Đặc sắc hương đen Quảng Phú Cầu mỗi độ xuân về
Thứ Năm 16/01/2025 , 08:44 (GMT+7)Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, người dân làng tăm hương Quảng Phú Cầu nổi tiếng đang tất bật, sản xuất nhằm đáp ứng số lượng đơn hàng tăng cao đột biến.
Giáp Tết nguyên đán, bà Nguyễn Thị Hằng, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội lại chuẩn bị một mẻ hương đen mới, to gấp 3-4 lần hương bình thương, dài khoảng 50cm, gấp rưỡi so với 2 loại thông thường (29cm và 38cm).
Theo lời bà Hằng, nén hương đen khác lạ được sản xuất 100% từ nguyên liệu thảo mộc tự nhiên với mùi thơm đặc trưng của nhựa cây trám rừng. Đó là một mùi thơm mát dịu tự nhiên, khác hẳn với các mùi hương trầm, hương bài, hương quế...
Vì to lớn khác thường, 1 bó hương đen ngày Tết chỉ khoảng 4-5 cây, ít hơn nhiều so với bó hương thông thường. Tuy nhiên, thời gian cháy cũng lâu hơn. Một số loại đặc biệt có thể cháy ngoài 6-7 tiếng.
"Sản phẩm ngày Tết nên có phần đặc biệt", bà Hằng trải lòng và cũng nói thêm, rằng thông thường cơ sở thường sản xuất loại hương đặc biệt theo đặt hàng, chứ ít khi sản xuất trước.
Loại hương đen đặc biệt (bên phải) và hương thông thường (bên trái) trên tay bà Hằng.
Ngoài tiêu thụ ở đình, chùa, thời gian gần đây, hương đen cũng được người dân đặt mua nhiều, vào những dịp đặc biệt. Nhiều khi, hàng sản xuất không đủ bán.
Theo một số người cao tuổi tại xã Quảng Phú Cầu, từ hàng trăm năm trước, người dân nơi đây đã biết cách cạo lấy mủ cây trám rừng để sản xuất hương. Trước kia, hương đen Quảng Phú Cầu chủ yếu được làm bằng tay, nhưng ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên máy móc đã dần thay thế trong nhiều công đoạn, nhất là lúc se hương.
Số lượng và độ đồng đều của sản phẩm, vì thế, cũng đều, đẹp và đảm bảo hơn, đáp ứng được thị hiếu khách hàng.
Tại cơ sở sản xuất hương của nghệ nhân Nguyễn Thu Phương, thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, sản phẩm hương đen được nhiều khách hàng quan tâm.
Thông thường hương sẽ được phơi khô một cách tự nhiên. Những ngày nắng, hanh khô như vừa qua thì chỉ khoảng một ngày là được. Hương đen bóng đẹp, có thể bảo quản từ 2-3 năm, không những xuất hiện ở khắp đất nước mà còn vươn ra nước ngoài.
Là nghề truyền thống, người dân Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm, rằng hương là thế giới tâm linh nên các công đoạn làm hương phải đặc biệt sạch sẽ, nâng niu và trân quý trong từng thao tác làm hương. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các công đoạn được tự động hóa nhiều, người dân đa số chỉ còn phơi hương, đóng gói nên càng trân trọng.
Đến làng hương nổi tiếng, cách trung tâm Hà Nội độ 40km khi Tết nguyên đán Ất Tỵ chỉ còn cách 2 tuần nữa, không khí lao động nhộn nhịp diễn ra ở khắp các xưởng. Một số lao động tại xã cho biết, trung bình một người thợ một ngày có thể hoàn thiện được 15-20kg thành phẩm.
Ngoài sản xuất, kinh doanh, cơ sở của chị Phương còn mở khu trải nghiệm để khách hàng được tự làm ra những cây hương. Khách đến trải nghiệm có khá nhiều du khách nước ngoài. Đa số trầm trồ và ngạc nhiên về những cây hương to lớn, khác lạ mà họ chỉ được thấy nhiều vào dịp Tết.
Nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu diễn ra quanh năm, nhưng cuối năm mới là giai đoạn cao điểm. Một số hộ gia đình hiện mở rộng kinh doanh, có doanh thu khá, đủ sức "làm một vụ ăn cả năm".
"Dịp Tết, chúng tôi thường phải làm việc cả ca tối. Ngoài các sản phẩm truyền thống, cơ sở còn sản xuất thêm nhiều loại hương mới như hương bồ kết xông nhà, hương khuynh diệp đuổi muỗi, tất cả đều từ nguyên liệu thiên nhiên", nghệ nhân Nguyễn Thu Phương chia sẻ.
Xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn, gồm Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Thượng, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú, thì tất cả đều sản xuất hương. Từ năm 2002, cả 6 thôn đều được công nhận “Làng nghề truyền thống”.
UBND xã Quảng Phú Cầu đang tích cực hỗ trợ, khuyến khích và định hướng các cơ sở sản xuất đa dạng hơn nữa sản phẩm, ngoài tăm hương truyền thống còn có nụ hương, hoặc phát triển mô hình kết hợp giữa làng nghề truyền thống và du lịch, góp phần quảng bá sản phẩm và cải thiện kinh tế địa phương.
Ông Trang Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu thông tin, nhờ nghề làm hương, kinh tế của người dân trên địa bàn ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng trung bình 70-80 triệu so với cách đây chục năm.
Theo kế hoạch của Sở Du lịch Hà Nội, làng tăm hương Quảng Phú Cầu là một trong những điểm nhấn của tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long", kéo dài từ trung tâm Thủ đô đến huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và kết thúc tại Mỹ Đức. Đây là cơ hội để những nén hương nơi đây vươn cao, bay xa hơn nữa trong tương lai.
tin liên quan
Chụp ảnh lấy ngay tặng bệnh nhân ung thư Viện K đón Tết
Viện K Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) có rất đông bệnh nhân từ trẻ em đến người già điều trị ung thư, dịp Tết này họ được chụp ảnh lấy ngay miễn phí.
Người dân vùng sạt lở có nhà mới, tất bật chuẩn bị đón Tết
Cao Bằng Trên khu tái định cư Lũng Lỳ, xã Ca Thành và Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), người dân đang tất bật chuẩn bị đón Tết, cuộc sống mới hồi sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin
Chiều 14/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đón Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 14-15/1.
Thủ phủ hoa hồng 'xuống' đường, thu hút khách
Sau khi thất thu dịp 20/10, người trồng hoa tại các xã thuộc huyện Mê Linh đang cố công chăm sóc để có một vụ Tết thắng lợi.
Gượng dậy sau bão số 3, làng hoa giấy Phù Đổng hối hả vào vụ tết
Kết hợp với du lịch tâm linh tại khu vực Đền Gióng, người dân Phù Đổng hy vọng có thêm thu nhập, nhất là vào giai đoạn Tết nguyên đán cận kề.