| Hotline: 0983.970.780

Đặc thù vùng rau an toàn ven đô: Long Biên phát triển du lịch nông nghiệp

Thứ Năm 02/08/2018 , 13:50 (GMT+7)

Là một trong ba quận còn lại của Hà Nội sản xuất rau an toàn, Long Biên có lẽ là quận đầu tư hạ tầng đồng bộ, quy củ, bài bản nhất cũng như chủng loại sản phẩm và mô hình kinh doanh rau an toàn đa dạng nhất.

11-56-37_du-lich-nong-nghiep-ti-trng-tri-tue-vien
Long Biên hình thành nên nhiều vùng rau an toàn kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp

Số liệu thống kê cho thấy, hiện quận Long Biên còn 7 phường sản xuất nông nghiệp với diện tích gần 1.000ha, riêng sản xuất rau là 125ha. Diện tích trồng rau tập trung chủ yếu tại 3 phường Thượng Thanh, Giang Biên và Cự Khối.

Theo Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Long Biên Nguyễn Trung Hiếu, điểm nhấn nổi bật nhất với các vùng rau an toàn ở Long Biên chính là thu hút được rất nhiều HTX, doanh nghiệp tham gia đầu tư cũng như hình thành một số mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Trên địa bàn quận hiện có các đối tác như: 5Spro và Erahouse tại phương Giang Biên làm du lịch trang trại giáo dục, tiêu thụ và giám sát sản xuất rau an toàn; Công ty Việt Liên với Nông trại hữu cơ Tuệ Viên tại phường Cự Khối vừa sản xuất rau hữu cơ vừa kết hợp làm du lịch nông nghiệp trải nghiệm cho các em học sinh rất hiệu quả.

Để có được lợi thế này, so với Hà Đông và Hoàng Mai, hạ tầng dành cho sản xuất rau an toàn của quận Long Biên tốt hơn. Lãnh đạo quận Long Biên rất quan tâm tới sản xuất rau an toàn nên toàn bộ nước tưới rau được quận đầu tư đường ống đến tận từng thửa ruộng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, quận còn hỗ trợ một phần chi phí tiền điện để vận hành các hệ thống trạm bơm và xử lý nước ngầm. Ngoài ra, quận Long Biên cũng hỗ trợ hệ thống đường bê tông chạy xung quanh tất cả các vùng trồng rau nằm trong quy hoạch nên rất thuận lợi trong việc giao thương cho bà con nông dân và lái buôn.

Nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương cộng ưu đãi về thổ nhưỡng địa lý khi nằm giữa 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống nên đất nông nghiệp tại Long Biên tốt, phù hợp cho việc canh tác đa dạng rất nhiều loại rau theo mùa kết hợp làm du lịch. Do đó, đầu ra với sản phẩm rau an toàn của Long Biên khá ổn định và thuận lợi, chỉ phục vụ nhu cầu tiệu thụ trong quận là hết.

Cụ thể, bà con nông dân phường Cự Khối bao năm qua đã hình thành nên vùng chuyên canh trồng các chủng loại rau gia vị, như tía tô, kinh giới, ngải cứu, rau húng và rau ngót. Cự Khối hiện đã được cấp chứng nhận 5,8ha rau an toàn và 2ha rau hữu cơ.

Ảnh: N.H

Phường Giang Biên cũng quy hoạch xong trên 10ha rau an toàn và 3ha rau VietGAP. Trong khi đó, phường Thượng Thanh đã có 3ha rau được cấp chứng nhận VietGAP. Các chủng loại rau của Giang Biên và Thượng Thanh chủ yếu là cải thuộc họp thập tự, ngoài ra còn có một phần diện tích cà chua, đậu (đỗ), dưa chuột, mướp…

Về phía ngành bảo vệ thực vật, theo ông Nguyễn Trung Hiếu, mặc dù Chi cục và trực tiếp là Trạm BVTV Long Biên tuy lực lượng rất mỏng, chỉ có 3 cán bộ nhưng vẫn thường xuyên phân công nhau kiểm tra đồng ruộng định kỳ hàng tuần. Hàng năm, Chi cục BVTV Hà Nội và Trạm BVTV Long Biên đều duy trì các lớp tập huấn IPM, các lớp VSATTP cũng như chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân.

Các kỹ thuật điển hình Chi cục BVTV Hà Nội đã triển khai, như ngâm nước hạn chế bọ nhảy, vòm che ni lông trồng rau trái vụ, bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang… Qua đó, góp phần rất lớn giúp hạn chế sâu bệnh hại trên các vùng rau an toàn, gián tiếp giảm việc sử dụng thuốc BVTV trên rau.

Ngoài ra, Chi cục BVTV cũng thường xuyên phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh của quận, phường tổ chức các buổi tuyên truyền về sản xuất kinh doanh rau an toàn. Hỗ trợ các HTX rau an toàn xây dựng các điểm kinh doanh rau an toàn tại khu đô thị, khu dân cư, website bán hàng, quảng bá sản phẩm.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.