| Hotline: 0983.970.780

Đại biểu Quốc hội trăn trở khi nhiều ngư phủ phải rời biển

Thứ Hai 04/11/2024 , 18:07 (GMT+7)

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội (chiều 4/11), ĐBQH Châu Quỳnh Dao nêu giải pháp hài hòa sinh kế của người ngư dân và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt.

Tại phiên thảo luận chiều ngày 4/11, nêu ý kiến về vấn đề khai thác thủy sản, đời sống ngư dân hiện nay, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang), cho hay mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thế nhưng ngư dân hiện nay vẫn đau đáu nhiều mối lo.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao nhận định, giá hải sản lao dốc trong khi chi phí ra khơi leo thang, tình trạng cạn kiệt ngư trường gây ra nhiều hệ lụy, nhiều tàu nằm bờ nhớ về thời hoàng kim trong sự thổn thức. Nhiều ngư phủ phải rời biển, nhọc nhằn lên bờ tìm kế mưu sinh. Nhiều chủ tàu vỡ nợ, phá sản. Bên cạnh đó, là tình trạng đi đánh bắt tại vùng biển không theo quy định của pháp luật, bị Ủy ban châu Âu cảnh báo thẻ vàng, đến nay 7 năm vẫn chưa tháo gỡ được.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang). Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang). Ảnh: Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng đánh giá một số chính sách chưa sát đời sống. Ví dụ Nghị định 37/2024 quy định về chiều dài cá ngừ vằn được phép khai thác là tối thiểu 50cm. Thế nhưng quy định này trong thực tế rất khó đáp ứng. Do vậy, mỗi chuyến đi biển về, sản lượng chỉ đạt từ 10 - 15%, có tỉnh chỉ đạt 2 - 3% như Bình Định.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác là do chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá, mà trong xử phạt cũng không ràng buộc được trách nhiệm của các bên cung ứng, sản xuất thiết bị này.

Trước những vướng mắc, tồn tại như trên, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị các cơ quan liên quan, từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó chú trọng tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các quy định có tính bất cập như quy định trong Nghị định 37 về kích cỡ cá ngừ vằn được khai thác, làm sao hài hòa sinh kế của ngư dân và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt. Sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Lực lượng Kiểm ngư vùng V tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: Thái Bình.

Lực lượng Kiểm ngư vùng V tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: Thái Bình.

Nghiên cứu ban hành những chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thất nghiệp như: chính sách về tín dụng ưu đãi, chính sách về chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm trong các nghề du lịch biển đảo, nuôi biển công nghệ cao...

Về phía địa phương cần tăng cường tuyên truyền để ngư dân chấp hành pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để hỗ trợ ngư dân kịp thời khi gặp khó khăn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Người ngư dân phải chuyển đổi nhận thức từ tư duy nghề cá truyền thống sang nghề cá trách nhiệm.

Nêu ý kiến tranh luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Phú Bình (đoàn Nghệ An) phân tích: Với đường bờ biển dài hơn 3.000km, 28/63 địa phương có biển, gần 1 triệu ngư dân cùng tập quán đánh bắt hải sản quy mô nhỏ, tự phát thì việc xây dựng một tập quán nghề cá bền vững và thực thi tất cả các khuôn khổ pháp lý tiêu chuẩn cao là điều không dễ dàng.

"Mặc dù đâu đó chúng ta thấy có một số vi phạm được phản ánh nhưng điều này cũng thể hiện việc mình đang thực hiện tốt công tác giám sát pháp luật. Quyết tâm chính trị và những nỗ lực từ trung ương đến địa phương đã, đang được thực hiện mạnh mẽ. Do đó, cần đánh giá đúng đắn về những nỗ lực này”, đại biểu nhấn mạnh.

"Chống khai thác IUU đã được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu ngay từ khi Ủy ban châu Âu đưa ra "thẻ vàng". Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2024 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định 37/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019; khung pháp lý chống khai thác IUU. Các địa phương trên cả nước cũng đang nỗ lực tăng cường các hoạt động đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho các tàu cá nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm liên quan đến IUU", đại biểu Phạm Phú Bình (đoàn Nghệ An).

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng tường, đắp bao cát chống tràn vào bến Ninh Kiều

Cần Thơ Để ngăn nước tràn vào bến Ninh Kiều thời điểm triều cường vượt báo động III, ngành chức năng quận đã tạm thời cho nâng tường, đắp bao cát.