| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng du lịch đồng quê

Thứ Hai 01/03/2021 , 14:04 (GMT+7)

Những năm qua, Hòa Bình đã quan tâm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được quan tâm đầu tư, phát triển tương đối nhanh. Hòa Bình đã xây dựng được các trang trại, khu sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm phục vụ du khách như rau hữu cơ ở Tân Lạc, cam Cao Phong, Lạc Thủy, khu nuôi các lồng trên hồ Hòa Bình…; xây dựng được mô hình trang trại phục vụ nghỉ dưỡng và trải nghiệm cho du khách như Trang viên đồng nội, Nông trại vui vẻ ở huyện Lương Sơn, trang trại nuôi bò kết hợp trải nghiệm giáo dục, sinh thái ở TP. Hòa Bình, Eco farm ở Kim Bôi.

Những năm qua, loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được quan tâm đầu tư, phát triển tương đối nhanh. Ảnh: TL

Những năm qua, loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được quan tâm đầu tư, phát triển tương đối nhanh. Ảnh: TL

Ngành du lịch Hòa Bình cũng đã xây dựng các tour du lịch văn hóa gắn với trải nghiệm nông nghiệp; du lịch homestay hoạt động rất hiệu quả, có nhiều điểm được công nhận danh hiệu Du lịch cộng đồng ASEAN, nhiều hộ gia đình hoạt động du lịch cộng đồng phục vụ hàng nghìn khách du lịch mỗi năm…

Hòa Bình có nhiều mô hình hoạt động nông nghiệp nông thôn như HTX ở bản Lác, xã Hang Kia (Mai Châu); Chi hội ở bản Mu, Khướng, Mòn, Sát Thượng (Lạc Sơn); Công ty CP Du lịch Cộng đồng Đà Bắc,… Hiện, Hòa Bình có 157 cơ sở lưu trú homestay, thu hút khoảng 1.000 lao động (800 lao động trực tiếp).

Năm 2019, loại hình du lịch cộng đồng ở Hòa Bình đã phục vụ khoảng 471.000 lượt khách, chiếm 15,1% tổng lượng khách của Hòa Bình (một nửa trong số đó là khách quốc tế). Mục tiêu của Hòa Bình đến năm 2030 là thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng 290 cơ sở lưu trú homestay; đón và phục vụ 1,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ du lịch cộng đồng sẽ chiếm 20% tổng thu từ du lịch của tỉnh.

Trên thực tế, Hòa Bình đã ban hành nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại các khu vực miền núi, khu đồng bào dân tộc thiếu số. Đặc biệt, để phát triển loại hình du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng sẵn có và kết hợp hiệu quả với xây dựng nông thôn, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.

Tỉnh Hòa Bình chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Cùng đó, khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm xúc. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, từ đó khai thác tốt tiềm năng về văn hóa, môi trường, cảnh quan, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Là một trong những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh, bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP Du lịch Cộng đồng Đà Bắc (Đà Bắc CBT) chia sẻ, Đà Bắc là một huyện vùng cao nghèo của tỉnh với các nhóm dân tộc chính là Tày, Mường, Dao, Kinh và Thái. Thu nhập bình quân đầu người của huyện thấp, khoảng 14,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ nghèo theo tiêu chí mới của Việt Nam năm 2013 là 54,52%.

Một trong những hình ảnh tại khu du lịch của Đà Bắc CBT. Ảnh: TL

Một trong những hình ảnh tại khu du lịch của Đà Bắc CBT. Ảnh: TL

Với sinh kế của người dân chủ yếu là từ cây lâm nghiệp, diện tích canh tác lúa của huyện khá hạn chế, chỉ hơn 925,5 hecta. Tại nhiều xã của huyện, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo lương thực do thiếu đất canh tác. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra cho các lãnh đạo và người dân địa phương là tìm ra các phương án sinh kế bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế để gia tăng thu nhập cho người dân huyện Đà Bắc.

“Theo kết quả khảo sát nghiên cứu cho thấy tiềm năng lớn trong việc xây mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Đà Bắc với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và tổ chức các loại hình du lịch hấp dẫn, thu hút các nhóm khách hàng trong nước và quốc tế ở nhiều lứa tuổi. Dự án ”Du lịch cộng đồng” (DLCĐ) huyện Đà Bắc đã được khởi động từ tháng 6/2014” bà Hảo cho biết.

Mô hình DLCĐ huyện Đà Bắc được triển khai thực hiện tại 4 xóm của 3 xã tại huyện Đà Bắc (xóm Đá Bia, xóm Mó Hém – Tiền Phong, xóm Ké – Hiền Lương và xóm Sưng – Cao Sơn).

Sau 6 năm triển khai mô hình, tổ nhóm cung cấp dịch vụ DLCĐ tại 3 đã được hình thành và triển khai sẽ tiếp tục thu hút thêm các hộ dân trong cộng đồng tham gia. Hiện nay đã có hơn 180 thành viên của 142 hộ tại 4 xóm tham gia vào các tổ nhóm hoạt động DLCĐ.

Bà Hảo cho biết thêm, từ khi đi vào hoạt động đã thu hút được 10.313 lượt khách (36% là khách nội địa, 64% khách quốc tế). Lượng khách du lịch hàng năm ngày càng tăng. Đặc biệt, sau khi chuyển đổi thành Doanh nghiệp, Đà Bắc CBT ký hợp tác với một số công ty du lịch như Intrepid Việt Nam, EXO Travel, Learning Project, các doanh nghiệp xã hội khác... giúp gia tăng đáng kể nguồn khách nước ngoài.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, qua 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 57/131 xã đạt chuẩn NTM; 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 39 khu dân cư kiểu mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Lương Sơn đạt chuẩn NTM; huyện Lạc Thủy đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đạt chuẩn NTM năm 2020. Toàn tỉnh đã xây dựng và làm thủ tục công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên cho 58 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm du lịch.

Những kết quả đó đã tạo nên các vùng quê đáng sống với cảnh quan nông thôn tươi đẹp, cùng những sản vật nông nghiệp đặc trưng, đa dạng, níu chân khách thập phương, như: bản Lác - Mai Châu, điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong - Đà Bắc; vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung ở Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy; vùng nuôi cá lồng tập trung trên hồ Hòa Bình.

Bên cạnh đó là lễ hội cây ăn quả có múi, lễ hội cam Cao Phong; các trang trại, HTX kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với du lịch trải nghiệm... và 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh, nhiều công trình văn hóa, danh thắng, làng nghề truyền thống trải rộng trên khắp địa bàn tỉnh đã cho thấy Hòa Bình là điểm đến lý tưởng, có thể phát triển du lịch bền vững, nhất là trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.