| Hotline: 0983.970.780

Đắk Lắk phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế địa phương

Thứ Tư 18/10/2023 , 15:20 (GMT+7)

Với thế mạnh trồng các loại cây như cà phê, mắc ca, tiêu... Đắk Lắk đang tận dụng để phát triển sản phẩm OCOP mang đến nhiều giá trị kinh tế cho người dân.

Đắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 630.000 ha (trong đó có gần 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ), thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa… phù hợp với các loại cây trồng vừa là đặc sản vừa là thế mạnh của địa phương. Phải kể đến như: cà phê, hồ tiêu, điều, ca cao và một số loại cây ăn quả chủ lực như bơ, sầu riêng, cam, quýt, vải thiều, chôm chôm. Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của Đắk Lắk mang đậm bản sắc địa phương mà không vùng miền nào có được.

Đắk Lắk phát triển OCOP dựa trên các sản phẩm chủ lực của địa phương như cà phê, mắc ca... Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk phát triển OCOP dựa trên các sản phẩm chủ lực của địa phương như cà phê, mắc ca... Ảnh: Quang Yên.

Với nhiều lợi thế về nông nghiệp, Đắk Lắk xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, nên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nhằm đảm bảo các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (19 sản phẩm đạt 4 sao, 118 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Đây cũng là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng miền ở các địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã được đầu tư về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc rõ ràng.

Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP; năm 2030 có 300 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận. Các sản phẩm nâng dần chất lượng, hạng sao, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước một cách thiết thực.  

Các sản phẩm OCOP đạt 4 sao của Đắk Lắk tập trung chủ yếu vào các sản phẩm cà phê, ca cao, mắc ca… là các cây trồng chủ lực của tỉnh và đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí từ đó nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia), nâng cao cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế.

Ngoài sản phẩm OCOP được công nhận như hiện nay (chủ yếu thuộc ngành thực phẩm) Đắk Lắk hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của tỉnh nhà đến du khách trong và ngoài nước.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành sản phẩm OCOP, tỉnh ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, phát triển thương mại, dịch vụ nông sản theo hướng bền vững.

Địa phương coi nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 23-24%, ngành trồng trọt 70-72%, ngành dịch vụ 5-6%; tăng cường sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái (bơ, sầu riêng, cây có múi) mật ong theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, địa phương này sẽ ban hành các quy định, nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương như: triển khai chu trình OCOP thường niên, thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và mua bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng, Trung tâm OCOP và phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường, hỗ trợ quản lý,‎ chất lượng, bảo hộ thương hiệu, chi thưởng cho các sản phẩm đạt sao OCOP... Trước mắt, hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk với lợi thế là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản, việc triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Đắk Lắkđẩy mạnh 4 hoạt động, đầu tiên là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trên toàn quốc; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.