| Hotline: 0983.970.780

4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Thứ Hai 04/11/2024 , 12:28 (GMT+7)

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, cần thực hiện chống lãng phí trong bộ máy công quyền như chống tham nhũng, đất nước sẽ vững vàng vào kỷ nguyên mới.

"Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình", đại biểu Quốc hội nhận định.

Theo đại biểu, gần đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phân tích 4 nguyên nhân lãng phí của bộ máy công quyền. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phân tích 4 nguyên nhân lãng phí của bộ máy công quyền. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu cho rằng đây là thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phân tích có 4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Thứ nhất, một bộ phận cán bộ coi nhẹ chống lãng phí. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Thứ hai, một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước không hiệu quả. Thực tế, còn có lãng phí về cơ hội và thời gian. Một chuyên gia nước ngoài nhận định lãng phí cơ hội và thời gian là lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người; thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước.

Thứ ba, “bệnh thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy chủ quan” của một số cán bộ muốn thực hiện dự án ở địa phương, bộ ngành và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động. Nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, không tuân thủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án không hiệu quả.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội.

Một số dự án đã được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí điểm mặt, chỉ tên.

Thứ tư, chế tài xử lý hành vi lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu sự lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Ông cho biết, khoáng sản là tài nguyên quý giá, hầu hết không được tái tạo mà ngày càng cạn kiệt.

Ông nhận định: Khoáng sản là "miếng mồi ngon", nếu biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả. Nhiều khoáng sản quý nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở luật pháp để khai thác. Việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng...

Ở khu vực đồng bằng, thực trạng khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng cũng phức tạp, bất cập vì cát sỏi được hình thành theo quy luật tự nhiên của dòng sông, phụ thuộc lưu lượng, dòng chảy, địa hình tích tụ... Việc quy hoạch đánh giá trữ lượng rất khó khăn, độ chính xác không cao, cát tặc thường khai thác ở những nơi giáp ranh, địa hình phức tạp giữa các địa phương để dễ dàng lẩn trốn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp để sử dụng đất đá thải ra từ mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện sử dụng thay thế cho cát sông làm vật liệu. 

"Áp lực sử dụng cát sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án, công trình nhưng có điều nghịch lý là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa sử dụng do chưa nghiên cứu để dùng cho công trình. Trong khi đó, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đốt than thải ra hằng năm rất lớn nhưng vẫn chưa được sử dụng thay thế vật liệu san lấp. Lý do chưa được nghiên cứu kỹ và hướng dẫn thực hiện", đại biểu Phạm Văn Hòa trăn trở.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.