Đạo diễn Lý Minh Thắng từng được công chúng biết đến qua hai bộ phim ăn khách “Mẹ chồng” và “Sài Gòn anh yêu em”. Vì vậy, đạo diễn Lý Minh Thắng vừa lên ý tưởng thực hiện bộ phim “Công tử Bạc Liêu” đã có nhà sản xuất bỏ vốn đầu tư.
Đạo diễn Lý Minh Thắng chia sẻ: “Làm phim là cơ hội tuyệt vời để những nhà làm phim khám phá được nhiều mới mẻ mới mẻ gây hứng thú cho người xem. Tôi rất thích kể những câu chuyện tình cảm, tâm lý, khai thác những tâm tư bên trong của các nhân vật bên ngoài thực tế xã hội”.
"Công tử Bạc Liêu" là dự án điện ảnh đầu tiên được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp phép quay phim, với mục đích góp phần quảng bá những dấu ấn văn hóa đặc sắc của địa phương lên màn ảnh rộng. Bản quyền tên phim “Công tử Bạc Liêu” cũng đã được đạo diễn Lý Minh Thắng đăng ký độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ.
Danh xưng “Công tử Bạc Liêu” được nhiều người Việt Nam biết đến từ lâu. Danh xưng “Công tử Bạc Liêu” vừa ngạo nghễ vừa hấp dẫn vì có gốc tích từ một người có thật là Trần Trinh Huy.
Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy (1900-1974) là con trai thứ hai trong số 7 người con của ông Trần Trinh Trạch (1872-1942, cự phú nổi tiếng bậc nhất Nam bộ nửa đầu thế kỷ 20).
Có rất nhiều giai thoại được thêu dệt xung quanh cuộc đời của ông Trần Trinh Huy. Trong bài hát “Bạc Liêu hoài cổ”, nhạc sĩ Thanh Sơn từng nhắc: “Dân gian ca rằng Bạc Liêu là xứ cơ cầu/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu/ Nghe danh công tử Bạc Liêu, đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.
Tuy nhiên, nhà văn Phan Trung Nghĩa, người sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu đã dành nhiều thời gian để viết cuốn sách “Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại” thì cái danh xưng “Công tử Bạc Liêu” được xã hội hóa và gọi chung cho tất cả những “địa chủ con” gồm những công tử có máu ăn chơi danh bất hư truyền.
Đạo diễn Lý Minh Thắng làm phim “Công tử Bạc Liêu” có một thuận lợi rất lớn là nơi ở của ông Trần Trinh Huy bây giờ vẫn tồn tại tại số 13 đường Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu.
Dinh thự của công tử Bạc Liêu được kiến trúc sư Pháp thiết kế, xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919. Sau hơn 100 năm, dinh thự công tử Bạc Liêu hiện tại vẫn còn khá kiên cố, một phần được làm Khách sạn Công tử Bạc Liêu và một phần được làm Bảo tàng Công tử Bạc Liêu.