Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo từ ngày 16 - 23/2, mặn có xu thế cao hơn so với tuần trước. Viện cảnh báo các địa phương khu vực ĐBSCL chú ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm và tranh thủ tích ngọt phục vụ nông nghiệp.
Tại Trà Vinh từ tháng 1, độ mặn trên sông Cổ Chiên đo được là 3,5 ‰ (xuất hiện ngày 31/1). Còn trên sông Hậu là 1,0‰ (xuất hiện ngày 31/1/2023). Những ngày đầu 2, tại địa phương đã xuất hiện đỉnh mặn trên 4‰ và xuất hiện xâm nhập sâu về phía thượng nguồn. Theo đó, trên sông Cổ Chiên, cách cửa biển khoảng 50km, độ mặn đo được là 5,9‰. Ở một diễn biến khác về phía sông Hậu tại cống Bông Bót, cách cửa biển 55km, độ mặn đo được đến 4,6‰.
Theo đó, Trà Vinh hiện đang vào vụ sản xuất hơn 62.223ha lúa đông xuân năm 2022 - 2023, có nguy cơ cao về ảnh hưởng của mặn khi các nguồn nước trong nội đồng cạn kiệt (do đóng cống ngăn mặn và kéo dài) gây thiệt hại và giảm năng suất trong giai đoạn phát triển của lúa.
Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra thiếu nước trong sản xuất, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao.
Điển hình tại huyện Trà Cú hiện có khoảng 3.000ha diện tích lúa trong giai đoạn gieo mạ đến đẻ nhánh, đòi hỏi nguồn nước cao. Nông dân Thạch Sem, huyện Trà Cú chia sẻ: "Trước đây, vào tháng 2, tháng 3, chúng tôi thường gặp khó về tiếp nguồn nước ngọt, để bơm tưới ruộng lúa giai đoạn trổ đồng cũng như phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, nhờ công trình cống 3 tháng 2 hoàn thành và đưa vào vận hành, có ý nghĩa rất lớn đối với nông dân vừa đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất, vừa đủ nước ngọt sinh hoạt vào mùa khô. Từ đó, năng suất lúa của bà con cũng ngày một nâng lên".
Còn tại khu vực cống Bông Bót (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) là khu vực có công trình cống ngăn mặn rất quan trọng (đưa vào vận hành năm 2019) để ngăn mặn khi nước mặn lấn sâu vào phía Sông Hậu và điều tiết nguồn nước ngọt cho phía hạ nguồn (các huyện vùng ven biển) khi không có mặn. Theo nghi nhận việc theo dõi độ mặn thường xuyên (15 phút/lần), từ 1 - 2 giờ thủ cống tiến hành đo kiểm tra mặn để lấy nước vào. Từ đầu tháng 2 đến nay, nước mặn đã lên rất cao và diễn biến bất thường.
Ông Lê Hữu Phước, Giám đốc Cty TNHH MTV QLKT công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho hay, công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực cho công tác vận hành công trình thủy lợi hợp lý, linh hoạt về ngăn mặn, trữ ngọt từ tháng 1 - 5.
Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh hiện đang vào vụ sản xuất lúa ĐX với tổng diện tích đã xuống giống trên 62.223ha, vượt 20,35% kế hoạch (ngày 10/2). Trong đó, đối với các trà lúa trong giai đoạn mạ 709ha, đẻ nhánh 29.312ha… Nhìn chung tình hình xâm nhập mặn không ảnh hưởng đến năng suất luá vụ ĐX. Do phần lớn diện tích lúa toàn tỉnh đã vào giai đoạn trổ đồng, mực nước trong nội đồng vẫn đảm bảo đủ nước phục vụ tưới tiêu của nông dân. Song, Chi cục hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp, phòng trị các bệnh trên cây lúa trong giai đoạn nhạy cảm để đảm bảo năng suất theo kế hoạch đặt ra.