà Ngà hứa với gia đình sẽ trở về nhưng chưa từng nghĩ lại được trở về trong tâm thế hiên ngang như vậy. “Đi đủ về đủ” là tâm nguyện của bà Ngà khi đó nhưng tự hào hơn cả là bà được về tiếp quản thủ đô sau trong những tháng ngày hoa lửa ấy.

Ngày tháng không thể nào quên

Đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, cánh quân phía Tây, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là cung thể thao Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của “Trung đoàn Thủ Đô”, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng - Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Trị. Đoàn đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông.

“Xe văn công của chúng tôi lúc này cũng đang tiến vào Hàng Đào đi tiếp vào Hàng Ngang, Hàng Đường tới chợ Đồng Xuân… Ôi! không sao nói lên được nỗi bồi hồi xúc động trong lòng về những địa danh đã đi vào lịch sử hào hùng của thủ đô…”, bà Ngà nói.

Xe của đoàn văn công là xe thứ 2 tiến vào thủ đô ngày tiếp quản, bà Ngà (đứng thứ 2, hàng đầu, từ trái sang) cùng các đồng chí khác trên chuyến xe lịch sử. Ảnh: Minh Toàn.

Xe của đoàn văn công là xe thứ 2 tiến vào thủ đô ngày tiếp quản, bà Ngà (đứng thứ 2, hàng đầu, từ trái sang) cùng các đồng chí khác trên chuyến xe lịch sử. Ảnh: Minh Toàn.

Người phụ nữ đã ở tuổi bát thập bồi hồi nhớ lại khung cảnh Hà Nội ngày tiếp quản. Đoàn xe đi ở giữa. hai bên đường là biển người đang reo hò. Một rừng cờ “nhuộm” đỏ hai bên đường. Hình ảnh vừa hào hùng lại tráng lệ đã in sâu vào tâm thức người chiến sỹ văn công trẻ Trần Thị Ngà khi đó.

Đoàn xe cứ đi. Vừa đi, đoàn văn công vừa tập. Đến địa điểm thuận lợi, đủ “điều kiện”, đoàn văn công sẽ biểu diễn trực tiếp. Cứ thế, đoàn xe đi quanh Hà Nội.

Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc theo sự chỉ huy của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên cử Quốc thiều, lá cờ Tổ quốc được kéo lên từ từ theo nhịp khúc quân hành. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội.

Tiết mục đầu tiên đoàn văn công ra mắt nhân dân thủ đô ở Nhà hát Lớn thành phố là màn đồng ca trên 50 người với bài hát “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Bà Ngà (người đứng đầu bên trái, hàng 1) cùng đoàn văn công biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong dịp về tiếp quản thủ đô. Ảnh: NVCC.

Bà Ngà (người đứng đầu bên trái, hàng 1) cùng đoàn văn công biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong dịp về tiếp quản thủ đô. Ảnh: NVCC.

“Để tới được nơi biểu diễn chúng tôi đã hành quân với bộ quân phục mới toanh từ đầu tới chân: mũ kê pi - bộ quần áo đại cán và đôi giày da đen bóng loáng, đi đều bước vừa đi vừa hát khúc quân hành trên các cung đường từ nhà thờ Liễu Giai (nay là khách sạn La Thành) - Đội Cấn - Lê Hồng Phong - Điện Biên Phủ - Cửa Nam - Tràng Thi - Tràng Tiền tới Nhà hát Lớn.

Nhân dân hai bên đường phố túa ra mừng vui reo hò khích lệ, tinh thần chúng tôi vô cùng phấn khởi tự hào… Có ngờ đâu sau đó hầu hết chân chúng tôi đều bị sưng rộp tóe máu. Song khi lên sân khấu vẫn tươi vui quên hết mệt nhọc…” bà Ngà bồi hồi nhớ lại.

Dở khóc, dở cười

Trong lần về tiếp quản thủ đô này, có những mảnh ký ức “dở khóc, dở cười” mà bà Ngà đã cất giữ 70 năm nay và vẫn bồi hồi mỗi khi nhắc lại. Bà Ngà kể: “Khi đó, kỷ luật được siết chặt. Chúng tôi được dặn dò, nào là không được dí mũi vào cửa kính, không được tơ hào, không được chụp ảnh và đặc biệt không được lấy cây kim, sợi chỉ của nhân dân…”.

Các diễn viên nữ của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị những ngày đầu vào tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày ấy còn rất trẻ và hầu như chưa ai lập gia đình. Ảnh: NVCC.

Các diễn viên nữ của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị những ngày đầu vào tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày ấy còn rất trẻ và hầu như chưa ai lập gia đình. Ảnh: NVCC.

Nhưng bất ngờ hơn cả, bà Ngà đã thấy bố của mình trong dòng người túa ra khi đó. Trên tay ông cụ thân sinh là 4 cuộn len kim tuyến. Bà Ngà thảng thốt: “Tôi không nghĩ ông cụ lại biết tôi được về đợt tiếp quản này vì thông tin thời đó không thuận lợi như bây giờ. Có lẽ, ông cụ chỉ tình cờ đổ ra đường cùng dòng người rồi vô tình gặp. Nhưng lạ là ông cụ lại cầm theo mấy cuộn len, điều đến giờ tôi vẫn còn thắc mắc…”.

Thế nhưng vì kỷ luật mà bà Ngà cũng chỉ đành vẫy tay chào bố từ xa. Sau đó, bà vẫn có thể về thăm nhà nhưng tuyệt đối không được ăn uống ở nhà. Nước muốn uống phải đựng vào “bi-đông” đem theo bên người. Chỉ đến Tết, bà Ngà mới được ăn cơm cùng gia đình nhưng không được chụp ảnh. Cho đến tận bây giờ, đó vẫn là điều khiến bà Ngà tiếc nuối nhất vì không thể có mặt trong bức ảnh có đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Bà Ngà (đứng ngoài cùng bên phải) cùng các 'chị em' trong buổi gặp gỡ thường niên năm 2019. Ảnh: NVCC.

Bà Ngà (đứng ngoài cùng bên phải) cùng các “chị em” trong buổi gặp gỡ thường niên năm 2019. Ảnh: NVCC.

Một kỷ niệm khác trong thời gian về tiếp quản thủ đô khiến bà Ngà nhớ mãi. “Khi về Cửa Đông, Pháp đã rút. Chúng để lại đến 1/4 con bò trong toilet. Ai cũng đói nhưng chẳng ai dám ăn, phần vì sợ, phần vì kỷ luật…”, bà Ngà vừa kể vừa không giấu nổi tiếng cười.

Những ký ức đó, mãi là những trang sử hào hùng trong tâm trí bà Ngà và những người dân thủ đô năm đó. Đến nay, đoàn văn công ít có cơ hội gặp mặt vì người còn người mất, nhưng những kỷ niệm đẹp về tháng 10 lịch sử năm 1954 luôn sống mãi trong lòng bà.

Xem thêm
Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng

Sơn La Ngày 19/11, Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng được khai trương tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, kết nối giao thương Việt Nam và Lào.

Quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi chồng chất khó khăn

Theo ông Lương Văn Anh, hồ chứa thủy lợi có vai trò quan trọng cấp nước sản xuất nông nghiệp, khai thác đa mục tiêu... Tuy nhiên, việc vận hành vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Triều cường cao nhất năm gây ngập lụt một số khu vực cửa sông

Kiên Giang Đợt triều cường giữa tháng 11 được dự báo là cao nhất trong năm 2024, đã gây ra ngập úng một số khu vực cửa sông tại Kiên Giang.