| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/01/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 09/01/2018

Đang có quá nhiều rào cản vô hình cho việc lập lại văn minh đô thị?

Hôm qua, ngày làm việc đầu tuần 8/1/2018, ông Đoàn Ngọc Hải đã chính thức nộp đơn xin từ chức Phó Chủ tịch UBND Quận 1 - TPHCM.

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 - TPHCM trong một lần ra quân lập lại trật tư vỉa hè, long đường

 Khoảng 1 năm trước, hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ nóng lên khi dẫn đầu chiến dịch ra quân rầm rộ quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở khu vực trung tâm Sài Gòn. Giờ đây, như ông Đoàn Ngọc Hải thú nhận “tôi vẫn còn khát vọng làm việc, cống hiến nhưng lực bất tòng tâm", nên đành phải "cởi áo về vườn" như đã cam kết với đám đông.

Mùa xuân Mậu Tuất, ông Đoàn Ngọc Hải vừa bước qua tuổi 49, độ tuổi sung sức của cán bộ đủ chín chắn để phụng sự cho xã hội. Thế nhưng, ông Đoàn Ngọc Hải đột ngột rời khỏi vị trí công tác, khiến không ít người cảm thấy hụt hẫng. Đó là một sự tự trọng cần thiết, hay một sự buông xuôi bẽ bàng?

Ông Đoàn Ngọc Hải không nằm trong diện cán bộ thăng tiến nhanh. Ông Đoàn Ngọc Hải từng trải qua các công tác ở Đội thu thuế, rồi làm Bí thư phường Cầu Ông Lãnh, rồi làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Quận 1, trước khi giữ chức Phó Chủ tịch Quận 1.

Kinh nghiệm ấy trang bị cho ông Đoàn Ngọc Hải sự hiểu biết sâu sắc về tất cả rắc rối trong công tác quản lý một địa bàn phồn vinh và phức tạp như Quận 1 - TPHCM. Thế nhưng, dù đã rất cố gắng vượt qua nhiều áp lực từ mọi phía, kể cả những lời đe dọa tính mạng, ông Đoàn Ngọc Hải cuối cùng cũng chấp nhận làm một kẻ thua cuộc.

Vỉa hè khu vực trung tâm Sài Gòn, từ lâu đã không còn dành cho những du khách thong dong. Ông Đoàn Ngọc Hải nhận diện chính xác sự nan giải khi mong mỏi lập lại trật tự long - lề đường ở quận 1 “đã động chạm đến lợi ích rất to lớn hàng ngàn tỷ đồng của các chủ bãi xe ô tô, gắn máy, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các hộ kinh doanh mặt tiền… và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”. Nghĩa là giá trị đồng tiền đã chiếm thế thượng phong, khi so sánh với văn minh đô thị.

Ông Đoàn Ngọc Hải từng được nhiều lời ủng hộ từ phía những người không có lợi ích ở vỉa hè, những người luôn hy vọng nhìn thấy thành phố thông thoáng và sạch sẽ. Ngược lại, lượng người muốn ông Đoàn Ngọc Hải thất bại còn nhiều gấp bội, vì họ không muốn những khoản thu nhập đang có của họ bị ảnh hưởng. Ông Đoàn Ngọc Hải thất bại vì ông Đoàn Ngọc Hải cô độc giữa muôn trùng vây.

Đơn xin từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải viết một câu rất đáng chú ý: “Khi trở lại là người công dân bình thường, tôi sẽ có thời gian nhiều hơn để suy nghĩ về các giải pháp “căn cơ”, “nhân văn”, “không làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo” trong công việc này”.

Những mệnh đề được ghi chú trong ngoặc kép của ông Đoàn Ngọc Hải, sao nghe như tiếng thở dài! Câu chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải không chỉ là câu chuyện riêng của Quận 1 - TPHCM, mà trở thành nỗi băn khoăn: Phải chăng chúng ta đang có quá nhiều rào cản vô hình cho sự phát triển của cộng đồng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm