Ông Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở ngành và một số công ty, doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn tỉnh có 290 trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 1,3 triệu con; 90 trang trại gia cầm với hơn 4,4 triệu con; 3 nhà máy ấp trứng gia cầm, 2 nhà máy chế biến thức ăn gia súc.
Nhìn chung trong 9 tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi địa phương đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch. Theo đó, mặc dù cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Dịch tả lợn châu Phi, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, dịch bệnh kiểm soát tốt, chỉ 2,3% đàn lợn bị tiêu hủy. Ngay sau khi dịch được khống chế, công tác tái đàn lợn được thực hiện nhanh, hiệu quả tăng trên 50% so với thời điểm trước dịch, giúp ngành chăn nuôi có bước tăng trưởng tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao kết quả phát triển sản xuất chăn nuôi, công tác tái đàn lợn và phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Bình Phước có lợi thế về vị trí địa lý, môi trường thu hút đầu tư trong chăn nuôi tốt, với 85% lợn, 95% gia cầm nuôi trang trại với công nghệ đi sau nhưng tiên tiến, hiện đại…
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thực hiện triệt để, đầy đủ tiêu chuẩn bảo đảm an sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gắn liền với bảo vệ môi trường; đồng thời, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung vào đầu tư. “Bộ NN-PTNT luôn đồng hành cùng địa phương đưa ngành chăn nuôi phát triển xứng tầm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác, đồng thời khẳng định, thời gian qua Bình Phước đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất chăn nuôi nói riêng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác tái đàn lợn bảo đảm bền vững và phòng, chống bệnh dịch hiệu quả; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, đoàn công tác cũng đã đến thăm, làm việc và thị sát chuỗi sản xuất thịt gà xuất khẩu của C.P. Việt Nam tại Bình Phước.
Với tổng nguồn vốn 230 triệu USD, mục tiêu dự án xây dựng mô hình kinh doanh chế biến thịt gà khép kín hoàn chỉnh từ thức ăn chăn nuôi đến trang trại gà giống; nhà máy ấp trứng; trang trại gà thịt; nhà máy giết mổ/chế biến thực phẩm và phụ phẩm để xuất khẩu sang thị trường một số nước Châu Á đứng đầu là Nhật Bản và Châu Âu.
Theo kế hoạch giai đoạn 1, công suất của dự án sẽ đạt 50 triệu con gà thịt/năm. Sau gần 2 năm xây dựng, đến nay, dự án đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chuỗi sản xuất thịt gà, dự kiến cuối tháng 12/2020 sẽ xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên sang các nước đã đặt hàng với C.P.
Đại điện C.P. Việt Nam tại Bình Phước cảm ơn sự hỗ trợ từ nhiều phía của lãnh đạo trung ương, Bộ NN-PTNT và tỉnh Bình Phước trong việc thực hiện dự án. Công ty mong muốn địa phương tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để Công ty phát triển các trại tại 5 huyện, thành, thị gồm: TP.Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành trong vùng an toàn dịch bệnh.
Sau khi thị sát chuỗi sản xuất thịt gà xuất khẩu của C.P. Việt Nam tại Bình Phước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá chuỗi sản xuất thịt gà xuất khẩu của C.P. Việt Nam tại Bình Phước được đầu tư bài bản với các công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới, đáp ứng đủ mọi tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, những nội dung nào về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ cần thực hiện ngay. Đối với những nội dung thuộc địa phương, Thứ trưởng mong muốn địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần đưa ngành chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp địa phương nói chung ngày càng phát triển.