| Hotline: 0983.970.780

Đại án Hà Văn Thắm: Tiếp tục làm rõ các khoản chi lãi ngoài hàng trăm tỷ đồng

Thứ Ba 05/09/2017 , 06:55 (GMT+7)

Ngày 5/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm lần 2 vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). 

13-52-53_img_2002
Nguyễn Minh Thu khai nhiều lần đưa tiền cho lãnh đạo Vietsovpetro

Tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi với sự tham gia của công tố viên và các luật sư tham gia tố tụng. Những nhân vật liên quan đến những khoản chi khủng tiền lãi ngoài hợp đồng của Oceanbank sẽ bị triệu tập để làm rõ.

Trong số những người bị triệu tập đáng chú ý là các ông Nguyễn Hữu Tuyến  - cựu Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro), và ông Võ Quang Huy – Kế toán trưởng của Vietsovpetro.

Trước đó, trong quá trình thẩm vấn tại phiên tòa xét xử đại án Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc Oceanbank đã khai ông Tuyến và ông Huy khoảng 10 lần nhận tiền chi lãi ngoài hợp đồng do chính Sơn trực tiếp đưa, mỗi lần khoảng 10.000USD - 20.000USD.

Chưa hết, Nguyễn Minh Thu khi thay thế Nguyễn Xuân Sơn vai trò TGĐ tại ngân hàng được chuyển giao trách nhiệm chăm sóc khách hàng thân đã tiếp tục trực tiếp đưa cho ông Tuyến và Huy theo tỉ lệ thỏa thuận miệng là Tổng giám đốc Vietsovpetro 30%, kế toán trưởng 70%.

Theo lời khai của Nguyễn Minh Thu, Vietsovpetro gửi tiền tại Oceanbank thời điểm cao nhất lên đến hơn 100 triệu USD, tiền VNĐ thì ít hơn. Lãi suất chi ngoài hợp đồng của Oceanbank cho Vietsovpetro dao động từ 0,1%/tháng. Thời điểm căng thẳng của thị trường tín dụng vào năm 2012, lãi suất huy động khoảng 0,15%/tháng. Tiền chi lãi ngoài hợp đồng thấp hơn, khoảng 0,02%-0,05%/tháng. Định kỳ 2-3 tháng, Oceanbank đưa tiền lãi suất ngoài hợp đồng cho Vietsovpetro.

Vietsovpetro là một trong 3 khách hàng lớn Nguyễn Xuân Sơn sau này là Nguyễn Minh Thu trực tiếp chăm sóc. Ngoài ra còn có Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Hiện công ty Bình Sơn đang phủ nhận việc nhận “lộc” từ Oceanbank.

Ngoài ra, trong phiên xử hôm nay, ông Bùi Văn Hải – Trưởng ban kiểm soát của Ngân hàng Oceanbank cũng bị triệu tập. Trong tuần trước, ông Hải đã được tòa yêu cầu đến phiên xử nhưng tạm thời xin vắng mặt. Ông Hải bị triệu tập liên quan đến lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba – cựu Giám đốc Khối bán lẻ Oceanbank. Bị cáo Ba cho biết, là ban giám sát nhưng khi Oceanbank đã có một loạt hành vi vi phạm trong cho vay kéo dài nhưng ban kiểm sát không hề có bất kỳ cảnh báo nào. Bị cáo Ba cáo buộc vai trò của các cơ quan giám sát trong đó có ban kiểm soát của Oceanbank.

Cũng liên quan đến phần chi lãi ngoài của Oceanbank, tuần trước, sau khi Nguyễn Xuân Sơn khai nhận đã chi hàng trăm tỷ đồng biếu xén, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Sơn, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, khám xét đối với Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Thắng. Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường.

Trong số này, Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN, trước khi bị bắt đang giữ chức Phó Tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN đã có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.

Nguyễn Xuân Sơn khai, bị cáo đã chi chăm sóc khách hàng 200 tỷ đồng, gồm các khoản chi như: các đoàn ngoại giao, chi cho Ninh Văn Quỳnh khoảng 30-40 tỷ đồng, chi cho các lãnh đạo khác của PVN, các doanh nghiệp như Vietsopetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, chi các lãnh đạo vào dịp Tết. Mức chi theo tỉ lệ từ to đến nhỏ, mỗi kỳ chi khoảng chục tỷ đồng, mỗi người khoảng 50-200 triệu đồng. Theo cựu Tổng Giám đốc Oceanbank, việc chi tiền này là “tấm lòng của doanh nghiệp đối với lãnh đạo”. Khoản tiền này mỗi năm khoảng 30-50 tỷ đồng.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước không ngăn chặn?

Tại phiên tòa tuần trước đã đề cập đến trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong suốt thời gian dài, Oceanbank thực hiện trái pháp luật mà không được phát hiện ngăn chặn, vậy trách nhiệm của NHNN trong việc này là gì? Phải chăng do năng lực hay bỏ qua sai phạm? Thanh tra NHNN có nhiều kết luận, nhưng riêng vi phạm thu phí chi lãi suất vượt trần lại không được chỉ ra, là cố tình bỏ qua hay do năng lực?...

Sau khi xin thời gian chuẩn bị, ông Trần Đình Hùng, đại diện theo ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong suốt 5 năm Oceanbank chi lãi ngoài từ 2009 - 2014, NHNN đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), thanh kiểm tra Oeanbank, có 3 kết luận thanh tra vào năm 2012, năm 2014 và năm 2015.

Trong đó, lần thanh tra năm 2012, NHNN phát hiện sai phạm của Oceanbank và đã yêu cầu ngân hàng khắc phục, chỉnh sửa theo kết luận thanh tra. Tuy nhiên, Oceanbank có biểu hiện không nghiêm túc, thanh toán, chuyển tiền lòng vòng nên NHNN đã yêu cầu Oceanbank cung cấp tài liệu chứng minh. Năm 2014, NHNN tiến hành thanh tra Oceanbank và có yêu cầu chỉnh sửa nội dung chưa đạt trong đề án cơ cấu lại ngân hàng, trong đó có nội dung khắc phục yếu kém.

“Kết luận thanh tra cuối cùng vào đầu năm 2014, NHNN đã theo dõi và đôn đốc Oceanbank, số liệu cụ thể gồm: OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng đến ngày 31.3.2014; có 1.137 cổ đông… Tổng tài sản hơn 129.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 10.000 tỉ đồng…”, đại diện theo ủy quyền của Thống đốc NHNN cho biết.

Theo đại diện của NHNN, qua kết quả thanh tra, nợ xấu tính đến ngày 31/3/2014 là 14.923 tỉ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ, trong đó có bao gồm hồ sơ ủy thác đầu tư chuyển sang nợ xấu; lợi nhuận trước thuế của Oceanbank âm 10.233 tỉ đồng. Sau khi có kết luận thanh tra cuối cùng vào năm 2015, NHNN đã quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng được quy định đầy đủ tại Luật NHNN, Luật các TCTD, Thông tư số 47 của NHNN, Quyết định số 48/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.