| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước bão số 3

Thứ Năm 25/08/2022 , 16:30 (GMT+7)

Trước ảnh hưởng của bão số 3, các địa phương cần đảm bảo an toàn cho người và tài sản đặc biệt các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.

Bão số 3 mạnh cấp 9, giật cấp 11 trên khu vực đất liền phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Ảnh: NCHMF.

Bão số 3 mạnh cấp 9, giật cấp 11 trên khu vực đất liền phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Ảnh: NCHMF.

Bão số 3 cách Quảng Ninh 250km

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trưa 25/8, bão số 3 đã đi vào khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 250km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão số 3, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông trong chiều nay (25/8) còn có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động rất mạnh. Khu vực phía Bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,5-3,5m. Biển động mạnh.

Từ nay đến sáng ngày 26/8, khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh khả năng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực Hải Phòng, Lạng Sơn khả năng có gió giật cấp 6-7.

Từ nay đến đêm 26/8, khu vực Bắc bộ có mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, tổng lượng mưa tích lũy phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; Thanh Hóa 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Khu vực Hà Nội từ nay đến ngày 26/8 có mưa to đến rất to và dông, tổng lượng mưa tích lũy phổ biến 100-150mm, có nơi trên 180mm.

Quảng Ninh dừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi từ 12h trưa 25/8. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh dừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi từ 12h trưa 25/8. Ảnh: Nguyễn Thành.

Từ đêm 25/8 đến ngày 27/8, thượng lưu các sông suối khu vực Bắc bộ, Thanh Hóa khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu các sông từ 2-5m, hạ lưu từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở khu vực Bắc bộ có khả năng lên mức báo động 1 - báo động 2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa lên mức báo động 1. Mực nước đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở dưới mức báo động 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Thanh Hóa. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (TP. Hạ Long, Cẩm Phả), Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Đảm bảo an toàn cho 3.600 khách du lịch tại Quảng Ninh

Theo Báo cáo nhanh của Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 ngày 25/8, hơn 33.400 tàu với gần 110.000 người ở khu vực biển vịnh Bắc bộ đã được hướng dẫn chủ động di chuyển phòng tránh bão. Đơn vị cũng đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 14 điểm tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Theo đó, các tàu đã nắm được thông tin về diễn biến bão và đã di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Quảng Ninh cho phép các tàu chạy từ đảo về đất liền để tránh, trú bão đến trước 15h chiều 25/8. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh cho phép các tàu chạy từ đảo về đất liền để tránh, trú bão đến trước 15h chiều 25/8. Ảnh: Nguyễn Thành.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai thông tin, tại Quảng Ninh hiện có tổng số 3.600 khách du lịch; trong đó có 1.503 khách trên các đảo. Toàn bộ khách du lịch đã được thông tin về bão và sẽ di chuyển về đất liền từ sáng 25/8; đối với khách có nhu cầu ở lại đảo, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã thông tin về bão số 3 tới 398 tàu du lịch, 98 tàu vận chuyển khách tuyến đảo, 6.250 tàu cá; sẵn sàng về nơi neo đậu khi có lệnh.

Ngoài ra, địa phương hiện có hơn 14.500 ô lồng nuôi trồng thủy sản. Tất cả đã được thông tin về bão số 3 để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, đặc biệt với gió mạnh trên biển.

Để chủ động ứng phó với bão và gió mạnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng và Lạng Sơn thường xuyên theo dõi các bản tin về diễn biến của bão, gió mạnh, thông báo kịp thời đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống giảm thiểu thiệt hại.

Đối với các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Ban Chỉ đạo yêu cầu quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tiếp tục rà soát và thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.

Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản đặc biệt các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển. An toàn cho người tham gia giao thông qua các cầu vượt biển, chủ động cấm biển tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.

Người dân tại khu du lịch Đồ Sơn thu dọn đồ nghề đề phòng bão. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân tại khu du lịch Đồ Sơn thu dọn đồ nghề đề phòng bão. Ảnh: Đinh Mười.

Các địa phương cũng cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản và các dự án đang thi công ven biển, trên các đảo. Sẵn sàng các biện pháp tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa để giảm thiểu thiệt hại. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát các khu vực có nguy cơ rủi ro cao, hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia giao thông tại các trọng điểm xung yếu.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Lạng Sơn theo dõi chặt chẽ, hướng dẫn kịp thời để chủ động phòng tránh hiện tượng gió giật mạnh; tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, qua rà soát, số dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc là hơn 135.000 người tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ. Các tỉnh đã sẵn sàng phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế mưa, lũ.

Bên cạnh đó, hiện có 2.066 vị trí giao thông có nguy cơ sạt lở, ngập lụt tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ. Các tỉnh đã sẵn sàng phương án cảnh báo, tổ chức canh gác tại những khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo nhanh ngày 24/8 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, mưa lớn, sạt lở đất trong đêm 23/8, sáng 24/8 tại huyện Mai Sơn đã làm 1 người chết do sạt lở đất vào nhà và 2 ngôi nhà bị hư hỏng.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi gia đình nạn nhân, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm