| Hotline: 0983.970.780

Đại dịch đẩy giá gạo, ngô toàn cầu tăng mạnh

Thứ Hai 01/02/2021 , 11:08 (GMT+7)

Việc thắt chặt nguồn cung trên quy mô toàn cầu cùng với sự gián đoạn vận chuyển do đại dịch Covid-19 gây ra đang đẩy giá gạo, ngô và các loại lương thực tăng lên.

Xu hướng đáng lo ngại

Theo Reuters, giá lương thực tăng đang là một xu hướng đáng lo ngại ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là giá gạo- mặt hàng nhạy cảm về chính trị ở nhiều quốc gia châu Á và châu Phi. Còn nhớ, giá lương thực hay ngũ cốc tăng đột biến đã trở thành một bài học nhãn tiền dẫn đến tình trạng bất ổn ở một số quốc gia trong cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hồi năm 2008.

Quầy gạo ở một ngôi chợ đầu mối Ấn Độ. Ảnh: The Hindu Times

Quầy gạo ở một ngôi chợ đầu mối Ấn Độ. Ảnh: The Hindu Times

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ cách nay hơn một năm, giá gạo tiêu chuẩn thế giới đã tăng từ 20% ​​đến 45% tại các nước sản xuất lương thực chính ở châu Á vào năm ngoái.

Trong khi đó, nhu cầu về dòng gạo chất lượng thấp hơn làm thức ăn chăn nuôi thay thế và chi phí vận chuyển tăng cao cũng đang làm dấy lên những lo ngại ở các quốc gia nghèo hơn, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu có thể đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn cung.

"Ở thời điểm hiện tại thì chưa có vấn đề gì đối với châu Phi, nhưng nếu hoạt động xuất khẩu ở khu vực châu Á bị hạn chế sẽ có thể dẫn đến những lo lắng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn sản xuất tinh gọn ở khu vực Bắc và Tây Phi", chuyên gia kinh tế ngành gạo của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) Shirley Mustafa, cho hay.

Theo vị này, sự tắc nghẽn hậu cần có thể dẫn đến nguồn cung cấp lương thực bị thắt chặt và sinh ra lạm phát, có khả năng làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Đáng quan ngại là tại khu vực cận Sahara của châu Phi- nơi thường phải mua lượng gạo lớn, phụ thuộc tới 40% vào nhập khẩu để tiêu dùng, trong khi ở Nam và Đông Nam Á - nơi sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu cũng phải cân nhắc bởi gạo vẫn quan trọng trong hầu hết các bữa ăn.

Theo FAO, hiệu ứng giá gạo tăng hiện đã lan sang cả mặt hàng ngô do nguồn cung toàn cầu bị bóp méo bởi đại dịch coronavirus cũng tiếp tục làm tăng thêm lo ngại về an ninh lương thực. Cùng lúc đó, nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc đã đẩy giá ngũ cốc toàn cầu lên mức cao nhất trong vòng sáu năm qua.

Theo trang phân tích thị trường Refinitiv Eikon, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam lần lượt tăng 19% và 45% so với một năm trước, trong khi giá gạo nội địa ở Trung Quốc đại lục cũng tăng khoảng 25%. Một nhà kinh doanh gạo quốc tế cho hay, hiện sản phẩm gạo 100% tấm của Ấn Độ có rất nhiều đơn hàng đặt mua với mức dưới 300 USD/tấn.

Số liệu cho thấy, lượng tiêu thụ ngũ cốc của Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2020, đến mức nó không chỉ làm cạn kiệt kho dự trữ khổng lồ ở nước này mà còn thúc đẩy việc nhập khẩu các loại ngô, lúa mạch và lúa miến tăng lên mức kỷ lục để làm thức ăn chăn nuôi.

Ghi nhận giá ngô đã tăng 25% nhưng do nguồn cung eo hẹp nên một số quốc gia đã chuyển sang mua gạo giá rẻ làm thức ăn gia súc, như gạo 100% tấm, một phụ phẩm của quá trình xay xát. Theo các nhà cung cấp Ấn Độ, giá loại gạo này hiện đã tăng lên 280 USD/tấn (FOB), so với mức 260 USD hồi tháng 12 năm ngoái và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Ông Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành tập đoàn Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, cho biết: "Từ trước tới nay, các nước châu Phi thường mua gạo 100% tấm vì nó rẻ hơn nhưng gần đây, các nước châu Á như Việt Nam và Trung Quốc cũng đã bắt đầu mua loại gạo này và đang thu mua với giá cao hơn của châu Phi".

Trung Quốc, nhà sản xuất gạo hàng đầu thế giới cuối năm ngoái đã nhập khẩu gạo 100% tấm từ Ấn Độ lần đầu tiên trong ít nhất ba thập kỷ để làm mì ăn liền và chế biến thức ăn chăn nuôi.

Thị trường gạo toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở khu vực Đông Nam Á khiến lô hàng từ các nhà xuất khẩu gạo số 2 và số 3 là Thái Lan và Việt Nam giảm hơn một phần tư từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Khủng hoảng thiếu container

Một số nguồn cung cấp gạo cao cấp hiện cũng tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu container vận chuyển trên toàn cầu. Nguyên nhân là do các container phải mất nhiều thời gian hơn để bốc dỡ hàng hóa tại nhiều quốc gia do các hạn chế về coronavirus. Điều này đã dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container tăng đột biến và sự chậm trễ kéo dài.

Bên trong một kho chứa gạo ở siêu thị thủ đô Seoul hôm 10/1/2021. Ảnh: Yonhap

Bên trong một kho chứa gạo ở siêu thị thủ đô Seoul hôm 10/1/2021. Ảnh: Yonhap

Mital Shah, giám đốc điều hành công ty Sunrice có trụ sở tại Kenya, một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất Đông Phi, cho biết: “Ví như tại cảng Pakistan, trước đây chúng tôi chỉ phải bỏ ra từ 850 USD hoặc 900 USD cho mỗi chiếc container nhưng bây giờ giá đã tăng lên từ 1.650 đến 2.100 USD/chiếc.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Kenya tiêu thụ khoảng 700.000 tấn gạo hàng năm, trong đó khoảng 600.000 tấn được nhập khẩu.  Trong khi đó, cước phí vận chuyển một tấn gạo từ Ấn Độ đến châu Phi đã tăng gấp ba lần từ 50 USD vào tháng 11 năm 2020 lên 150 USD hiện nay.

Trong bối cảnh thiếu container, các nhà nhập khẩu gạo châu Phi đang nhóm lại với nhau để mua hàng rời nhằm né nạn tăng giá và chèn ép nguồn cung. Ông Shah dự báo: “Trong khoảng một hoặc hai tháng nữa chúng ta sẽ thấy lượng gạo thiếu hụt ở châu Phi do sự gián đoạn ở khâu hậu cần, khiến cho khoảng 50.000 đến 60.000 tấn gạo bị mắc kẹt lại". 

Tiêu thụ gạo tăng đột biến ở Hàn Quốc

Các làn sóng tái phát của đại dịch Covid-19 ở Đông Á thời gian gần đây đã buộc giới chức nhiều quốc gia buộc phải tái áp lệnh giãn cách xã hội hoặc phong tỏa từng phần.

Tại Hàn Quốc do hệ thống nhà hàng, khách sạn bị buộc đóng cửa nên đã khiến người dân nhiều nơi phải quay trở về thói quen tự nấu ăn tại nhà và gạo bỗng nhiên lại trở thành “món ruột”.

Park Hye-seong, một bà mẹ 39 tuổi có hai con gần đây đã đăng ký dịch vụ mua gạo trực tuyến từ một cửa hàng bán gạo đặc sản ở Seoul chia sẻ: "Bọn trẻ thì học qua mạng còn ông xã đã làm việc ở nhà liên tục trong nhiều tháng, có nghĩa là tôi phải phục vụ ba bữa mỗi ngày. Tình huống chưa từng có này lúc đầu rất căng thẳng, nhưng giờ thì tôi đã quen và rất quan tâm đến các thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn, bao gồm cả gạo".

Nhu cầu tiêu thụ gạo tại Hàn Quốc tăng mạnh trở lại thời đại dịch Covid-19. Ảnh: Yonhap

Nhu cầu tiêu thụ gạo tại Hàn Quốc tăng mạnh trở lại thời đại dịch Covid-19. Ảnh: Yonhap

"Jipbab"- giờ đây đã thành câu cửa miệng ở xứ kim chi để nói về thuật ngữ “cơm nhà” rất phổ biến nhất vào thời dịch bệnh. Xu hướng ăn uống tại nhà đi ngược lại với những thay đổi trong lối sống và thói quen ăn uống của người Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ.

Theo tính toán, lượng tiêu thụ gạo ở Hàn Quốc đã giảm từ mức đỉnh 136,4 kg/người/năm vào năm 1970 xuống mức thấp kỷ lục 59,2 kg vào năm 2019. "Tuy nhiên những thay đổi về lối sống do đại dịch Covid-19 dường như đã khiến nhiều người muốn biến bữa ăn hiếm hoi của họ ở nhà trở nên đặc biệt và đáng giá, đồng thời thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao", giáo sư Moon Jung -hoon của Đại học Quốc gia Seoul nói.

Theo cửa hàng bách hóa Hyundai, doanh số các loại gạo cao cấp ở xứ Hàn đã tăng 15,7% trong năm 2018 so với một năm trước đó và 18,3% vào năm 2019. Trong mười tháng đầu năm 2020, con số này đã tăng tới 23,8%.

Hầu hết người dân Hàn Quốc thường mua những bao gạo 10 hoặc 20 kg tại các siêu thị và giá trung bình cho mỗi bao 20 kg là khoảng 55.000 won (49,40 USD).

Theo bà Park, cứ mỗi hai tuần gia đình 4 miệng ăn nhà bà dùng hết một bịch gạo cao cấp 2 kg có giá là 15.000 won, so với loại gạo thường phổ biến có giá 5.500 won/bịch 2 kg ở các siêu thị.

Lotte Mart, một nhà bán lẻ lớn ở Hàn Quốc hiện đã mở một chuỗi các cửa hàng ở khắp cả nước chuyên bán dòng gạo cao cấp, hữu cơ với các tên gọi như "miho", "saeilmi" và "gawaji". Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen tại Hàn Quốc, lượng tiêu dùng gạo ở nước này hiện đã tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020.

(Reuters, Yonhap)

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.