Tàu cá bị cát vùi lấp do ảnh hưởng của bão số 4. Đê nứt, dân bất an trong mùa mưa bão. Duy trì mực nước hồ Dầu Tiếng bảo đảm an toàn mùa mưa bão. Phát triển bền vững mô hình nuôi cá đồng tại vùng trũng Ngã Năm.
Tàu cá bị cát vùi lấp do ảnh hưởng của bão số 4
Tâm Phùng sx
Ngày 20/9 vừa qua, ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nên vùng biển có mưa to và gió lớn. Mưa lớn khiến cường độ dòng chảy cao khiến một tàu hàng bị cuốn trôi và một tàu cá bị cát vùi lấp hoàn toàn.
Cụ thể, tàu cá QB - 98043TS đang neo đậu tại bờ Bắc sông Gianh bị đứt dây neo trôi ra phía cửa biển cách bờ khoảng 20 m và bị sóng đánh làm lật tàu. Mặc dù đã huy động 30 cán bộ, chiến sĩ, 70 người dân cùng dây cáp neo loại lớn nhằm cố định tàu vào trụ cảng nhưng tàu cá này vẫn bị cát vùi lấp hoàn toàn.
Cùng với đó, một tàu cá khác bị cuốn trôi khi đang neo đậu tránh bão số 4, nguyên nhân ban đầu xác định khi neo đậu ở cửa sông, tàu này bị lồng bè nuôi hàu trôi cuốn làm nổi móc treo làm tàu trôi tự do, lúc này trên tàu có 6 thuyền viên. Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Gianh cùng các lực lượng và người dân đã triển khai cứu hộ, lai dắt về neo đậu tại cảng Hòn La an toàn, không có thiệt hại về người.
Đê nứt, dân bất an trong mùa mưa bão
Quốc Toản - Sx
Tuyến đê sông và biển ở xã Đa Lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa được đầu tư nâng cấp, tu sửa từ năm 2014 đến 2016 với chiều dài hơn 10km. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, nên trong quá trình sử dụng có một số vị trí xuống cấp, đứt gãy gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Trước tình hình này, UBND xã Đa Lộc đã lập tờ trình đề nghị Phòng NN-PTNT huyện Hậu Lộc; Hạt quản lý đê điều huyện Hậu Lộc và các cơ quan chức năng, tham mưu cho UBND huyện Hậu Lộc có kế hoạch cấp kinh phí tu sửa chữa, đáp ứng công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn cho người dân.
Duy trì mực nước hồ Dầu Tiếng bảo đảm an toàn mùa mưa bão
Trần Phi - Trần Trung – Sx
Tính đến ngày 20/9, mực nước hồ Dầu Tiếng đạt 22,04 m, thấp hơn 0,96 m so với năm 2023. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, đơn vị sẽ duy trì xả dòng chảy sau đập từ 25-36m³/giây. Dự báo, lượng mưa và dòng chảy về hồ có thể tăng 5%-20% so với trung bình.
Để đảm bảo an toàn, công ty đã lập kế hoạch vận hành, kiểm tra các thiết bị và theo dõi diễn biến thời tiết để điều tiết lũ hợp lý. Mục tiêu là duy trì mực nước hồ thấp hơn cao trình trước lũ từ 0,3 -0,6 m để tăng dung tích phòng lũ. Người dân trong vùng cần theo dõi thông báo mực nước để lập kế hoạch sản xuất, cũng như không đánh bắt cá trong thời gian có dự báo mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Phát triển bền vững mô hình nuôi cá đồng tại vùng trũng Ngã Năm
Kim Anh - Sx
Hiện, nước trên các cánh đồng tại Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã dâng cao, tạo thuận lợi cho người dân thả cá giống vào ruộng lúa để tăng thêm thu nhập trong những tháng nước lũ về.
Năm nay, loại hình nuôi cá mùa lũ được triển khai với nhiều hình thức khác nhau như: Mô hình lúa – cá kết hợp với trồng cây ăn trái, trồng màu có diện tích 120 ha, mô hình nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa với diện tích 153 ha. Tùy theo điều kiện nuôi và chăm sóc của người dân, các mô hình lúa – cá hoặc cá đăng quầng có thu nhập tăng thêm từ cá đồng là trên 10 triệu đồng/1 ha trở lên.
Phòng NN-PTNT thị xã Ngã Năm cho biết, nuôi cá đồng mùa lũ tại các khu vực vùng trũng cũng là định hướng phát triển lâu dài mà ngành nông nghiệp địa phương đã và đang hướng đến nhằm thực hiện mục tiêu tối đa hóa thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất.