Đó không phải một màn tấu hài, nên danh hài Trường Giang phải xin lỗi công chúng. Câu chuyện ấy có nét gì tương đồng với vai chính của danh hài Trường Giang trong bộ phim chiếu tết có tên gọi “Siêu sao siêu ngố” chăng?
Lối sống tiêu dùng đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nhưng cũng đẩy nhu cầu thưởng thức văn hóa vào những ngã rẽ trớ trêu. Sau trào lưu khoe thân giúp bao nhiêu cô gái hào hứng lộ hàng trở thành hotgirl lại đến trào lưu cười cợt phát sinh bao nhiêu chuyện dở khóc dở… mếu. Trong bối cảnh như vậy, có thể sản sinh ra danh hài không? Chắn chắn không! Danh hài chỉ có thể được bồi đắp ở một nền nghệ thuật theo đuổi những khát vọng cao cả. Danh hài bây giờ chỉ… chọc cho thiên hạ đỡ buồn tẻ mà thôi. Cái nghịch lý ấy có thể nhìn thấy rất rõ ở sự tàn lụi của sân khấu. Sau vài vai phụ trong hai bộ phim “Bí mật lại bị mất” và “Long đẹp trai”, Trường Giang nhận được vai thứ trong bộ phim “Lật mặt” và tiến dần vai chính trong bộ phim “49 ngày” và mới nhất là vai chính trong bộ phim chiếu tết Mậu Tuất 2018 có tên gọi “Siêu sao siêu ngố”.
Đột phá bất ngờ của Trường Giang ít nhiều cho thấy thể loại phim nhảm của nước ta đang dịch chuyển. Phim nhảm không còn hứng thú với đề tài kinh dị nữa, mà chính thức quay sang cười cợt. Chả cần nội dung, chả cần tình tiết, chỉ cần vui vẻ!
Điện ảnh chấp nhập Trường Giang là danh hài, thì truyền hình không thể bỏ lỡ cơ hội thu nạp Trường Giang. Ngoài vai trò MC cho các chương trình như “Siêu bất ngờ” và “Thiên đường ẩm thực”, Trường Giang còn cùng Trấn Thành làm chủ chương trình “Thách thức danh hài”.
Nhiều người nhận định Trường Giang đang gặp thời, nhưng Trường Giang lại cho rằng: “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là mình đang “gặp thời”. Trái lại, tôi chỉ thấy mình đang có nhiều công việc để làm, kiếm được tiền bằng chính sức lao động của mình. Nếu sống đàng hoàng, làm việc chăm chỉ, có niềm đam mê và có mục tiêu phấn đấu tôi tin rồi ai cũng sẽ “gặp thời” thôi!”.
35 tuổi, không phải quá trẻ để thành một danh hài, nhưng con đường đến hôm nay của Trường Giang cũng đầy chông chênh và éo le.
Trường Giang sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Quảng Nam di cư vào Đồng Nai. Sau khi thi trượt vào khoa Sư phạm trường ĐH Đồng Nai, Trường Giang lên Sài Gòn ghi danh vào trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Tất nhiên với ngoại hình bình thường và chất giọng khó nghe của Trường Giang thì không ai dám tin anh sẽ thành công trong nghề diễn.
Nhà nghèo, không có sự hỗ trợ từ hậu phương, Trường Giang phải đi làm bồi bàn để kiếm sống. Cuộc sống lấm láp nơi đô hội cũng dạy cho Trường Giang nhiều điều bổ ích, mà quan trọng là hun đúc cho Trường Giang ý chí để vươn lên.
Lao động cực nhọc để mưu sinh, Trường Giang vẫn kiên định bám lấy sân khấu bằng những vai quần chúng. Không diễn chính kịch được thì diễn hài kịch. Trường Giang kiên nhẫn học việc ở Sân khấu Nụ Cười Mới cho đến ngày được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mời tham gia live show “Bước chân miền Trung”. Một live show chỉ có hát thì cũng đâu có chiêu trò tương xứng với đẳng cấp chơi trội của “ông hoàng nhạc Việt”. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng muốn có một tiểu phẩm hài, để mình cũng được làm diễn viên thượng thặng. Đáp ứng yêu sách ấy, Trường Giang đã viết kịch bản “Khó” và được đứng chung sân khấu với Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly và Hoài Linh. Ba vai diễn kia đều mờ nhạt, chỉ riêng vai ông già nói tiếng Quảng phát huy được sở trường của Trường Giang.
Thực ra, vai ông già nói tiếng Quảng của Trường Giang chỉ hay ở ngôn ngữ đặc trưng vùng miền. Chữ “nói” thành chữ “núa” qua cách diễn mộc mạc của Trường Giang bỗng gây cười, vì công chúng thấm thía sự đa dạng trong khác biệt phát âm ở mỗi địa phương. Trường Giang đã dịch tiếng Quảng sang… tiếng Việt và thành công qua tiểu phẩm “Khó”. Thật may, tiểu phẩm “Khó” không chỉ tồn tại trong live show vài trăm khán giả, mà được tung lên mạng Youtube có hàng triệu người xem, nên tên tuổi Trường Giang nóng dần lên.
Từ một diễn viên quần chúng mỗi show chỉ được trả 50 ngàn đồng, Trường Giang vụt biến thành một danh hài mỗi show được trả vài chục triệu. Riêng vai trò MC hoặc giám khảo trên truyền hình, mỗi buổi quay cát-xê của Trường Giang đã đạt con số 50 triệu đồng.
Chàng trai quê mùa đã thay đổi số phận chăng? Trường Giang suy tư một cách thành thật: “Tôi chỉ gột rửa chất nông thôn khi trên sân khấu, buộc phải hóa thân vào những nhân vật khác nhau. Còn ngoài đời, có sao tôi sống vậy. Tôi còn thích cái chất quê đó nữa, vì đó là bản chất của mình. Tôi xuất thân nghèo khó, từ nhỏ đã làm nhiều nghề để sống nên gốc gác mình sao cứ để vậy. Hơn nữa, bất cứ thứ gì đã ăn sâu vào máu thịt, đã là bản chất rồi thì làm sao gột rửa được. Có lẽ vì chất quê đậm đặc ấy mà ngay lần xuất hiện trong tiểu phẩm “Khó”, tôi đã được khán giả thương”.
Trường Giang đã “núa” đúng theo kiểu giọng Quảng của anh. Gần như đối lập với sự son phấn đương thời, Trường Giang mang lên sân khấu sự chất phác và sự giản dị nên “khán giả thương”. Công chúng nhận ra ở Trường Giang một thứ tếu táo của đời thường, tiếng cười bật ra trong cơ cực và lầm lũi, tiếng cười chan hòa giữa âu lo cơm áo và mơ ước lương thiện!
Trước khi xuất hiện trong tiểu phẩm “Khó”, Trường Giang hoàn toàn vô danh. Thậm chí Trường Giang lúc ấy còn khốn khổ như anh thổ lộ: “Mang mặt dày đi mượn bạn bè hai triệu đồng để trả tiền nhà trọ, tôi thấy nhục nhã lắm! Thằng đàn ông 30 tuổi mà không có nổi hai triệu đồng, phải năn nỉ xin khất rồi chạy vạy đi vay… Tôi đã khóc cho số kiếp của mình”.
Vì vậy, sự thành công bây giờ của Trường Giang cũng có thể xem như một tấm gương nỗ lực lao động dành cho các bạn trẻ đam mê nghề diễn. Trường Giang sau tiểu phẩm “Khó” đã hết… khó. Thế nhưng, Trường Giang có thể trở thành một danh hài thực sự không, vẫn còn là ẩn số. Cái hào quang mà những chương trình truyền hình đang đem lại cho Trường Giang chỉ mang tính nhất thời. Cái ghế nóng của các chương trình tương tác, chưa bao giờ đồng nghĩa với tài năng, mà chỉ khẳng định thị hiếu của đám đông đối với nhân vật đang “hot”.
Muốn trở thành danh hài thực sự, Trường Giang phải đứng trên sân khấu hài. Một tiểu phẩm “Khó” không đủ bảo chứng một tài năng. Và cả lối diễn chọc cười bằng cách chọn trang phục xộc xệch, đi cũng kéo quần mà đứng cũng kéo quần như Trường Giang đang áp dụng, sẽ nhanh chóng nhàm chán thôi. Trường Giang cũng biết lượng sức mình, và có lẽ cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi hơn, khi bộc bạch: “Trước khi bước ra sân khấu, tôi là số không. Và có thể sau đó, những tràng vỗ tay của khán giả sẽ nói thay vị trí của tôi đang ở đâu. Tôi biết tôi là ai, ở vị trí nào nhưng hãy để khán giả nhận xét sẽ chính xác hơn”.