Tại buổi hội đàm, hai bên đã chia sẻ những cơ hội cũng như tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nhấn mạnh đến Tuyên bố chung về “Đối tác chiến lược Xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch” (GSP) trong chuyến thăm Đan Mạch của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn sự hỗ trợ về nguồn lực và tài chính của Chính phủ Đan Mạch thông qua các dự án, chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, thú y và an toàn thực phẩm.
Sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch đem lại hiệu quả thiết thực nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất, hệ thống quản lý chế biến sản phẩm thủy sản, chăn nuôi, nước sạch vệ sinh nông thôn, đặc biệt là đội ngũ quản lý, nghiên cứu kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bản Tuyên bố chung đã định hướng sự hợp tác giữa hai Bộ, với trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, tiết kiệm tài nguyên; sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững bao gồm phát triển công nghệ, giải pháp sản xuất trên đất liền và trên biển…
Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng một đề án trình tới Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá, đề nghị giúp đỡ để tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, phát triển ngành nuôi biển bền vững, giảm bớt áp lực khai thác.
Là một trong những nước Bắc Âu có thế mạnh về phát triển công nghệ nuôi biển, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ từ phía Đan Mạch trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng cũng đề nghị phía Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về nghiên cứu và đánh giá môi trường trong sản xuất nông nghiệp bao gồm quản lý tài nguyên bền vững và giảm đầu vào trong sản xuất nông nghiệp của lĩnh vực chăn nuôi (gia súc, gia cầm), nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ, trồng trọt các loại cây có giá trị cao (cây công nghiệp và ăn trái).
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị phía Đan Mạch xem xét khả năng phối hợp xây dựng và hỗ trợ các dự án, chương trình hợp tác trong lĩnh vực giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, khối Viện, trường Đại học trực thuộc hai Bộ.
Thiết lập kênh quan hệ đối tác công tư trong các lĩnh vực: ngăn ngừa và chống lãng phí, thất thoát thực phẩm, sản xuất lương thực bền vững theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng hiệu quả về nguồn nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
Đề nghị Bộ trưởng Đan Mạch thúc đẩy các doanh nghiệp nước này triển khai các chương trình hợp tác, đầu tư thương mại vào các lĩnh vực mà thị trường Việt Nam cần và Đan Mạch có thế mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi Đan Mạch cử chuyên gia kỹ thuật, tư vấn sang trao đổi thường xuyên để tăng cường năng lực xây dựng thể chế của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thông qua trung tâm hỗ trợ học bổng phía Đan Mạch, đề nghị Bộ trưởng Đan Mạch thúc đẩy để nhiều cán bộ nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội sang Đan Mạch để trao đổi và học tập hơn.
Hai bên cần đẩy mạnh thương mại nông sản, nhất là những sản phẩm mang tính chất bổ trợ, không cạnh tranh, để người dân hai nước có thể tiếp cận nông sản của nhau, từ đó tạo cầu nối để gắn kết quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Đan Mạch với thế mạnh và kinh nghiệm về chuỗi chăn nuôi lợn liên kết doanh nghiệp, với nhiều mô hình thành công. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị phía Đan Mạch hỗ trợ để doanh nghiệp hai bên có thể trao đổi và xây dựng hợp tác theo hình thức hợp tác công tư.
Về phía Đan Mạch, Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Jacob Jensen cho biết, lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, thủy sản là trụ cột trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước. Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hướng tới mục tiêu cải thiện sản xuất và an toàn thực phẩm cho trong nước và xuất khẩu.
Đan Mạch đánh giá cao hoạt động hợp tác chiến lược ngành với Việt Nam. Đây là trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược xanh mà chúng ta có nhiều tiến triển trong việc thực hiện các thực hành ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, tăng cường năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quan hệ đối tác đã đóng góp nhiều vào hoạt động phát triển quy định pháp luật là những hướng dẫn về thuốc thú y kê đơn, kiểm soát thức ăn chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc và thu hồi các sản phẩm thực phẩm. Để đảm bảo thúc đẩy các dự án hợp tác, cần tăng cường những hoạt động gặp gỡ trao đổi, nhất là tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sự phối hợp giữa khu vực công và tư, Bộ trưởng Jacob Jensen cho biết.
Theo Bộ trưởng Jensen, tiềm năng hợp tác song phương giữa hai nước là rất lớn, những kinh nghiệm của Đan Mạch trong các lĩnh vực như sản xuất sữa, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm… có thể bổ trợ cho những điểm mạnh trong ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Chia sẻ với người đồng cấp Đan Mạch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng để thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước và giữa Việt Nam với EU, cần thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật về vấn đề liên quan đến kiểm dịch động, thực vật, an toàn thực phẩm. Bộ trưởng đề nghị nhóm kỹ thuật hai nước sớm khớp nối để hàng rào được tháo gỡ và mong muốn nhận được sự phản ánh từ Đại sứ thông qua các doanh nghiệp.
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Jacob Jensen đã ký kết Biên bản ghi nhớ Tăng cường hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch.
Hai lãnh đạo Bộ cũng chứng kiến đại diện ký kết Văn kiện Chương trình hợp tác chiến lược ngành về an toàn thực phẩm giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch.