Hơn 87 tỷ đồng mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tập trung
Theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải bằng hoặc lớn hơn 55%. Đây là một trong những chỉ tiêu rất khó đạt được, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã và sự đồng thuận của người dân.
Để trợ lực cho cấp huyện, cấp xã hoàn thành chỉ tiêu này, từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) làm chủ đầu tư triển khai 7 dự án cấp nước sạch nông thôn, sử dụng nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025.
Trong đó, có 4 dự án chuyển tiếp thực hiện từ năm 2022, gồm: Dự án mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư 14,4 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Quang (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư 14 tỷ. Dự án mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (giai đoạn 3), với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Dự án thay thế nguồn cấp nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tổng vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng.
Các dự án này hầu hết triển khai thi công từ tháng 12/2023. Đến nay dự án Cẩm Mỹ đã thi công hoàn thành; dự án Vượng Lộc, Cẩm Quang, Thạch Sơn khối lượng thi công đạt khoảng 70%.
Đối với 3 dự án triển khai năm 2023, lớn nhất là dự án nâng cấp mở rộng công trình cấp nước Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc (giai đoạn 3), tổng mức đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng. Sửa chữa, nâng cấp hệ thống mạng lưới công trình cấp nước Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Vịnh có tổng mức đầu tư 11 tỷ và dự án sữa chữa, nâng cấp mở rộng công trình cấp nước xã Thạch Bằng để cấp cho xã Bình An và Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tổng mức đầu tư 8,5 tỷ đồng. Các dự án này đang lập hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Theo lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Hà Tĩnh, đây đều là những dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, các địa phương, bởi khi những công trình này đi vào vận hành sẽ là tiền đề góp phần giúp các xã sớm đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Song hành nhanh và đảm bảo chất lượng
Áp lực về mặt tiến độ, buộc chủ đầu tư phải huy động toàn bộ nhân lực làm việc không kể ngày đêm, phân ca trực phù hợp tại các tổ thi công. Đồng thời, phối hợp UBND các huyện, xã giải phóng mặt bằng kịp thời.
Anh Lê Viết Thân, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay, phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước có 9 người thì cả 9 đều bám dưới công trình để đôn đốc thi công các dự án.
Quá trình thực hiện, ngoài việc đảm bảo nhanh về mặt tiến độ, Trung tâm yêu cầu nhà thầu thực hiện lắp đặt đường ống đúng theo hồ sơ thiết kế, thi công đến đâu hoàn trả mặt bằng, vệ sinh môi trường đến đó.
Chị Nguyễn Thị Miên, thôn 6, xã Cẩm Quang: “Khi hay tin có dự án nước sạch đi qua thôn gia đình tôi đăng ký ngay, dù chưa biết hộ dân phải đối ứng bao nhiêu tiền. Nói chung có nước sạch sử dụng thay nước mưa thì không có gì phấn khởi bằng”.
“Có những đoạn đường ống lắp cao hơn thiết kế hoặc lu lèn hoàn trả mặt bằng không đảm bảo, chúng tôi đều yêu cầu nhà thầu phải làm lại. Quan điểm là nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư công trình cấp nước tập trung”, anh Thân nói.
Tại công trường thi công dự án mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Quang (giai đoạn 2) hiện có 4 tổ thi công của Công ty CP Xây dựng Quốc Hưng đang tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ.
Mỗi tổ doanh nghiệp bố trí từ 3 - 5 người, thực hiện hàn nối 3,3km đường ống chính chạy qua 4 thôn; tổ khác lu nền đất, vệ sinh tuyến đường hoàn trả mặt bằng theo quy định. 2 tổ còn lại thi công đấu nối 28km đường ống dịch vụ, chuẩn bị lắp đặt công tơ, sớm cấp nước cho nhân dân sử dụng.
Cách tổ đấu nối đường ống chính chừng 2km, tổ hoàn trả mặt bằng 4 người vừa lu lèn phần nền đường vừa thu gom, vận chuyển phần đất dư thừa để chuẩn bị đổ bê tông mặt đường.
Chị Nguyễn Thị Huyền thông tin, toàn bộ đường ống dịch vụ trong khu dân cư đều đã lắp đặt cơ bản, chờ đấu nối với đường ống chính và lắp công tơ. Gần một tuần nay tổ hoàn trả mặt bằng của chị thực hiện lu lèn, vệ sinh khu vực thi công, không làm gián đoạn việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
“Lãnh đạo công ty chỉ đạo chúng tôi làm cuốn chiếu để đẩy nhanh tiến độ. Các tổ linh động phối hợp công việc nhằm tránh sự chờ đợi lẫn nhau”, chị Huyền nói.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, về cơ bản người dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, đâu đó có một số hộ dân chưa hiểu rõ về dự án, suy nghĩ dự án đi qua có đền bù nhưng chủ đầu tư, nhà thầu không chi trả cho người dân nên ngăn cản.
“Đối với vấn đề này vai trò chính quyền địa phương đặc biệt quan trọng. Như trường hợp thi công dự án ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà sau khi một số hộ cản trở, chúng tôi phối hợp xã đến tận nhà dân tuyên truyền, giải thích về chủ trương, quy định của dự án. Mưa dầm thấm lâu, khi bà con hiểu ra vấn đề đã đồng thuận cho đơn vị thi công đào đường, xẻ ngõ để thực hiện dự án”, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Hà Tĩnh dẫn ví dụ.
Là một trong gần 5.000 hộ dân được hưởng lợi từ dự án cấp nước tập trung đầu tư giai đoạn 2022 đến 2025, chị Dương Thị Hoa, thôn 10 xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên tấm tắc khen nước nhà máy Bắc Cẩm Xuyên cấp đến hộ dân không chỉ chảy mạnh mà còn trong, không mùi, không vị.
Theo chị Hoa, thôn 10 nằm trong diện ưu tiên cấp nước giai đoạn 1 của dự án nên được sử dụng nước sạch từ tháng 8/2023. Trước đây, ngoài dùng nước mưa, mỗi tháng gia đình chị phải bỏ ra chi phí khoảng 250 ngàn đồng mua nhiều téc nước tự nhiên từ núi Quang Sơn, cách nhà 2km để sinh hoạt.
“Từ ngày có nước sạch gia đình không chỉ tiết kiệm được 250 ngàn đồng tiền mua nước tự nhiên mà còn an tâm về chất lượng nguồn nước đã được kiểm định”, chị Hoa phấn khởi nói.