| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng sinh kế để giảm nghèo bền vững

Thứ Tư 01/11/2023 , 09:11 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Huyện Quảng Ninh trích ngân sách gần 1 tỷ đồng hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giúp người nghèo và cận nghèo ổn định cuộc sống.

Để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và chính sách, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), đã có nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế đã có được hiệu quả cao.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện Quảng Ninh đã trích từ ngân sách gần 1 tỷ đồng hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giúp người nghèo và cận nghèo ổn định cuộc sống.

Từ nguồn ngân sách này, nhiều mô hình, dự án hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Quảng Ninh được triển khai. Điển hình là mô hình nuôi ngan đen thương phẩm trong nông hộ tại xã Gia Ninh với 20 hộ tham gia, trong đó có 16 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, 1 hộ khó khăn.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, người dân phát triển chăn nuôi có thu nhập ổn định. Ảnh: H.Phương

Từ nguồn vốn hỗ trợ, người dân phát triển chăn nuôi có thu nhập ổn định. Ảnh: H.Phương

Mô hình được hỗ trợ nguồn kinh phí 426 triệu đồng để các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, huyện còn xây dựng dự án mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà ri lai thương phẩm tại xã Vạn Ninh với 25 hộ dân tham gia, trong đó có 17 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, 2 hộ chính sách. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, ngoài thiết lập xây dựng các dự án, mô hình hỗ trợ sinh kế, huyện đã trích ngân sách gần 800 triệu đồng để phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng khó khăn.

“Chúng tôi cũng thực hiện đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hay người lao động có thu nhập thấp; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức trồng trọt chăn nuôi cho người nghèo, cận nghèo ở các địa phương” ông Lê Ngọc Huân nói…

Anh Nguyễn Văn Luận (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh), một trong những hộ nghèo vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế bền vững. Năm 2019, anh Luận thuê đất của xã Tân Ninh để làm trang trại nuôi trồng thủy sản. Anh đầu tư nuôi cá, tôm, cua và thu mua ốc…

Vậy nhưng trong trận lũ năm 2020, toàn bộ tài sản của trang trại bị nước lũ cuốn trôi, vốn liếng gần như mất trắng. Anh Luận lại quyết tâm lần nữa, nhờ có vốn vay, đầu tư xây dựng lại trang trại với tổng diện tích khoảng 2ha để trồng cây ăn quả như xoài, mít Thái, thơm, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

"Đến nay, gia đình chúng tôi đã trả hết các khoản vay, kinh tế ổn định với thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho một số anh em khác”, anh Luận bộc bạch.

Một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững của huyện Quảng Ninh đặt ra là giải quyết việc làm. Ông Nguyễn Công Triều, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quảng Ninh cho biết, năm 2022 và 2023, là năm đột phá về nhiệm vụ này. Trong đó, chú trọng việc đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động.

“Năm qua, huyện Quảng Ninh tạo việc làm cho gần 3.000 lao động. Số lượng người đi xuất khẩu lao động được gần 500 người. Con em đi xuất khẩu lao động có thu nhập cao, ổn định và hàng tháng gửi tiền về nên nhiều gia đình đã có vốn phát triển sản xuất tăng thêm thu nhập”, ông Triều cho hay.

Xuất khẩu lao động có thu nhập cao giúp giảm nghèo bền vững và ổn định đời sống ở vùng nông thôn huyện Quảng Ninh. Ảnh: H.Phương

Xuất khẩu lao động có thu nhập cao giúp giảm nghèo bền vững và ổn định đời sống ở vùng nông thôn huyện Quảng Ninh. Ảnh: H.Phương

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Quang (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh). Là hộ cận nghèo nay đã vươn lên khá giả. Nhà ông Quang có hai người con được vay vốn xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Sau một năm lao động, tiền các con gửi về đã đủ trả chi phí học nghề và xuất khẩu. Hai năm còn lại, tiền các con gửi về là ông Quang mua thêm bò, xây chuồng lợn nuôi lợn nái…

“Ngoài tiền các con tôi gửi ngân hàng để khi các con về có vốn liếng mở mang làm ăn. Riêng thu nhập từ chăn nuôi cũng cho gia đình mỗi năm gần trăm triệu đồng. Cơ bản là gia đình đã vượt lên nghèo khổ và ổn định cuộc sống”, ông Quang hồ hởi nói.

Hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm và hỗ trợ sinh kế đã tác động tích cực đến đời sống của người dân địa phương, số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể qua từng năm.

Kết quả rà soát số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến cuối năm 2022 cho thấy, toàn huyện còn gần 1.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,4% (giảm 1,6% so với đầu năm). Hộ cận nghèo còn 1.500 hộ, chiếm tỷ lệ 5,4% (giảm 1,7% so với đầu năm).

“Chính sách giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng khó khăn”, ông Lê Ngọc Huân cho hay.

Xem thêm
Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm