| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 19/11/2012 , 09:45 (GMT+7)

09:45 - 19/11/2012

Dân thường làm gì cũng khó!

Chuyện chất vấn các bộ trưởng, thành viên Chính phủ tại nghị trường đã xong, nhưng dư luận nhân dân vẫn còn râm ran lắm.

Đại biểu Quốc hội chất vấn tại hội trường

Chuyện chất vấn các bộ trưởng, thành viên Chính phủ tại nghị trường đã xong, nhưng dư luận nhân dân vẫn còn râm ran lắm.

Họ bảo, có vị nói hay, có vị nói không hay, nhưng tựu chung, các vấn đề của ngành mà các vị ấy là tổng chỉ huy vẫn chưa được xem xét cụ thể, cặn kẽ. Và, điệp khúc “đang xem xét”, “còn nghiên cứu”, “chờ thời gian”… vẫn tiếp tục lặp lại.

Câu chuyện ĐB Nguyễn Như Tiến hỏi Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc liệu còn bao nhiêu tập đoàn, tổng công ty trong ngành xây dựng thất thoát vốn nhà nước như TCty Sông Đà và nhận được câu trả lời là “…tài liệu tôi để quên ở nhà. Nếu ĐB cần thì mời qua bộ để chúng tôi báo cáo…” là đề tài bàn luận sôi nổi của dư luận. Họ bảo câu trả lời này cũng tương tự như câu chuyện khi Bí thư Thành ủy Hải Phòng gọi điện cho GĐ Sở Giao thông Vận tải TP này nhưng không thể liên lạc được, sau được giải thích là điện thoại… hết pin.

Trước đó, đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão Sơn Tinh của TP Hải Phòng khi trở về đã bị bến phà Bính từ chối chuyên chở. Do đi xe biển trắng, cuối cùng đoàn cũng phải chi tiền “làm luật” như dân thường mới được đưa qua. Cũng may, chỉ sau nửa tháng, trắng đen đã rõ, ai phải bị kỷ luật đã bị kỷ luật, cần cách chức đã cách chức. Không hề có dấu vết của “chìm xuồng” hay sự vụ phức tạp cần điều tra, nghiên cứu thêm. Nếu ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng là dân thường, thì không biết sự việc sẽ đi đến đâu, hay lại “chìm xuồng”?

Câu chuyện trả lời chất vấn của bà Bộ trưởng Y tế cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về “tính công khai” của y đức tại các bệnh viện. Bộ trưởng khuyên dân rằng “nếu thấy nhân viên y tế nhận phong bì, hãy chụp ảnh và gửi cho chúng tôi”. Nhưng hỡi ôi, thưa Bộ trưởng, bà cứ thử đặt mình vào vị trí của dân thường xem, phàm đã là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, thì ai có thể vừa đưa phong bì vừa chụp ảnh. Câu chuyện về “cái công khai” ở đây, theo người dân, khó có thể được thực thi.

Trong một diễn biến khác, mới đây thôi, ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó TGĐ Đài Truyền hình VN, tác giả của chương trình từ thiện “Cơm có thịt” cho trẻ em vùng cao, cực chẳng đã, phải viết đơn gửi Bộ trưởng Nội vụ, rằng tại sao việc cấp phép một chương trình từ thiện, lại mất thời gian đến thế? Trong khi đó, chuyên viên trả lời rằng lãnh đạo đi công tác suốt, ít có lúc nào ở nhà mà “trình ký”… Đúng là khi trở lại là dân thường, có lẽ ông Tuấn mới “thấm” câu nói “Dân làm gì cũng khó”.

Còn nhớ, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ sau một lần nằm viện mổ ruột thừa từng phải mơ ước: “Sao cho bệnh viện này 10 năm tới chất lượng phục vụ chỉ cần bằng 50% chất lượng phục vụ mình cho dân nhờ”. Còn rất nhiều thứ mà mơ ước một thập kỷ sau, người dân được sánh ngang... một nửa lãnh đạo vẫn còn khá xa vời.

Đúng là dân thường, làm cái gì cũng khó!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm