Tại buổi họp định kỳ tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 3/2023 vào sáng 3/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề cập đến vấn đề liên quan đến việc trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với khoản hỗ trợ mất việc của công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Tân Bình) mà báo chí phản ánh những ngày qua.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chủ trì phối hợp, đánh giá và có kết quả hỗ trợ người lao động mất việc, ngừng việc.
“Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, chứ không đơn giản. Một số địa bàn khi hỏi tới vấn đề này thì “không nắm”, "nói không đầy đủ". Các đồng chí cần nhìn đầy đủ vấn đề để giải quyết đúng", ông Mãi yêu cầu.
Người đứng đầu UBND TP.HCM cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ngoài việc quan tâm công tác giới thiệu việc làm, hỗ trợ, cũng cần tập trung rà soát, triển khai kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề chất lượng cao. "Nhân dịp này thì chuyển đổi nghề, “biến nguy thành cơ”", ông Mãi nói.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị Cục Thuế TP.HCM có thông tin rõ ràng về vấn đề thu thuế đối với tiền hỗ trợ mất việc cho công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam.
"Các đồng chí cần đánh giá lại, nếu cần thiết thì kiến nghị không thu khoản tiền này. Biết là chúng ta đang thực hiện theo luật, theo đúng quy định, nhưng cần phải nhanh chóng hơn, rõ ràng hơn. Tôi cho rằng số thu này không bao nhiêu, cần nghiên cứu để có đề xuất", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo vào chiều 2/3, Cục thuế TP.HCM đã cung cấp văn bản chính thức liên quan đến vấn đề trừ thuế trong khoản tiền trợ cấp thôi việc, mất việc của người lao động làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính, khoản trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội sẽ không phải tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động để tính thuế thu nhập cá nhân; nếu các khoản trợ cấp trên vượt cao hơn quy định của Bộ Luật Lao động và Luật BHXH thì doanh nghiệp chi trả có trách nhiệm tạm khấu trừ thuế theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC (10%) nếu phần chi trả vượt mức quy định của 2 bộ luật trên từ 2 triệu đồng 1 lần trở lên.
Căn cứ các quy định trên, nếu doanh nghiệp có chi trả các khoản phụ cấp, trợ cấp cho người lao động (làm việc thường xuyên từ đủ một năm trở lên) để chấm dứt hợp đồng lao động thì khoản chi theo quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.
Đối với khoản chi trả cho người lao động ngoài quy định của 2 bộ luật thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ liền lương, tiền công của người lao động, khi chi trả, doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế theo quy định, cụ thể;
Nếu khoản chi trả được chi trước thời điểm kết thúc hợp đồng lao động thì Công ty khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Nếu khoản chi trả từ 2 triệu đồng 1 lần trở lên và được chi sau thời điểm kết thúc hợp đồng lao dộng (người lao động thực tế đã nghỉ việc) thì Công ty khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10%.
Doanh nghiệp có trách nhiệm cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động theo quy định. Cuối năm tính thuế, cá nhân người lao động có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN (nếu thuộc trường hợp quyết toán thuế) theo biểu thuế lũy tiến từng phần trong toàn bộ thu nhập từ tiền lương, tiền công chịu thuế thu nhập cá nhân nhận được trong năm.
Do đó, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam khi chi trả cho người lao động khoản trợ cấp thôi việc mà mức chi cao hơn mức quy định từ 2 triệu đồng 1 lần trở lên thì có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN tỷ lệ 10% đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc chi cao hơn mức quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội (thực hiện theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC).
Ngày 25/2, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) đã có buổi tuyên truyền, họp bàn với 2.358 người lao động về những chế độ chi trả, hỗ trợ theo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trong tháng 3 do thiếu hụt về đơn hàng. Tổng số tiền hỗ trợ cho công nhân trong đợt cắt giảm lần này khoảng 275 tỉ đồng, bình quân mỗi công nhân được nhận khoảng 116 triệu đồng/người, nhiều nhất 379 triệu đồng/người, thấp nhất 12 triệu đồng/người.