| Hotline: 0983.970.780

Sôi động làng hương trầm

Thứ Ba 30/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Quảng Bình Nhằm phục vụ thị trường Tết, làng nghề làm hương trầm truyền thống Quyết Thắng tập trung sản xuất với không khí đầy nhộn nhịp.

Ông Lưu Đức Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho hay, nghề làm hương truyền thống đã tồn tại gần 300 năm nay ở Thanh Trạch. “Đến cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Bình công nhận "Làng nghề sản xuất hương trầm". Tại thôn Quyết Thắng, hương trầm có những đặc trưng riêng, do người làm hương luôn tuân thủ nghiêm các công đoạn sản xuất, sao cho cây hương có mùi thơm dịu nhẹ, cháy đượm lâu tàn. Đặc biệt, nguyên liệu làm hương được lấy từ tự nhiên trên rừng nên không độc hại, bà con làm nghề bằng thủ công như xưa chứ không làm bằng máy”- ông Huấn nói.

Nghề làm hương đã có gần 300 năm nay ở làng Quyết Thắng và giữ đến hôm nay. Ảnh: T. Đức

Nghề làm hương đã có gần 300 năm nay ở làng Quyết Thắng và giữ đến hôm nay. Ảnh: T. Đức

Hơn 300 năm làng vẫn giữ nghề…

Thanh Trạch nằm ở cửa sông Gianh đổ ra biển nên có thế mạnh về nghề biển. Địa phương này hiện đang có đội tàu đánh bắt xa bờ nằm trong tốp đầu của Quảng Bình. Ấy vậy mà có một làng nghề lại không chút liên quan gì đến việc ra khơi, đó là nghề làm hương ở thôn Quyết Thắng, Tiền Phong.

Theo ông Nguyễn Văn Xon, Trưởng thôn Quyết Thắng thì hiện thôn có trên 530 hộ dân, nhưng có hơn 400 hộ làm nghề hương và các hộ khác thì làm cung ứng nguyên vật liệu cho nghề này. “Trước đây, bà con lên núi hái lá cây hương lá mang về làm hương thắp cho dịp Tết và để dành cho các dịp cũng giỗ trong năm. Sau này, có phong trào tìm trầm hương nên bà con lấy bai (phần gỗ đẽo ra từ than cây trầm hương), trầm làm nguyên liệu và có tên trầm hương từ đó”- ông Xon cho biết.

Hộp lắc hương để cho ra sản phẩm là những cây hương trầm. Ảnh: T. Đức

Hộp lắc hương để cho ra sản phẩm là những cây hương trầm. Ảnh: T. Đức

Những ngày giáp Tết, về thôn Quyết Thắng mới cảm nhận được không khí làm hương khá sôi động, nhà nào cũng hối hả làm, đóng gói sản phẩm để kịp cung ứng thị trường Tết. Vừa đi qua cổng làng, đã nghe phảng phất trong gió mùi hương trầm thơm dịu như nhắc mùa Xuân đang dần đến.

Anh Trần Đình Doãn (thôn Quyết Thắng), đang cùng vợ phơi mẻ hương mới làm ban sáng cho kịp nắng. Tạm dừng tay, anh trò chuyện, nghề hương trầm là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, lớp sau nối nghề của thế hệ đi trước. Quanh năm, bà con làm nhiều công việc thời vụ khác nhau, song cứ dịp giáp Tết, người dân lại tập trung sản xuất hương trầm để cung ứng thị trường Tết.

Trước đây, khi vào khoảng tháng 8 - 9 âm lịch là bà con các thôn lên rừng tìm cây hương lá để tuốt lá. Cây hương lá thuộc loài cây dây leo mọc um tùm nên cũng dễ kiếm, bà con tuốt hết lá mang về, phơi khô cho vào bao cất giữ. Đến năm sau, ai nhớ được gốc cây hương nào thì cứ đến vùng đó tuốt lá. Sau một năm, cây hương lá lại phát triển, lá lại xum xuê cho bà con hái lộc. Vào tháng  giáp Tết, bà con lấy lá hương ra giã mịn thành bột để làm hương thắp.

Cũng khi thu hái lá hương thì bà con cũng chuẩn bị chu hương. Đây là phần nguyên liệu cũng rất quan trọng. Chu hương thường chọn ở những cây tre không già và cũng không non, được cưa thành từng đốt dài khoảng 30 - 40 cm, phần vỏ bên ngoài chẻ bỏ đi và lấy phần thịt bên trong chẻ nhỏ đều bốn cạnh rồi phơi khô. Sau này, bà con làm chu hương dài đến 70 cm (thường gọi là hương bồ hay hương mét).

“Chu hương phơi được nắng khi thắp hương cháy đượm, không tắt giữa chừng và có tàn hương trắng uốn hình vòng tròn là được bà con ưa chuộng nhất. Ngoài ra nhiều gia đình còn chọn những củ sắn tốt, thái lát phơi khô cất trữ để làm bột hồ”- anh Doãn nói thêm.

Làm hương bằng thủ công chỉ cần một khoảng sân hẹp là được. Ảnh: T. Đức

Làm hương bằng thủ công chỉ cần một khoảng sân hẹp là được. Ảnh: T. Đức

Công đoạn đầu tiên của người làm hương đó là nhuộm chu hương. Phần này được gọi là chân hương, thường bà con mua thuốc phẩm đỏ về pha loãng rồi đổ vào ống nứa, sau đó nhúng phần chân hương vào cho  bám màu đỏ rồi đưa phơi khô. Có khi không có thuốc đỏ, bà con lấy hạt mồng tơi chín đỏ giã nhuyễn để pha màu.

Khi vào làm hương, sắn lát được giã mịn lấy bột và quấy thành hồ loãng đổ vào ống nứa. Chu hương được nắm thành nắm trong tay nhúng dần vào ống nứa đựng hồ, sao cho phần hồ chạm đến phần màu đỏ của chân hương là được, rồi dựng vào chậu cho hồ chảy ráo.

Công đoạn tiếp theo, chị Phan Thị Thu Thủy (vợ anh Doãn) lấy hộp lắc hương (thường được làm bằng gỗ đóng thành hộp dài không có nắp, sau này bà con hay dùng thùng cốp ghép lại thành hộp), lót một lớp bột hương rồi rải đều chu hương đã ráo hồ vào hộp lắc, sau đó rải thêm lớp bột hương và lắc đều.

Hai tay chị Thủy giữ nhẹ hai đầu hộp mà dẻo như múa để lắc hộp vào ra hoặc khi nhấc phần đầu hộp lên cao một chút rồi hạ xuống để nâng đầu bên kia lên. Hai tay chị thuần thục, trong khi ánh mắt lại nhìn ra khoảng sân để xem ánh nắng đến độ nào mà đoán hương phơi đã trở được hay chưa.

Qua bàn tay lắc hộp những chu hương quay tròn để hồ sắn dính đều bột hương. Tiếng lách cách của chân hương đụng vào hộp lắc như một bản nhạc cụ dân tộc quen thuộc. Khi cảm thấy cây chu đã “ăn” đủ bột hương và lúc này đã thành cây hương thì bà con lấy ra khỏi hộp để đưa phơi nắng. “Nếu muốn cây hương “béo” hơn thì sau lần lắc thứ nhất, hương được đưa ra phơi nắng cho khô se rồi đưa vào nhúng bột hồ và cho vào hộp lắc, cho bột hương vào để lắc tiếp thì cây hương như được “ăn” bột hương hai lần là to thêm”- chị Thủy giải thích.

Trời nắng đẹp là phơi hương trầm trong ngày là đạt chất lượng. Ảnh: T. Đức

Trời nắng đẹp là phơi hương trầm trong ngày là đạt chất lượng. Ảnh: T. Đức

Sôi động vụ Tết năm nay

Những ngày giáp Tết nắng nhiều như tạo hứng khởi cho bà con làm hương trầm. Bà con tranh thủ dậy từ sáng sớm để làm hương.

Sáng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc (thôn Quyết Thắng), vừa làm xong mẻ hương và đưa ra phơi nắng. Những dãy hương được phơi dọc nối nhau với hai sắc màu vàng của cây hương và màu đỏ của chân hương tạo nên bức tranh làng quê truyền thống như rực lên dưới nắng.

Hương trầm phơi được nắng sẽ cho mùi thơm và tàn hương trắng đẹp hơn. Ảnh: T. Đức

Hương trầm phơi được nắng sẽ cho mùi thơm và tàn hương trắng đẹp hơn. Ảnh: T. Đức

Nếu gặp dịp nắng to thì hương chỉ phơi một ngày là đủ khô để đóng gói. Những hôm nắng nhẹ thì phải phơi liên tục 2 - 3 ngày mới khô. Thông thường bà con hay dùng giấy báo cũ cắt thành miếng vuông độ bằng gang tay người lớn. Cây hương khô được nắm 100 que đưa vào miếng giấy đặt chéo quấn tròn sao cho giấy cuốn vừa chặt thì dùng hồ dính lại, phần giấy thừa đầu bó hương được gấp vào vừa để bảo vệ phần đầu que hương khỏi bị bong bật ra. Như vậy sản phẩm hương trầm coi như đã hoàn thành.

Vừa xếp những bó hương thành chục để cho vào túi bảo quản, bà Ngọc vừa cho hay, mỗi ngày gia đình làm khoảng 300 - 400 bó hương trầm. “Vào dịp Tết, mỗi bó hương dài (khoảng 70 cm), có giá từ 150 đến 170 ngàn đồng. Loại hương ngắn (khoảng 50 cm), có giá 100 ngàn đồng. Nếu nhập sỉ cho thương lái thì giá có giảm đi một chút. Nói chung, mỗi vụ làm hương cũng cho mỗi gia đình có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. Nhiều gia đình trữ nguyên liệu và làm quanh năm thì cũng có đồng vào đồng ra. Có gia đình làm chuyên và có lao động thì thu nhập đến cả trăm triệu đồng”- bà Ngọc cho hay.

Nghề làm hương trầm thủ công vẫn được gìn giữ lại cho thế hệ sau. Ảnh: T. Đức

Nghề làm hương trầm thủ công vẫn được gìn giữ lại cho thế hệ sau. Ảnh: T. Đức

Đi dọc con đường thôn, hai bên đường bà con tranh thủ phơi hương cho kịp nắng, ông Xon, Trưởng thôn tâm sự, trải qua bao thăng trầm, làng hương Quyết Thắng hiện đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được hợp tác xã nên chưa có thương hiệu riêng cũng khiến giá cả sản phẩm không cao và chưa được biết đến rộng rãi. 

Vào những năm thập niên 90, khi phong trào khai thác trầm hương tự nhiên khá phổ biến, những người đi trầm thường mang bao trầm về, khi đốt lên ngửi rất thơm nên bà con lấy làm hương liệu cho cây hương và tên gọi “hương trầm” ra đời từ đó. Mặt khác, những vùng đồi đã được giao cho người dân phát quang trồng rừng nên cây hương lá cũng hiếm dần đi. Bây giờ, bà con đưa thêm các loại thảo mộc như rễ cây hương ren (hương bài), quế chi… để làm thành bột hương.

Xem thêm
Năm Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất, thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo

Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về tên gọi sau hợp nhất của một số bộ, Bộ Nội vụ cho biết có Năm Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.