| Hotline: 0983.970.780

Du ký Việt Bắc

Làm hương ở xứ sở thần tiên

Thứ Hai 12/06/2023 , 15:59 (GMT+7)

Toàn bộ hộ dân trong làng Phja Thắp đều lưu giữ nghề truyền thống, như thể muốn níu giữ những hoài niệm và giá trị của thế hệ đi trước.

Làng hương Phja Thắp nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Đinh. 

Làng hương Phja Thắp nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Đinh. 

Từ trung tâm huyện Quảng Hòa đi TP. Cao Bằng chợt thấy một vùng non xanh nước biếc, ruộng vuông từng khoảnh chạy ngút tầm mắt đến tận chân núi Phà Hùng. Hãm phanh cho chiếc xe lăn chậm lại, một mùi thơm thoang thoảng của cây cỏ, núi rừng hòa quyện như tràn khắp không gian. Tới ngã ba rẽ vào làng Phja Thắp, xã Phúc Sen, hương vị càng thêm đậm đà và thân thuộc.

Bài liên quan

Thấy chúng tôi ngơ ngác, cán bộ xã Phúc Sen mau mắn chỉ tay xuống đường, nơi những bó hương được người dân trong bản phơi đầy hai bên.

Phải khó khăn lắm, chiếc xe 7 chỗ của đoàn mới có thể luồn lách trên con đường bê tông rộng độ 2 mét rưỡi để đi sâu vào bản. Người Nùng An gần như không để trống bất cứ khoảng đất nào. “Xưởng sản xuất” được họ đưa ra sát đường, không phơi hương thì lại trải bạt sàng sẩy, hoặc ngồi túm tụm vừa làm vừa trò chuyện rôm rả. Xen lẫn những ruộng lúa, ruộng ngô là mấy bãi đất trống, bằng phẳng được người dân sử dụng để phơi mùn cưa - một trong số những nguyên liệu chính của ngôi làng nghề trăm tuổi. Xa xa phía cuối làng, những ngôi nhà sàn hai tầng khang trang tô điểm thêm cho sức sống mới của Phja Thắp.

Bí quyết từ cây bầu hắt

Trong văn hóa của người Việt Nam, nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Có lẽ vì cần một tấm chân thành như thế, nên dù cho có công nghệ hiện đại nhưng người Nùng An vẫn sử dụng phương pháp làm hương truyền thống của tổ tiên để lại, từ khâu chọn nguyên liệu, gia công đến ra sản phẩm.

Bà Hoàng Thị Niêm, ngoài 80 tuổi, một trong hai nghệ nhân làm hương nhiều tuổi nhất trong làng, thong thả thu những nén hương sau một ngày dãi nắng. Bà kể, từ ngày về làm dâu, Phja Thắp đã ngập tràn mùi hương. Già trẻ lớn bé, ai cũng tìm thấy công việc của mình. Những người có tuổi thì chẻ que, bó hương; trẻ con thì trộn mùn cưa, phơi hương; phụ nữ chịu trách nhiệm sàng sẩy, thu dọn nguyên liệu và chế biến. Công việc nặng nhọc nhất, là đi rừng tìm nguyên liệu, dành cho thanh niên trai tráng.

Những em nhỏ trong làng Phja Thắp phụ giúp gia đình, giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: Tùng Đinh.

Những em nhỏ trong làng Phja Thắp phụ giúp gia đình, giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài những nguyên liệu cơ bản, ai cũng biết trong quá trình làm hương như cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và một số loại cây tạo mùi như nghiến đỏ, cây thung.. người Nùng An đặc biệt chú trọng vào cây bầu hắt, một loại lá trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.

Theo lời bà Niêm, cây bầu hắt thường mọc sâu trong rừng. Cách đây vài chục năm, người dân trong bản còn tìm thấy ở những rặng núi gần Phja Thắp, nhưng giờ đa số lặn lội sang huyện Trùng Khánh, cách khoảng 40-50km để tìm nguyên liệu. Vào dịp Tết nguyên đán cách đây vài năm, thiếu nguyên liệu bầu hắt, một số hộ dân trong làng phải sang tận Lạng Sơn để thu mua.

Bài liên quan

Bầu hắt trong tự nhiên được thu hoạch bên những vách đá cheo leo. Mỗi lần đi rừng, người dân thường tính toán chọn ngày nắng ráo và tốn mất cả tuần, thậm chí nửa tháng mới tìm được cây ưng ý. Cây sau khi hái về được phơi khô trong khoảng 2 ngày (nếu trời nắng) rồi đem đi nghiền thành bột.

Bột màu xanh này có tác dụng kết dính các nguyên liệu khác trên cây hương, nhưng không được dùng quá nhiều bởi có thể ảnh hưởng đến khâu tạo hình sau này. Cũng theo bà Niêm, đã có một số hộ dân trong làng thử trồng cây bầu hắt nhưng chăm sóc như thế nào thì lá cây cũng không cho mùi hương như lá cây ngoài tự nhiên. 

Mỗi gia đình trong số hơn 50 hộ ở Phja Thắp lại có một bí quyết riêng trong khâu chuẩn bị bột làm hương, trộn nguyên liệu, làm sao để khi đốt có mùi thơm, tàn đẹp. Về cơ bản, người sản xuất sẽ nhúng tăm hương vào nước và lăn qua bột cây bầu hắt, sau đó nhúng nước lần hai rồi lăn qua mùn cưa - thường được lựa từ những cây gỗ thân mềm để hương cháy tốt. Làm như vậy độ 4-5 lần sẽ được que hương thành phẩm.

Một nén hương dài cỡ 40cm, giá một nắm độ 20.000 đồng tại chợ phiên, nhưng toàn bộ quá trình sản xuất đều thủ công. Trong thời đại 4.0 ngày nay, con người có xu hướng “công nghiệp hóa”, “dây chuyền hóa” mọi công đoạn có thể để sản phẩm làm ra được đồng đều về kích cỡ, chất lượng. Nhưng người Nùng An lại nghĩ khác.

Họ cẩn thận, tỉ mẩn trong từng công đoạn, vừa để đảm bảo chất lượng vừa để đắm chìm trong thế giới ngào ngạt hương thơm của trầm, nghiến. Ngay cả việc sấy hương, nhiều hộ sản xuất dưới xuôi đã chuyển sang sấy bằng lò, thì bản Phja Thắp vẫn chủ trương đem hương ra phơi tự nhiên ngoài ánh nắng.

Hương được phơi trên những khay đá, bày la liệt dọc lối vào làng Phja Thắp. Ảnh: Tùng Đinh.

Hương được phơi trên những khay đá, bày la liệt dọc lối vào làng Phja Thắp. Ảnh: Tùng Đinh.

Với nhiều làng nghề làm hương khác tại Việt Nam, tăm hương được nhuộm đỏ trước khi cho vào nặn. Nhưng tại Phja Thắp, người dân làm xong mới đi nhuộm đỏ chân hương bằng lá cây chăm che, một loài cho phẩm màu tự nhiên được trồng đầy quanh nhà, rồi mới đem ra phơi. Đây cũng là công đoạn chiếm nhiều thời gian lâu nhất, ngày nắng thì phơi chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết âm u thì phải mất 3 ngày.

Nhìn từ bên ngoài, nghề làm hương trông nhàn nhã. Một đồng nghiệp đi cùng đoàn chúng tôi còn dí dỏm gọi người làm hương là “nghệ sĩ” bởi chỉ cần lỡ tay nhúng nhiều chất kết dính quá hoặc dính nhiều bột quá thì que hương sẽ to không đồng đều hoặc thiếu chắc chắn. Dẫu vậy, có lăn lộn cả ngày trời mới hiểu, làm hương cũng tương đối vất vả. Ngoài bụi từ bột cây bầu hắt và mùn cưa trong công đoạn lăn bột, se hương, người làm còn phải kiên nhẫn ngồi cả tiếng đồng hồ, cặm cụi chẻ cây mai với kích thước vừa đủ, sao cho khi hương cháy sẽ tạo tàn cong. Nếu chăm chỉ, một người làm từ sáng sớm đến tối mịt có thể tạo ra khoảng 3.000-4.000 que hương mỗi ngày.

Để tận dụng hết không gian trên con đường dẫn vào bản, người dân còn chế tạo thêm những chiếc khay phơi hương bằng đá, có hình như một chiếc cốc thấp, khá nặng để tránh bị đổ hương khi có gió thổi. Từng que hương thành phẩm được tỉ mẩn cắm trên các lỗ nhỏ, mỗi khay xếp khoảng 15-20 que, tách đều nhau thành hình tròn để hương không bị dính lại với nhau. Kỳ công là vậy nên hương mua tại Phja Thắp bao giờ cũng dễ cháy, thơm tự nhiên và bảo quản được lâu dài.

Bà Hoàng Thị Niêm, một trong hai cụ cao tuổi nhất làng Phja Thắp còn tham gia sản xuất hương. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Hoàng Thị Niêm, một trong hai cụ cao tuổi nhất làng Phja Thắp còn tham gia sản xuất hương. Ảnh: Tùng Đinh.

Suy nghĩ đột phá của người trẻ

Khi những tia nắng đầu tiên trải xuống chân núi Phà Hùng, xóm Phja Thắp lại phủ đầy bóng áo chàm, người đi phơi hương, người chuẩn bị công việc đồng áng, hoặc tổ chức chăn nuôi nông hộ.

Lui cui nhóm bếp, pha nước rồi quét dọn khoảng sân rộng phía trước, chị Hoàng Thị Cúc lại dành phần lớn thời gian chăm chút cho “góc check-in” ưa thích của du khách tại homestay này. Đó là một góc vườn rộng chừng 40-50 m2, được lát xi măng bằng phẳng. Ở chính giữa đặt 3 khung thép cỡ lớn, quây lại theo hình chữ U, mỗi khung có 6 tầng đặt chi chít những bó hương với đủ sắc màu. Bên ngoài “sân khấu chính” là lớp lớp những rừng hoa lê, hoa gạo, hoa đỗ quyên khoe sắc.

"Hương này chủ yếu phục vụ khách đến chụp ảnh, thỉnh thoảng mới đem bán", chị Cúc nói, tay lật từng khay cắm để chỉnh đúng vị trí cho các que hương, tránh bị gió thổi đổ. Theo người phụ nữ 30 tuổi, gia đình chị giờ làm hương chủ yếu là để gìn giữ nghề truyền thống, thay vì đem bán. Để lấp vào chỗ trống thu nhập, chị chuyển hướng sang làm homestay, đồng thời cung cấp thêm các dịch vụ như hướng dẫn du khách trải nghiệm làm hương, tham quan làng hương, hay tổ chức ca múa nhạc truyền thống.

Nhờ một dự án hỗ trợ của nước ngoài, gia đình chị Cúc là hộ gia đình đầu tiên tại Phja Thắp đầu tư làm du lịch cộng đồng. Cùng với tiền dự án, chị Cúc bàn với chồng đi vay mượn thêm hơn 200 triệu đồng để sửa sang lại nhà cửa, xây công trình phụ, mua thêm chăn gối và các vật dụng cần thiết khác.

Góc phục vụ du khách chụp ảnh lưu niệm tại homestay Mr. Kim của chị Cúc. Ảnh: Tùng Đinh.

Góc phục vụ du khách chụp ảnh lưu niệm tại homestay Mr. Kim của chị Cúc. Ảnh: Tùng Đinh.

So với những địa phương lân cận, hoặc các khu vực khác tại tỉnh Cao Bằng như làng đá Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh); xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc)… nơi chị Cúc sinh sống phát triển mô hình này tương đối muộn. Đến tháng 5/2023, mới chỉ thêm một vài hộ nữa trong xóm học hỏi và bắt đầu triển khai loại hình này. Việc liên kết với các tour, tuyến du lịch hầu như do cá nhân chủ động, tạo dựng mối quan hệ. Nhà chị Cúc không phải ngoại lệ. Hiện khách đến homestay của chị chủ yếu là đến và đi trong ngày, thảng hoặc mới lưu trú qua đêm dù diện tích nhà sàn đủ đáp ứng cho 20-25 người.

