| Hotline: 0983.970.780

Dân nhường đất cho thủy điện thiếu thốn trăm bề

Thứ Sáu 12/05/2017 , 14:45 (GMT+7)

Thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa- Thanh Hóa) có công suất 260 MW. Dự án khởi công vào tháng 11/2012, hiện 3/4 tổ máy đã chính thức phát điện, hứa hẹn khi hoàn tất sẽ góp phần thay đổi diện mạo của miền Tây xứ Thanh. Thế nhưng...

Sự thực không như lời hứa

Để nhường đất cho thủy điện, tổng cộng 627 hộ dân của 2 tỉnh Thanh Hóa và Sơn La buộc phải di dời. Trong số này, 221 hộ tại bản Tà Bán và 34 hộ khác thuộc bản Xước được chuyển đến 5 điểm tái định cư (TĐC) là Keo Đắm, Pom Chốn, Co Pùng, Pa Búa và Tà Bục. Thấm thoát đã 2 năm trôi qua nhưng dân bản vẫn chưa thể an cư lạc nghiệp, với họ bức tranh tươi đẹp mà chủ đầu tư vẽ ra ngày nào đang bị đan xen bởi quá nhiều gam màu tối.

11-53-14_1
Từ khi chuyển về khu TĐC Thủy điện Trung Sơn, cuộc sống của người dân chưa đi vào ổn định

Theo lời già Lương Thành Đô, nguyên Trưởng Công an xã Trung Sơn, không một hộ dân nào muốn dời đi, nhưng nghĩ vì lợi ích chung nên mới chấp nhận. Để mọi việc xuôi chèo mát mái, BQLDA Thủy điện Trung Sơn hứa hẹn đủ thứ về vùng đất mới, tuy nhiên thực tế lại khác xa hoàn toàn.

“Với đồng bào vùng cao, thói quen canh tác đã ăn sâu, bén rễ suốt bao đời nay. Ngặt nỗi đa phần diện tích màu mỡ đều tập trung ở lòng hồ, trong khi quỹ đất còn lại vừa thiếu hụt lại cằn cỗi, bạc màu và nằm cách xa khu dân cư đến cả chục cây số”.

Khi tiến hành đền bù GPMB, chủ đầu tư áp dụng 3 định mức, những hộ có từ 1 đến 2 khẩu sẽ được nhận 242 triệu đồng, 3 đến 5 khẩu là 320 triệu, 5 đến 6 khẩu là 360 triệu. Thoạt nghe thì đây là số tiền lớn nhưng thực chất chẳng thấp tháp vào đâu, bởi chỉ riêng việc dựng nhà bà con đã phải bù vào một khoản tương đương, vì lý do này mà nhiều gia đình trầy trật trong cảnh nợ nần. “Thực tâm mà nói, dân bản cần chiếc cần câu hơn là cho con cá, nhà cao cửa rộng có ích gì khi cuộc sống còn bộn bề lo toan”, già Đô giãi bày.

11-53-14_2
Phần lớn diện tích đất tốt đều nằm dưới lòng hồ

Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy phản ánh của người dân TĐC có cơ sở. Trước kia, khi còn ở bản Xước và Tà Pán, nhờ quỹ đất dồi dào, bà con yên tâm trồng ngô, trồng sắn, trồng lúa nước, kết hợp nuôi thêm con trâu, con lợn, con gà để cải thiện sinh kế, của nả dư dả chưa dám bàn nhưng chí ít cái bụng không lo bị đói.

Xét về giá trị kinh tế, trồng luồng thời điểm đó là sự lựa chọn không tồi, tính ra nhà ít có vài ba trăm gốc, hộ trồng nhiều lên đến hàng ngàn cây, mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng. Thế nhưng khi Thủy điện Trung Sơn lấy đất thì “bầu sữa” này chính thức bị cắt phăng, cứ ngỡ chủ đầu tư sẽ có phương án bồi thường hợp lý để bù đắp phần nào thiệt hại, nào ngờ: “Cây luồng cho giá trị kinh tế cao nhưng không phải là dạng ăn xổi, chăm bẵm tốt cũng phải mất dăm bảy năm mới cho thu hoạch. Nhà máy chỉ đền bù từ 7.000 - 10.000 đồng/cây, thấp hơn thị trường đến 5 giá, thấy bất cập nên chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, thế nhưng họ cố tình bỏ ngoài tai”, một hộ dân bản Keo Đắm chua chát.

Không chỉ thiếu đất sản xuất, người dân TĐC còn phải đối mặt với thực trạng thiếu nước sinh hoạt. Dù cho một số hạng mục công trình đã được đầu tư nhưng thực chất mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, chưa kể chất lượng nguồn nước hiện đang bị ô nhiễm trầm trọng.

11-53-14_3
Quỹ đất sản xuất hiện tại thiếu hụt trầm trọng

Ông Phạm Văn Diện, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, tiết lộ, một số đồng bào người Mông trong quá trình di cư thường xuyên đến địa phận xã Cun Pheo (huyện Mai Châu, Hòa Bình), khu vực giáp ranh với bản Pôi của xã Trung Sơn để khai hoang. Họ vẫn duy trì thói quen dùng thuốc BVTV vô tội vạ, sự việc kéo dài từ năm này qua năm khác dẫn đến lượng thuốc tồn dư “ăn sâu” vào lòng đất, khi gặp mưa thì thẩm thấu luôn vào dòng suối Cáp rồi chảy thẳng về khu TĐC.

Ngày đêm sống với “tử thần” khiến cho hàng ngàn người dân hoang mang, lo sợ, cảm giác bất an luôn canh cánh trong lòng.
 

