Trong chuyến thăm, Đại sứ Hoa Kỳ đã gặp gỡ các lãnh đạo địa phương, đại diện tổ chức phi chính phủ và nhân viên tuyến đầu để thảo luận về những nỗ lực trong phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh. Trong cuộc gặp với Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, Đại sứ Knapper đã thảo luận về Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam trong 10 năm qua, bao gồm chương trình chống mua bán người do Hoa Kỳ hỗ trợ, các giải pháp tỉnh đã thực hiện để phòng, chống mua bán người, và cách tiếp cận của cán bộ cấp tỉnh đối với phát triển kinh tế bền vững.
“Phòng, chống mua bán người là một ưu tiên của chính phủ Hoa Kỳ và tôi muốn cảm ơn các bạn vì sự hợp tác hiệu quả, bao gồm một số dự án phòng, chống mua bán người ở tỉnh Lào Cai do Hoa Kỳ hỗ trợ,” Đại sứ phát biểu trong cuộc họp.
Hai bên cũng thảo luận về cách tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như thúc đẩy môi trường bền vững, đảm bảo tiếp cận bình đẳng với cơ hội kinh tế, tăng khả năng tiếp cận tiêm chủng định kỳ và các sáng kiến y tế khác, đồng thời mở rộng chương trình giảng dạy tiếng Anh.
Đại sứ Hoa Kỳ Knapper đã gặp gỡ các nhân viên tuyến đầu để thảo luận về khóa đào tạo mà họ đã tham gia từ dự án Hoàn thành Mục tiêu và Duy trì Kiểm soát Dịch HIV/AIDS (EpiC) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Dự án do FHI 360 thực hiện đã đào tạo 50 nhân viên công tác xã hội, các đại diện của Hội Phụ nữ, các thành viên thuộc bộ đội biên phòng và nhân viên tuyến đầu khác ở Lào Cai về thực hành tốt nhất trong tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Đại sứ chúc mừng các lãnh đạo đã hoàn thành khung điều phối cấp tỉnh với sự hỗ trợ của EpiC. Khung điều phối này sẽ nâng cao khả năng phối hợp giữa các đơn vị của Lào Cai trong việc hỗ trợ nạn nhân của mua bán người và đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ cho họ.
Đại sứ Knapper đã trực tiếp tìm hiểu về những thách thức mà nạn nhân của nạn mua bán người phải đối mặt khi họ trở về cộng đồng. Đại sứ đã đến thăm Nhà Nhân ái ở thành phố Lào Cai. Đây là cơ sở trực thuộc chính phủ, dành cho những nạn nhân của mua bán người và hiện do tổ chức phi chính phủ Vòng tay Thái bình điều hành.
Đại sứ đã nói chuyện với nhân viên của Nhà Nhân ái và đại diện của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về các dịch vụ quan trọng mà cơ sở cung cấp cho nạn nhân mua bán người, bao gồm khám sức khỏe, tư vấn, dạy nghề, đào tạo kỹ năng sống và giới thiệu việc làm. Nhân viên tại đây đã chia sẻ về những thay đổi về đặc điểm của nạn nhân mua bán người trong đại dịch và những gì họ mong đợi sau khi biên giới Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tổ chức Vòng tay Thái bình cũng tổ chức các sự kiện nâng cao nhận thức và tiếp cận cộng đồng dành cho học sinh ở Lào Cai về nguy cơ bị mua bán. Đại sứ Knapper đã tham dự một trong những sự kiện này tại Trường THCS Kim Đồng, Sa Pa. Sau sự kiện, Đại sứ Knapper gặp gỡ các giáo viên và thành viên ban giám hiệu nhà trường.
Đại sứ cũng đến thăm doanh nghiệp xã hội Ethos Spirit ở Sa Pa, đơn vị phối hợp với các cộng đồng người HMông, Dao và các dân tộc thiểu số khác ở vùng cao để cung cấp các tour du lịch trải nghiệm cho du khách muốn giao lưu văn hóa đích thực. Đại sứ đã tìm hiểu về việc các cơ hội kinh tế do Ethos mang lại đã giúp giảm nguy cơ mua bán người trong các cộng đồng như thế nào.
Kết thúc chuyến thăm, Đại sứ Knapper tham quan Vườn Quốc gia Hoàng Liên và gặp gỡ ban quản lý của vườn. Ban quản lý đã chia sẻ với Đại sứ về công việc họ đang làm nhằm bảo vệ hệ sinh thái mong manh của vườn, bao gồm nhiều loài thực vật đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng.
Thông qua USAID, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tài trợ nhiều dự án về quản lý rừng, đa dạng sinh học và bảo tồn trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Lào Cai, nhằm giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Để giảm áp lực lên các khu rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, dự án Quản lý Rừng Bền vững do USAID tài trợ đang nỗ lực tạo sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống ở vùng đệm nhằm tăng thu nhập và giảm sự phụ thuộc vào rừng.
Đại sứ Knapper cũng gặp gỡ các quan chức của thị trấn Sa Pa để trao đổi về cách tiếp cận nhằm thúc đẩy du lịch bền vững và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác khi có thêm nhiều du khách từ Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam, đặc biệt là Sa Pa.