Nhiều thách thức là thế nhưng hai vợ chồng chị Cúc động viên nhau “cứ làm rồi sẽ có ăn”. Khi chúng tôi hỏi, tại sao vợ chồng trẻ mà lại “liều” thế, chị cười xòa. Áng chừng một vài phút, ánh mắt của người phụ nữ dân tộc Nùng chợt mơ màng về phía xa xăm, như đang nhớ lại thuở thơ bé.

Chị kể, ngày trước dân làng Phja Thắp vất vả lắm. Ngay cả những hôm rét mướt, nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, mọi người vẫn tất bật từ 5h sáng để lao động. Những sớm mùa hè, khi sương đêm còn chưa tan hết, tiếng cười tiếng nói đã vang vọng khắp các cánh đồng. Nhiều em bé ở độ tuổi chị ôm từng bó hương lớn ra ngoài sân, ngoài đồng để phơi. Chừng phơi hết thì mới trở vào ăn sáng rồi đến trường học cái chữ.

Một nắng hai sương là vậy nhưng thu nhập của mỗi hộ chỉ đủ trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học. Số dư còn lại không đáng kể. Giữa câu chuyện, chợt thấy con trai lớn đạp xe về, chị cười buồn: “Ngày ấy, em cứ ước mơ có một ngày được đạp xe đi học”. Nhưng rồi tới tận lúc về nhà chồng, chị vẫn trong cảnh rảo bước trên con đường ngoằn ngoèo.

Có một thực tế, dù là làng nghề lớn có tên tuổi khắp cả tỉnh nhưng nghề làm hương ở Phja Thắp vẫn không đủ giúp người dân có của ăn của để. Một phần lý do là bởi hương được làm cầu kì nhưng giá thành tương đối khá thấp và chủ yếu tiêu thụ tại các phiên chợ huyện trong tỉnh Cao Bằng. Một số ít được bày bán tại các tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Bên cạnh nghề truyền thống, những người trẻ như chị Cục hiện phát triển thêm dịch vụ lưu trú, cải thiện thu nhập. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh nghề truyền thống, những người trẻ như chị Cục hiện phát triển thêm dịch vụ lưu trú, cải thiện thu nhập. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, hương truyền thống còn vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các sản phẩm được sản xuất bởi dây chuyền công nghệ hiện đại. Từ số lượng, bao bì, mẫu mã cho đến cả vấn đề quảng bá thương hiệu, sản xuất kiểu truyền thống đều khó thể so bì.

Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong ngôi làng hàng trăm năm tuổi, bầu không khí lao động, lạc quan vẫn ngập tràn. Chị Cúc kể, các cụ lớn tuổi trong làng luôn quan tâm giáo dục thế hệ trẻ về việc gìn giữ làng nghề. Thanh niên Phja Thắp hiếm khi đi làm ăn xa, hoặc nếu có đi thì chỉ mang tính thời vụ. Bản thân chị Cúc cũng từng có suy nghĩ muốn đột phá về thu nhập cho gia đình, nhưng rồi khi thấy nén hương Phja Thắp trên bàn thờ của nhiều gia đình ở Cao Bằng, lòng chị dằn lại. Chị tự nhủ, phải tìm cách làm giàu trên chính quê hương.

Đưa Phúc Sen thành trung tâm văn hóa của người Nùng An

Tháng 9/2022, UBND huyện Quảng Hòa tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Làng nghề rèn Phúc Sen, Làng nghề hương Phja Thắp, Làng nghề giấy bản Quốc Dân. Điểm chung của cả 3 làng nghề là nằm ở vị trí giao thông tương đối thuận lợi. Do đó, UBND xã đã phối hợp với UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, tổ chức nhiều chuyến khảo sát thực tế, nhằm nghiên cứu đầu tư các hạng mục để các làng nghề đủ sức đón nhiều khách du lịch khi tham gia tour du lịch khám phá Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng.

Có được cơ ngơi như hôm nay là thành quả lớn lao của Đảng bộ, nhân dân xã Phúc Sen xã triển khai Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 3/3/2001 về “ba nhiều”. Đó là: vận động người dân trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề. Kể từ đó, Phúc Sen bắt đầu vươn mình, đổi mới, không chỉ thoát nghèo mà ngày càng khấm khá hơn.

Phương châm “một hộ làm ba nhiều” góp phần tạo việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định cho lực lượng lao động chính của xã. Đặc biệt, gần 90% lao động trong độ tuổi có việc làm, trong đó 60% thanh niên học xong THPT trở thành lao động chính trong kinh tế hộ và các HTX. Phúc Sen hôm nay không có lao động dôi dư, thất nghiệp nên nhiều năm qua trở thành xã điển hình về môi trường văn hóa lành mạnh, không có tệ nạn xã hội và được bạn bè gần xa đặt cho cái tên trìu mến là “vùng quê đất không nghỉ”.

Ngôi làng yên bình, được bao bọc bởi những rặng núi bát ngát. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngôi làng yên bình, được bao bọc bởi những rặng núi bát ngát. Ảnh: Tùng Đinh.

Cuối năm 2020, xã Phúc Sen cũ sáp nhập với xã Quốc Dân. Trên cơ sở của những thành tựu trước đó, Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục ban hành nghị quyết “ba nhiều”, “ba cùng”, trong đó chuyển đổi mục tiêu mới thành: “Ba nhiều” (nhiều lượng - nhiều chất - nhiều giá trị); “Ba cùng” (cùng lượng - cùng chất - cùng làm). Kết quả, nhiều sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nghề truyền thống có thương hiệu được hình thành, phát triển, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra trên thị trường.

Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen Đàm Đình Đạo cho biết, từ năm 2019 - 2021, xã có trên 50.000 lượt người đến trải nghiệm du lịch cộng đồng; 4 sản phẩm đạt thương hiệu OCOP. Ngoài ra, sản phẩm “Homestay Mr. Kim” của gia đình chị Hoàng Thị Cúc đạt “2 sao” cấp huyện về du lịch cộng đồng. Trên cơ sở xây dựng Phúc Sen trở thành trung tâm văn hóa dân tộc Nùng An của tỉnh, Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cung đường trekking trên lưng ngựa, lấy Lũng Sâu làm điểm kết nối chuỗi 4 điểm du lịch cộng đồng trải nghiệm.

Chứng kiến gần như toàn bộ những thay đổi đó của Phja Thắp, chị Cúc bảo “không ngờ” khi thấy khách du lịch phương Tây mê mẩn các hoạt động trải nghiệm làm nông, làm hương – điều mà chị từng coi là nỗi vất vả không biết bao giờ nguôi thời còn son rỗi. Đặc biệt, đến Phúc Sen nói chung và làng hương Phja Thắp nói riêng, du khách còn dễ dàng bắt gặp phụ nữ mặc trang phục của người Nùng An, dệt vải chàm, giữ nếp nhà sàn trong công việc thường ngày.

Vào những ngày trời nắng, mọi con đường trong xóm Phja Thắp đều ngào ngạt trầm hương. Mùi thơm bay xa tới tận Quốc lộ 3, nơi từng dòng xe tấp nập đang nối đuôi nhau lên phía Đông “xứ sở thần tiên” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Rời Phja Thắp, chúng tôi vẫn không thể quên mùi cay cay, nồng nồng của cây trầm và nhất là những bó hương nở xòe dưới nắng như những bông hoa nơi núi rừng. Có lẽ làm hương trong tâm thức của bà con người Nùng An không đơn thuần chỉ là một nghề đem lại thu nhập nuôi sống gia đình, mà hơn cả đó là niềm tự hào lớn lao và là sợi dây lịch sử nối kết các thế hệ của miền non nước hữu tình.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).