Nuôi cá lồng trước nguy cơ khai tử

Giai đoạn 2010-2016, nghề nuôi cá lồng trên sông Mã phát triển cực thịnh, số hộ tham gia mô hình ồ ạt mọc lên như nấm sau mưa. Tận dụng mặt nước lòng hồ rộng mênh mông, người dân khắp các huyện miền Tây xứ Thanh đã không ngần ngại đầu tư kinh phí, từng bước hoàn thiện, nâng cấp hệ thống lồng bè triển khai với quy mô lớn. Sau bước khởi đầu khá thành công, giờ đây mọi thứ đang dần đi vào ngõ cụt.

11-53-14_4
Nhiều hộ nơm nớp vì nguy cơ sạt lở

Độ một năm trở lại đây, người nuôi trên địa bàn huyện Bá Thước rơi vào tình cảnh lao đao khi thường xuyên phải gồng mình chống chọi hàng loạt cơn “bạo bệnh”. Tiến hành khảo sát đánh giá thực tế, cơ quan chuyên ngành kết luận tình trạng cá chết hàng loạt xuất phát từ những nguyên nhân sau: một là việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở chế biến phía thượng nguồn, hai là sự tác động của thiên tai, ba là quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện.

Nói có sách mách có chứng, ngay mới đầu năm nay thôi, dọc 2 bên bờ sông Mã đoạn chảy qua địa phận xã Lâm Xa có đến 34 lồng cá của 17 hộ dân ở khu phố 1 và thôn Vận Tải xuất hiện tình trạng cá chết với số lượng lên đến hàng tấn, trong đó bao gồm nhiều loại cho giá trị kinh tế cao như trắm, chiên, lăng, chép.

11-53-14_5
Nguyên trưởng công an xã Trung Sơn, già Lương Thành Đô băn khoăn về cuộc sống hiện tại

Gần đây nhất, khi Thủy điện Bá Thước 2 (thuộc Cty CP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai) tiến hành hạ cao trình (thời gian từ 25/2 đến 31/3) để nạo vét hồ chứa đã gây nên tình trạng thiếu nước trầm trọng, hệ quả là hàng loạt lồng bè đành phải vứt xó, cá to, nhỏ gom lại bán tống bán tháo với mức giá rẻ như cho, điều này đã đẩy nhiều hộ lâm vào tình cảnh khánh kiệt và không còn khả năng tái sản xuất. Chưa hết, 325 ha diện tích cây trồng tại 5 xã Lâm Xa, Tân lập, Ái Thượng, Điền Lư và Lương Ngoại cũng bị ảnh hưởng nặng nề, héo queo héo quắt đến tàn tạ.

Năm 2013, gia đình ông Bùi Minh Thìn, trú tại phố 2, xã Lâm Xa triển khai đóng 3 lồng cá, mỗi lồng rộng 12 m2 nuôi trắm cỏ. Nhờ diện tích nước mặt sẵn có, lại tận dụng được tối đa nguồn thức ăn từ thiên nhiên nên hiệu quả kinh tế rất khá, theo tính toán từ khi thả đến lúc thu hoạch chỉ gói gọn trong 12 tháng nhưng trọng lượng cá trong lồng đạt bình quân từ 2,8 đến 3 kg, bán ra lãi ròng khoảng 250.000 đ/con, tính toán chi ly hàng năm thu về không dưới 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, niềm vui trên ngắn chẳng tày gang, bởi giờ đây mọi thứ đã đổi chiều chóng vánh: “Thượng lưu có Thủy điện Trung Sơn và Bá Thước 1, Hạ Lưu có Bá Thước 2. Dưới đẩy lên, trên dồn xuống hệt như 2 gọng kìm quây chặt lấy chúng tôi, bất kể họ tích nước hay xả lũ thì người dân đều gánh chịu hậu quả nặng nề”, ông Thìn ngán ngẩm.

11-53-14_7
Nhường đất cho Thủy điện Trung Sơn, các hộ dân phải chịu cảnh thiệt đơn thiệt kép

Vừa qua tại vùng nuôi của xã Lâm Xa phải chịu cảnh “khô khát” suốt 2 tháng trời. Để đối phó, khắp làng trên xóm dưới đã đồng loạt hô hào, í ới gọi nhau huy động hàng ngàn bao tải, chất đầy đất đá lịch kịch trong đêm di chuyển đến cửa khe hòn Ráng, điểm giáp ranh giữa khu phố 2 và thôn Đắm để chặn dòng. Tốn kém và vất vả là thế nhưng tựu chung chỉ là phương án chữa cháy tạm thời, các hộ nuôi chua chát thừa nhận, nếu tình hình không tiến triển thì nguy cơ bỏ lồng là điều khó tránh khỏi.

Ông Lê Trung Lương, Phó phòng Nông nghiệp huyện khẳng định, nghề nuôi cá lồng sông Mã lúc này đang đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức: “Năm 2016 toàn huyện có trên 1.000 lồng nuôi thì nay chỉ còn vỏn vẹn 258 lồng, rủi ro quá lớn nên người dân không mặn mà, hứng thú với nghề”.

11-53-14_8
11-53-14_9
Ảnh hưởng từ các nhà máy thủy điện khiến nghề nuôi cá lồng sông Mã đứng trước nguy cơ bị xóa sổ
Già Lương Thành Đô kể, trước đây Trung Sơn được biết đến là một điểm nóng về tệ nạn buôn bán, hút chích ma túy. Khi dự án triển khai, lớp công nhân tứ xứ đổ về đông như kiến khiến tình hình càng thêm phức tạp, tình trạng cờ bạc, trộm cắp và mại dâm cũng nảy sinh từ đây. Tính riêng tại bản Keo Đắm có 2 tụ điểm buôn bán ma túy, trên 20 con nghiện thâm niên thường xuyên lai vãng.

 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.