Đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ ngày 23/10, đã dành nhiều sự quan tâm cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Bởi lẽ, hầu hết đại biểu Quốc hội đều đồng tình với quan niệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc nhiều quốc gia đã dùng công nghiệp điện ảnh để quảng bá xứ sở: “Hàn Quốc cách đây 20 năm đã có những bộ phim như “Giày thủy tinh” hoặc “Nàng Dae Jang Geum” giới thiệu về Hàn Quốc. Khi Hà Nội những buổi chiều chủ nhật vắng tanh, thì người ta ở nhà xem phim Hàn Quốc. Sự thu hút mạnh mẽ như vậy. Cho nên vai trò của công nghiệp điện ảnh với phát triển đất nước rất lớn”.
Đưa ra lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã có những kế thừa và tu chỉnh Luật Điện ảnh 2006 và Luật Điện ảnh bổ sung 2008. Một số quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Điện ảnh không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi như chưa quy định về mô hình và lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả, đồng thời cũng có những bất cập về quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài, hoặc quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài…
Đại biểu Quốc hội - Lê Thu Hà năm nay 53 tuổi, từng có thời gian đảm nhận cương vị Phó Tổng lãnh sự tại San Francisco, Hoa Kỳ, nên có những hiểu biết tương đối sâu rộng về việc phân loại phim theo độ tuổi đã áp dụng hiệu quả trên thế giới. Đại biểu Quốc hội - Lê Thu Hà cho rằng, Việt Nam cần có mức phân loại cao hơn 18, để tránh thiệt thòi cho nhà sản xuất: “Thực tế có nhiều phim không thể xếp loại vì những quy định ngặt nghèo. Nhiều phim có giá trị bị cấm, không thể công chiếu được, gây đáng tiếc với người làm phim nói riêng và nền điện ảnh nói chung”.
Dẫn chứng bộ phim “Vị” dù được giải thưởng ở Liên hoan phim quốc tế nhưng vẫn bị cấm chiếu trong nước, Đại biểu Quốc hội - Lê Thu Hà đề nghị cần có đột phá cho cơ chế kiểm duyệt: “Chỉ Hội đồng duyệt phim được xem xét, quyết định phân loại và cho phép phim được phát hành, liệu có độc quyền hay không? Nên chăng chúng ta xây dựng một cơ chế để có nhiều đơn vị tham gia. Nhà nước chỉ cấp phép thành lập các trung tâm thẩm định hoặc rút phép nếu thực hiện không tốt. Giải pháp này sẽ tránh được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Tương tự, Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa cũng ủng hộ xây dựng cơ chế lập các đơn vị kiểm định phim độc lập, tương tự như kiểm toán, công chứng độc lập. Việc này vừa giảm chi phí ngân sách, vừa tránh tình trạng việc kiểm định chỉ "đóng khung" vào một số thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia: “Nếu sự đa dạng trong sáng tạo chỉ được xem xét bằng cảm tính của các thành viên hội đồng thì thuyết phục rất khó. Nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí cơ bản, khi nhà làm phim nhìn vào tiêu chí ấy để xác định ranh giới, quan trọng là tự kiểm”.
Cũng liên quan đến những hạn chế trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Đại biểu Quốc hội - Đoàn Thị Thanh Mai nhận định các quy định phim bị “cấm” còn mơ hồ. Ví dự, cấm hành vi gây hận thù, kỳ thị giữa các dân tộc. Nếu làm phim lịch sử về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược có bị xem là vi phạm quy định này hay không. Ngoài ra, dự thảo cấm xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, trong khi nhiều phim thường miêu tả thực trạng của các cơ quan, đơn vị theo hướng giả định, để cuốn hút người xem. Hơn nữa, cứ né tránh các tiêu cực thì tác phẩm điện ảnh có phản ánh chân thực được hơi thở cuộc sống hay không?
Một điều nữa trong dự thảo Luật Điện ảnh cũng được nhiều đại biểu băn khoăn là quy định thẩm định kịch bản. Khi thị trường cạnh tranh, thì kịch bản là tài sản bảo mật, nếu mang ra thẩm định sẽ khó tránh khỏi những rắc rối nảy sinh.
Những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, rất được giới làm phim và công chúng hoan nghênh. Chính những ý kiến tâm huyết và xác đáng của các Đại biểu Quốc hội sẽ giúp nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà có hành lang pháp lý thông thoáng cho tương lai.