| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả từ các công trình thủy lợi điều tiết và tích ngọt tại Trà Vinh

Thứ Ba 13/07/2021 , 18:46 (GMT+7)

Nhờ các công trình thủy lợi, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Trà Vinh 6 tháng đầu năm nay đạt trên 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 13% so với cùng kỳ.

Trà Vinh, một trong những địa phương cuối nguồn sông Cửu Long thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô. Đặc biệt, những năm gần đây, tình trạng này diễn ra ngày càng gay gắt.

Ông Lê Quang Răng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: Mỗi năm nước mặn nồng độ cao xâm nhập và kéo dài khoảng 4 tháng. Những năm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt thì thời gian còn kéo dài hơn.

Điển hình như đợt xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020, hạn mặn đã làm ảnh hưởng trên 25,8 nghìn ha trên cả 3 vụ lúa. Nhất là vụ lúa đông xuân, diện tích bị thiệt hại trên 23,7 nghìn ha. Dẫn đến sản lượng lúa ước giảm trên 406 nghìn tấn, tổng thiệt hại kinh tế trên 1.000 tỷ đồng.

Cống Láng Thé, kiểm soát mặn - ngọt tại tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Hữu Đức.

Cống Láng Thé, kiểm soát mặn - ngọt tại tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Hữu Đức.

Thời gian qua, nhờ vận hành, khai thác có hiệu quả các công trình thuỷ lợi mà tỉnh Trà Vinh đã hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước, khô hạn trong sản xuất ở đầu vụ lúa đông xuân 2020 – 2021, nhất là khu vực nội đồng.

Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 2021, tình hình nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh cơ bản được đảm bảo. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 13% so với cùng kỳ. Công tác thuỷ lợi nội đồng được thực hiện hoàn thành 100% khối lượng công trình.

Sở NN-PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi kiểm tra, vận hành các cống tích trữ nước ở những nơi có điều kiện, ngăn triều cường phục vụ sản xuất. Mực nước nội đồng luôn đảm bảo từ 0,5 - 0,7m phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cho biết: Năm 2020 là năm đầu tiên vận hành hệ thống cống Bông Bót và Tân Dinh. Hệ thống cống này ngăn mặn từ phía biển lấn lên phía sông Hậu cũng như thực hiện trữ ngọt cho các kênh trục và kênh cấp I, cung cấp nguồn nước vào nội đồng, điều tiết nguồn nước về các huyện vùng ven biển khá hiệu quả.

Tại huyện Cầu Kè, mùa khô năm 2021 không xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt và mặn vào kênh trục như những năm trước đây. Nhìn chung, các diện tích sản xuất nông nghiệp ít bị tác động do thiếu nước và mặn đe dọa trong vùng nội đồng.

Cũng theo ông Phạm Văn Kha, năm 2021 huyện Cầu Kè tập trung triển khai nạo vét 34 tuyến kênh thủy lợi nội đồng, dài gần 46km. Đến nay, hệ thống thủy lợi và công tác trữ ngọt tại các kênh trục, kênh cấp I, cấp II ở Cầu Kè đảm bảo tưới tiêu trên 95% diện tích sản xuất. Vụ lúa đông xuân 2020 – 2021, nông dân Cầu Kè xuống giống 7.436 ha, năng suất bình quân đạt 6,6 tấn/ha, tăng 2 tấn/ha, sản lượng lúa tăng trên 13.500 tấn so với cùng kỳ.

Vụ đông xuân 2021 tỉnh Trà Vinh không bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Hữu Đức.

Vụ đông xuân 2021 tỉnh Trà Vinh không bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Hữu Đức.

Đối với huyện Trà Cú thường chịu tác động của nước mặn và thiếu nước trong sản xuất, vụ đông xuân và đầu vụ hè thu. Những năm qua, công tác thủy lợi nội đồng luôn được địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm.

Đây là một trong những giải pháp ứng phó với tình hình BĐKH. Vụ lúa đông xuân 2020 – 2021 vừa qua, nông dân huyện Trà Cú xuống giống được 12.280 ha, vượt kế hoạch 4.570 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha và không có diện tích thiệt hại do khô hạn, thiếu nước sản xuất.

Ông Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: Các vùng sản xuất ở Trà Cú nằm cuối nguồn. Khi bắt đầu mùa khô hạn, việc trữ ngọt là giải pháp then chốt để giúp sản xuất nông nghiệp ứng phó với BĐKH. Từ đó, công tác thủy lợi được địa phương tập trung triển khai với sự tham gia đối ứng của người dân về mặt bằng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí thuê cơ giới nạo vét. Qua đó, đảm bảo diện tích sản xuất được tưới tiêu. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn phối hợp cùng các địa phương thực hiện khai thông dòng chảy tại các tuyến kênh cấp I, II.

Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ NN-PTNT cùng với chính quyền địa phương đã đầu tư những công trình điều tiết mặn ngọt, giúp nhân dân chủ động hơn trong sản xuất. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, các cống Bông Bót, Tân Dinh, Vũng Liêm do Bộ NN-PTNT đầu tư được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành, đã góp phần kiểm soát mặn, trữ  và giảm nhẹ thiên tai ở địa phương. Tháng 9/2020, Bộ NN-PTNT chính thức bàn giao những công trình này cho hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long quản lý, vận hành.

Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức đào đắp, nạo vét trên 3.000 công trình thủy lợi nội đồng với chiều dài 1.761km, khối lượng trên 6 triệu m3.

Riêng năm 2020, Sở NN-PTNT Trà Vinh tập trung triển khai thực hiện 21 dự án (17 dự án chuyển tiếp và 4 dự án khởi công mới) gồm: 2 công trình phục vụ nuôi thủy sản, 9 công trình đê kè, 10 công trình dân dụng, tổng vốn trên 732 tỷ đồng.

Trong công tác thủy lợi, địa phương đã tổ chức nạo vét 455 công trình kênh nội đồng, dài trên 335 km. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai 631 công trình thủy lợi nội đồng, đạt gần 93% kế hoạch năm, dài 449 km, khối lượng đào đắp trên 1,2 triệu m3.

  • Tags:
Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.