Ngày 22/7, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và thực hiện Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) năm 2021.
Theo thống kê, cho đến nay Việt Nam đã xây dựng được hệ thống hạ tầng thủy lợi khá đầy đủ với 6.750 hồ chứa và 592 đập dâng thủy lợi, với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ mét khối, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp nước cho dân sinh và công nghiệp.
Nhà nước đồng thời cũng đã đầu tư, sửa chữa đảm bảo an toàn cho nhiều đập, hồ chứa thủy lợi bằng các nguồn vốn khác nhau. Tính riêng việc triển khai Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), đến nay đã có 198 hồ đã và đang được nâng cấp, sửa chữa.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 1.100 hồ chứa vừa và nhỏ được xây dựng cách đây từ 30-40 năm, trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật thấp; quá trình khai thác sử dụng không được bảo trì nên đã xuống cấp nghiêm trọng, thiếu khả năng chống lũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cần được duy tu.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết nếu trong thời gian tới, Quốc hội thông qua Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 thì Chính phủ sẽ có chỉ đạo quyết liệt hơn, để không chỉ Trung ương mà các địa phương cũng sẽ có nguồn lực đảm bảo an toàn đập và hồ chứa nước khi mùa mưa lũ đang đến gần.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt khi mùa mưa lũ đang tới gần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối 100% cho các hồ chứa: “Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống biến đổi khí hậu, mưa lũ cực đoan là việc rất khó, đặc biệt đối với các địa phương. Nhưng đây là mệnh lệnh mà chúng ta phải thực hiện bằng được vì nếu để vỡ hồ chứa sẽ gây ra nguy cơ rất lớn, thậm chí làm bất ổn xã hội.”
Để có thể thực hiện được mệnh lệnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương cần tập trung vào 4 giải pháp chính.
Một là, các địa phương cần tuân thủ tuyệt đối luật và chuyển giao quản lý các công trình theo phân cấp, theo thẩm quyền của luật quy định. Nếu không làm tốt, khi có sự cố xảy ra thì các địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hai là, Thứ trưởng đề nghị 16 tỉnh chưa thành lập được Hội đồng tư vấn cần sớm hoàn thành. Nếu các tỉnh không có Hội đồng tư vấn sẽ không có thành phần tham mưu để UBND tỉnh ra quyết định đóng hay mở, tích nước hay xả nước.
Ba là, các địa phương cần thực hiện nghiêm 16 nội dung trong quy định về an toàn hồ chứa.
“Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, mới chỉ có 89% số hồ có cửa van có quy trình vận hành được duyệt. Vậy 11% số hồ còn lại không có quy trình vận hành khi có sự cố thì sẽ phải ứng phó ra sao? Hồ có cửa van bắt buộc 100% phải có quy trình vận hành”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Bốn là lãnh đạo các Sở NN-PTNT cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh bố trí trong vốn đầu tư công trung hạn của địa phương kinh phí tối thiểu để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ: “Nguồn vốn của dự án WB8 chỉ hỗ trợ một phần trong công tác thủy lợi. Còn 1.100 hồ chứa được nhận diện có thể hư hỏng, trong thời gian tới nguồn vốn đầu tư công trung hạn của Bộ NN-PTNT chỉ tập trung vào được 10 – 20 hồ lớn, còn những hỗ nhỏ địa phương phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Các địa phương nên đầu tư 1 – 2 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn cho các hồ chứa còn hơn sau này phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục nếu xảy ra sự cố.”
Đối với dự án WB8, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành 130 hồ, 198 hồ đang thi công và 150 hồ chưa thi công.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ rất cả những khó khăn. Theo đó cần đẩy nhanh tiến độ 198 hồ đang thi công và phải về đích đúng hẹn; rà soát lại 150 hồ chưa thi công.
“Chúng ta vẫn hay nói với nhau câu chuyện về thể chế là đưa cuộc sống vào luật hay đưa luật vào cuộc sống. Thực tế thì chúng ta đang đưa luật vào cuộc sống, nghĩ ra luật và bắt cuộc sống phải theo. Đó là điều không thể.
Bây giờ chúng ta cần rà soát một cách tổng thể, rõ ràng sửa đổi một số Nghị định, Thông tư liên quan đến an toàn đập, hồ chứa nước để đưa cuộc sống vào trong luật. Tổng cục Thủy lợi có trách nhiệm hướng dẫn rất rõ những câu hỏi của địa phương về luật, thông tư, nghị định, các quy định, quy chuẩn…” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nói.