| Hotline: 0983.970.780

Đại dự án hơn 1.400 tỷ 'treo' gần 10 năm: 'Bánh vẽ' làm khổ dân

Thứ Ba 08/09/2015 , 12:15 (GMT+7)

Khởi công dự án, Cty CP đầu tư và thương mại Thăng Long (Hà Nội) hứa hẹn khi con em địa phương học nghề xong sẽ được nhận vào làm tại NM xi măng Thanh Sơn. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang./ Còn đâu đất 'bờ xôi ruộng mật'

Cơ hội đổi đời đâu chưa thấy, hàng trăm người rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, mất thời gian, tốn tiền của, thậm chí “ôm” nợ nần vì đầu tư cho con em đi học.

Đổ xô đi học nghề

Hơn 260 người là con em địa phương, thuộc diện ảnh hưởng của dự án, học xong phổ thông chưa có việc làm, thậm chí có nhiều người đang làm các công việc khác ổn định… cũng bỏ nghề để đi theo tiếng gọi của dự án lớn, với ước mơ sớm được đổi đời.

Sau khi được “duyệt” danh sách, những người này khăn gói ra Hải Phòng học công nhân kỹ thuật tại trường Trung cấp nghề kỹ thuật xi măng. Tiền học phí, tiền ở được Cty hỗ trợ, còn tiền ăn và đi lại do gia đình chi trả. “Nếu là con gái chi phí ít nhất cũng mất 30 triệu đồng/2 năm học, còn con trai, có những người tiêu tốn của bố mẹ tới 70 - 80 triệu đồng/2 năm. Nói chung nhiều hộ lấy tiền đền bù cho con đi học hết luôn”, ông Hoàng Văn Toản, thôn trưởng thôn Vân Sơn cho biết.

Bà Lê Thị Ngọc thuộc diện gia đình mất đất nhiều nhất thôn Vân Sơn nên ngoài một suất cho cậu con trai đi học, gia đình bà đóng thêm 7 triệu đồng để cho cô con gái Phạm Thu Trang (SN 1993) theo học cùng anh, với mong muốn con cái thoát khỏi cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” như cha mẹ. “Vậy mà học xong Cty nợ tiền nhà trường rồi bằng cũng không lấy được, NM thì bỏ hoang đến tận bây giờ. Hai đứa con của tôi giờ đang phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi”, bà Ngọc bức xúc nói.

Oái oăm hơn gia đình bà Ngọc, anh Hỗ Sỹ Đức (SN 1980) đang từ một cán bộ thú y xã, sau khi nghe theo lời vận động của Cty theo học lớp Trung cấp nghề kỹ thuật xi măng về trở thành người thất nghiệp. Anh Đức cho hay: “Tôi làm thú y ở xã được 9 năm thì đi học nghề, hai năm trời tiêu tốn hơn 50 triệu đồng. Học xong không có việc làm hơn một năm thì rất may bà con bầu cho cái chức… trưởng thôn để làm”.

Theo anh Đức, bây giờ người nào muốn lấy bằng phải đóng thêm 6 triệu đồng tiền Cty CP đầu tư và Thương mại Thăng Long nợ nhà trường thì mới lấy được. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh và sinh viên đều thở dài cho rằng: “Lấy bằng về cũng cho vào ngăn tủ thì lấy làm gì?”.

Thiệt đơn thiệt kép

Với những đối tượng là nữ giới, đại đa số sau khi học xong đi lấy chồng hoặc đi làm công nhân ở các Cty ngoại tỉnh. Có những trường hợp như con gái ông Lê Ngọc Chức, thôn Vân Sơn bỏ dở khóa học tại trường Cao đẳng Y về đi học nghề xi măng theo chủ trương của Cty; ông Đỗ Xuân Tám, Chủ tịch Hội nông dân xã Thúy Sơn vừa nhường 26 sào đất (1,3 ha) vừa động viên 3 đứa con của mình đăng ký đi học nghề sản xuất xi măng để về phục vụ cho NM. Trong đó, cậu con trai là Đỗ Xuân Hoàn, thời điểm ấy đang làm giáo viên tại huyện Quan Hóa cũng nghỉ dạy về đi học nhưng cuối cùng hoàn thành khóa học tất cả đều trở thành người thất nghiệp...

Cho đến nay, có thể nói giấc mơ thoát nghèo của người dân từ dự án nghìn tỷ đã vỡ mộng, thế nhưng đau lòng hơn hết là hệ lụy từ “siêu dự án” vẫn còn đeo bám, bao nhiêu người từ bỏ nghề giáo viên, nhân viên bưu điện, bỏ cả trường lớp đang học dở… để đi làm thuê, làm mướn, phụ hồ. Bao nhiêu gia đình nợ nần chồng chất vẫn chưa thể trả hết trong khi hàng chục ha đất có thể nuôi sống hàng trăm con người đang hoang phế phơi mưa, phơi nắng.

22-27-31_3
Bờ tường nứt nẻ, chực chờ đổ xuống đường giao thông vào thôn Vân Sơn

Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc cũng đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư tìm phương án giải quyết thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, chỉ có người dân là thiệt đơn, thiệt kép.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn thừa nhận: “Cuộc sống người dân trước đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Bởi ngoài việc mất đất sản xuất, bà con còn nợ nần do vay tiền cho con ăn học để sau về làm công nhân cho NM xi măng”.

Ông Hùng cũng bày tỏ lo lắng, vì dự án “treo” nhiều năm nên hầu hết bờ tường rào đã xuống cấp, nhiều lần đổ xuống ruộng lúa và đường giao thông, trực tiếp đe dọa tính mạng người dân. Đặc biệt, nhiều vấn đề NM xi măng Thanh Sơn cam kết nhưng chưa được thực hiện như hoàn trả kênh mương đường ra đồng cho thôn Vân Sơn; chưa đền bù diện tích 1,2 ha ngập úng không sản xuất được của thôn Thanh Sơn, Lương Sơn; chưa đền bù, hoàn trả tiền làm mương tiêu nước cạnh NM cho dân…

“Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục triển khai tiếp dự án hoặc đầu tư dự án khác có hiệu quả để tạo việc làm cho người dân địa phương, tránh lãng phí tài nguyên đất đai”, ông Hùng kiến nghị.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.