| Hotline: 0983.970.780

Quanh năm rủng rỉnh tiền nhờ trồng rau trên đất cát

Thứ Hai 09/12/2024 , 17:56 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Diện tích trồng rau không lớn nhưng canh tác luân canh nên bà con vùng cát có thu nhập ổn định.

Chúng tôi về xã Cam Thủy, nơi có những vùng rau luân canh lâu năm ở vùng cát bạc màu ven Quốc lộ 1A của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Ông Võ Minh Nết, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau sạch Hòa Luật Nam cho chúng tôi hay, thôn Hòa Luật Nam vốn đất chật, người đông và là vùng đất cát bạc màu nên trồng trọt không có hiệu quả.

Trồng rau luân canh giúp người dân vùng cát có nguồn rau quanh năm. Ảnh: T. Đức.

Trồng rau luân canh giúp người dân vùng cát có nguồn rau quanh năm. Ảnh: T. Đức.

Hơn chục năm trước, bà con cải tạo đất và làm những vườn nhỏ để trồng rau phục vụ bữa ăn hàng ngày. “Sau này, phát triển dần lên và bà con đã có kinh nghiệm canh tác nên không chỉ đủ rau ăn mà còn có bán ở chợ. Dần dà, phong trào trồng rau xanh đã lan rộng khắp thôn trong xã” - ông Nết nói.

Để tạo thương hiệu cho vùng rau, xã Cam Thủy đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau sạch Hòa Luật Nam với 22 thành viên do ông Nết làm Tổ trưởng.

“Mỗi gia đình có một vài sào đất cải tạo để đưa vào sản xuất. Dù chỉ có được gần 2ha rau nhưng bà con quyết tâm sản xuất theo quy trình rau sạch để tăng thu nhập” - ông Nết nói thêm.

Nhà ông Nguyễn Lân nằm giữa xóm, quanh vườn lúc nào cũng một màu xanh non của rau. Dù vợ chồng ông đã cao tuổi nhưng vẫn miệt mài với việc trồng rau.

Hôm nay, ông bà thu hoạch rau mầm. Hơn chục luống rau xanh mơn mởn. Ông Lân vừa phụ vợ nhổ, cắt rau vừa nhẩm tính, mỗi luống rau có diện tích khoảng 5m2, thu hoạch được khoảng 8kg và bán được 160 ngàn đồng.

“Đối với rau mầm, mỗi tháng gieo, thu hoạch được 3 lứa. Tính ra, mỗi sào ruộng (500m2) cũng cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng làm cũng không vất vả lắm mà thu nhập như vậy là rất cao rồi” - ông Lân bộc bạch.

Nhiều hộ gia đình trồng rau tại vùng chuyên canh Hòa Luật Nam có thể có thu nhập 30 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: T. Đức.

Nhiều hộ gia đình trồng rau tại vùng chuyên canh Hòa Luật Nam có thể có thu nhập 30 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: T. Đức.

Tất cả các hộ tham gia Tổ hợp tác đều tuân thủ quy trình thâm canh, chỉ bón phân chuồng ủ hoai, không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ bắt diệt, phòng ngừa các loại sâu bệnh bằng phương pháp thủ công hoặc sinh học.

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ và sử dụng phân bón ủ hoai nên ruộng đất ngày càng được bồi bổ phì nhiêu, rau màu tươi tốt và hạn chế được sâu bệnh. Việc thâm canh rau được diễn ra quanh năm với các loại rau cải mầm, cải ngọt, xà lách, rau ngò...

Theo kinh nghiệm, bà con thường gieo trồng các loại rau có thời gian thu hoạch ngắn để tăng vụ. Ông Nết cho hay, thường trên vùng ruộng tháng trước bà con trồng cải ngọt thì tháng sau trồng cải mầm và tháng sau nữa sẽ trồng cây ngò…

“Do bà con trồng luân canh nên trong vườn lúc nào cũng có rau xanh để bán. Mặt khác, đó cũng là cách để hạn chế sâu bệnh phát sinh hại cây trồng trong quá trình sản xuất” - ông Nết nói.

Khi vào mùa hè nắng nóng, vườn rau xanh được bà con che bằng bạt hoặc lưới nên vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ những mảnh vườn không rộng, bà con vẫn có thể thu hoạch rau xanh bán ở chợ quanh năm. Thu nhập đều đặn hai, ba trăm ngàn mỗi ngày nhờ trồng rau đã giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn, thập chí có tích lũy.

Mảnh vườn nhỏ cũng có thể cho thu nhập hàng ngày nhờ rau màu. Ảnh: T. Đức.

Mảnh vườn nhỏ cũng có thể cho thu nhập hàng ngày nhờ rau màu. Ảnh: T. Đức.

Hiện, xã Cam Thủy đã quy hoạch được diện tích trồng rau màu khoảng 18ha. Trong đó, vùng rau chuyên canh của thôn Hòa Luật Nam gần 4ha trồng rau xanh quanh năm.

Theo ông Trương Như Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thủy, những năm gần đây, rau xanh trồng từ vùng chuyên canh Hòa Luật Nam không những cung cấp ổn định cho người tiêu dùng tại huyện Lệ Thủy mà còn được tiêu thụ nhiều ở huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).

“Từ vùng cát bạc màu, người dân Cam Thủy đã biến thành những ruộng rau để có thu nhập cao và góp phần đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng” - ông Hảo vui vẻ cho hay.

Xem thêm
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi góp phần xây dựng NTM ở Phúc Lâm

HÀ NỘI Phúc Lâm là 'thủ phủ' của nghề nuôi gà đẻ của huyện Mỹ Đức nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.