| Hotline: 0983.970.780

'Đánh' chất cấm như 'đánh' ma túy: Công an vào cuộc quyết liệt

Thứ Sáu 18/09/2015 , 09:47 (GMT+7)

Những ngày này, các ngành chức năng của tỉnh Long An đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở chăn nuôi, giết mổ sử dụng chất tạo nạc độc hại. 

Kinh nghiệm cho thấy, khi lực lượng công an phối hợp vào cuộc quyết liệt thì việc truy quét tìm ra các đối tượng cung cấp sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

PV NNVN đã có cuộc phỏng vấn với bà Đinh Thị Phương Khanh (ảnh), Phó GĐ Sở NN-PTNT Long An xung quanh vấn đề này…

18-28-04_b-dinh-thi-phuong-khnh

Trâu, bò vỗ béo cũng nằm trong "tầm ngắm"

PV: Trước đây, tỉnh Long An cũng đã tổ chức thanh tra việc sử dụng chất cấm của các hộ chăn nuôi, vậy đợt truy quét lần này có nét gì mới so với các lần trước, thưa bà?

Bà Đinh Thị Phương Khanh: Vài tháng trở lại đây, việc người dân sử dụng các chất cấm, nhất là chất tạo nạc trong chăn nuôi lại rộ lên tại nhiều địa phương trong tỉnh. Trước tình hình này, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo cho Sở NN-PTNT khẩn trương thành lập đoàn thanh tra liên ngành với nhiều đơn vị tham gia, trực tiếp xuống từng địa phương thực hiện kiểm tra toàn diện, truy quét chất cấm tại các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, điểm trung chuyển, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi gia công gia súc.

Khác với lần thanh tra trước, đoàn thanh tra lần này có sự tham gia trực tiếp của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Phòng Công an Kinh tế tỉnh. Nếu phát hiện hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, điểm trung chuyển, trang trại nuôi gia công, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi nào vi phạm, tùy theo mức độ, đoàn sẽ tiến hành xử phạt, thậm chí đình chỉ các hoạt động chăn nuôi, kinh doanh, chuyển giao hồ sơ cho các lực lượng công an Môi trường, Kinh tế điều tra, thực hiện truy xuất nguồn gốc chất cấm.

Đặc biệt, đối tượng kiểm tra lần này không chỉ giới hạn là các hộ chăn nuôi heo mà cả người chăn nuôi trâu, bò, nhất là nuôi bò vỗ béo cũng sẽ nằm trong diện kiểm tra đột xuất. Bởi hiện nay, chưa hẳn con heo mới là đối tượng bị sử dụng chất cấm, không ngoại lệ những hộ chăn nuôi bò vỗ béo cũng sẽ áp dụng phương thức này để tăng trọng thịt cho trâu bò.

PV: Song song với việc tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng của tỉnh Long An đã có những biện pháp nào để quản lý việc lưu thông, vận chuyển gia súc qua địa bàn?

Bà Đinh Thị Phương Khanh: Tỉnh Long An có vai trò như là cửa ngõ, trạm trung chuyển gia súc từ các tỉnh miền Tây Nam bộ lên TP.HCM tiêu thụ. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe chuyên chở gia súc từ các địa phương như Tiền Giang, Bến Tre về tập kết tại Long An để vận chuyển, giết mổ đưa lên TP.HCM tiêu thụ.

Để tăng cường, giám sát lưu lượng heo từ các tỉnh đổ về, Sở NN-PTNT đã đặt mua nhiều trang thiết bị, dụng cụ test nhanh, trang bị cho tất cả các chốt kiểm dịch trên địa bàn. Hiện ở các điểm trung chuyển heo, Sở đã bố trí cán bộ thú y, luân phiên túc trực 24/24h để làm công tác kiểm định, test nhanh các mẫu nước tiểu gia súc nhằm phát hiện chất cấm.

Để thuận lợi cho việc truy xuất ngồn gốc chất cấm, Sở cũng đã có văn bản yêu cầu các trạm trung chuyển khi thực hiện việc ghi chép xuất - nhập heo phải ghi rõ thêm nội dung, cung cấp tên, địa chỉ chủ vật nuôi. Nếu đơn vị nào từ chối ghi chép, cung cấp thông tin, các Trạm thú y sẽ từ chối cấp giấy phép kiểm dịch để lưu hành.

Công an là nòng cốt truy quét

PV: Bộ trưởng Cao Đức Phát mới đây nhấn mạnh “Đánh chất cấm phải đánh mạnh như đánh ma túy”. Vậy lực lượng Công an tỉnh sẽ phối hợp với đoàn kiểm tra để “đánh” như thế nào?

Bà Đinh Thị Phương Khanh: Thú thực, việc phát hiện cơ sở kinh doanh, giết mổ vi phạm, sử dụng các chất cấm không khó. Cái khó là thực hiện việc truy xuất nguồn gốc chất cấm để tìm ra đối tượng cung cấp. Lâu nay, giữa người chăn nuôi, thương lái, và người cung cấp chất cấm dường như đã có thỏa thuận ngầm với nhau nên việc yêu cầu người chăn nuôi khai ra đối tượng, đơn vị cung cấp chất cấm là rất khó.


Lấy mẫu xét nghiệm chất cấm (Ảnh: news.zing.vn)

Người chăn nuôi một khi bị phát hiện sử dụng chất cấm thường khăng khăng cho rằng mình vô tội, không hề sử dụng và sẽ tìm mọi cách đổ lỗi cho nguồn thức ăn công nghiệp gây ra. Do đó, các lực lượng chuyên môn như thanh tra Sở, thanh tra thú y có truy xuất được hộ chăn nuôi thì dường như bế tắc, không tìm ra đối tượng cung cấp.

Những gì trong phạm vi, năng lực cho phép thì lực lượng chuyên môn ngành nông nghiệp sẽ cố gắng thực hiện, còn chuyên môn nghiệp vụ cao hơn sẽ chuyển hồ sơ cho phía cơ quan công an đảm nhận điều tra tiếp để truy ra các đối tượng chủ mưu.

Hiện ở một số điểm “nóng” như huyện Châu Thành, cơ quan Công an điều tra đã cử cán bộ xuống trực tiếp các hộ chăn nuôi để nắm tình hình, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như trinh sát, thu thập thông tin, chứng cứ. Một số đối tượng cũng đang nằm trong diện nghi vấn điều tra của cơ quan công an. Phía cơ quan công an cũng đã có một số phương án, lên kế hoạch để có thể bắt quả tang việc mua bán chất cấm với người chăn nuôi để làm căn cứ xử lý.

PV: Quan điểm của bà về ý kiến đề xuất xử lý hình sự các đối tượng cố tình kinh doanh, buôn bán và sử dụng chất tạo nạc, gây hại cho người tiêu dùng?

Bà Đinh Thị Phương Khanh: Việc đề xuất tăng nặng hình thức xử lý từ phạt hành chính sang xử lý hình sự là cần thiết nhằm tăng sức nặng răn đe, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, đề nghị Bộ NN-PTNT nên thay đổi quy định về việc sử dụng chất cấm chăn nuôi trong ngưỡng cho phép, mà thay vào đó là hình thức cấm tuyệt đối việc sử dụng các chất cấm dưới mọi hình thức.

PV: Cám ơn bà!

THANH SA

Xem thêm
Huế phải tạo 'sự thay đổi về chất' trong phát triển kinh tế - xã hội

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên - Huế phải quyết tâm thực hiện 'bước nhảy', tạo sự thay đổi về chất trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

20 học sinh nhận Huân chương Lao động vì thành tích tốt tại Olympic quốc tế

Ngày 29/12, Bộ GD-ĐT tổ chức gặp mặt và tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024.