| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình - Quay quắt dưới nắng “ba trưa”

Đào giếng nước dưới... đáy sông

Thứ Sáu 03/07/2020 , 17:55 (GMT+7)

Nhiều giếng, khe, suối (sông) cạn nước. Thầy cô giáo nảy sáng kiến đào đáy sông thả bi tròn đúc bằng xi măng đào giếng để kiếm nước sinh hoạt...

Con suối Vàng chảy qua bản Xà Khía đã khô cạn nước. Ảnh: M. Tình.

Con suối Vàng chảy qua bản Xà Khía đã khô cạn nước. Ảnh: M. Tình.

Ông Hồ Văn Bày, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy - Quảng Bình) cho biết: “Người dân xã miền núi chúng tôi sử dụng các nguồn nước tự chảy và nước các con sông suối tự nhiên chảy qua địa bàn. Nhưng khoảng từ tháng 4, các con suối chảy qua đều đã cạn nguồn. Vì vậy bà con phải đi lấy nước nơi xa hoặc đào giếng ngay dưới lòng sông để có nước dùng”.

Khe suối khô hạn trơ đá cuội

Ông Hồ Văn Bày cho hay, trên địa bàn xã Lâm Thủy có gần mười khe, suối chảy qua giữa các thôn bản. Những con suối này cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tưới cho cây trồng. 

Mấy năm gần đây, nắng nhiều quá khiến hạn xảy ra liên tục. Như năm nay, nắng nóng kéo dài và cả mấy tháng không thấy giọt mưa nào nên hiện giờ nước khe suối cũng đã dần khô kiệt.

“Chưa năm nào nắng gay gắt như năm nay”- ông Bày nói rồi cởi phanh ngực áo, lấy cái mũ đội trên đầu xuống quạt lấy quạt để. Suối quanh bản dần kiệt khô, bà con phải gùi can nhựa đi ra gần đầu ngọn suối Xà Khía, nơi có nguồn đổ về bên kia núi xa mấy cây số để lấy nước mang về nấu nướng.

“Họ phải đi từ lúc con gà gáy để về trước lúc mặt trời chưa lên con sào nhằm tránh nắng. Nhiều người còn gánh áo quần, chăn màn... tranh thủ giặt giũ luôn. Nhìn bà con khổ lắm”- ông Bày bộc bạch.

Các thầy ở trường đào đáy sông làm giếng. Ảnh: M.Tình.

Các thầy ở trường đào đáy sông làm giếng. Ảnh: M.Tình.

Trước đây, ở một số bản, bà con có điều kiện hay được dự án hỗ trợ làm cho cái giếng khoan. Nhưng hạn quá, nguồn nước giếng khoan cũng cạn luôn. Những giếng nào có nước thì khi bơm lên, nước bị nhiễm phèn bốc mùi, màu nước cứ vàng nhờ nhợ, không thể dùng được.

Bản Xà Khía (xã Lâm Thủy) nằm trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, có 65 hộ với 250 nhân khẩu, trong đó trên 86% số hộ là người dân tộc Vân Kiều. Việc thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô luôn khiến bà con lo lắng.

Theo ông Hồ Văn Do, Bí thư Chi bộ bản Xà Khía, bà con ở đây dùng nước giếng khoan, nước suối chảy qua bản và có một hệ thống nước tự chảy bắt nguồn từ đầu ngọn suối Xà Khía dẫn về giữa bản.

“Nhưng nay, nguồn nước suối cung cấp cho toàn bản đã cạn kiệt từ tháng 4 rồi. Mà từ đó tới chừ, trời không có mưa. Có hôm thấy trời có mây, dông sét nổi lên ầm ầm. Mọi người ai cũng mừng. Nhưng rồi, cũng không mưa nổi mô”- ông Do nói.

Mấy hộ ở đây có vòi nước tự bắt đầu nguồn, mà trên nguồn cứ khô hạn dần. Vòi nước chảy đầy rồi cứ yếu dần. Đến lúc, hứng xô vào cả tiếng đồng hồ mới đủ nước xách về. Vậy là, bà con phải dùng can, chai nhựa đi qua suối xa lấy nước mang về.

Ông Hồ Văn Bày cũng mong muốn, để hỗ trợ cho bà con, huyện, tỉnh đầu tư cho nước sạch về tận thôn, bản, có công trình nào đó lấy nguồn nước từ đầu nguồn suối Xà Khía xa hơn nữa thì nguồn nước mới dồi dào. “Khi có nước về, mỗi nhà làm 1 bể chứa nước dự trữ. Vậy là bà con yên tâm có nước sạch để dùng”- ông Bày hy vọng.

Bắt đường ống dẫn nước về trường. Ảnh: M.Tình.

Bắt đường ống dẫn nước về trường. Ảnh: M.Tình.

Giếng ở đáy sông

Có lẽ, chỉ có duy nhất ở vùng cao Lâm Thủy mới có cây chuyện đào giếng ở đáy sông.

Chuyện bắt đầu từ Trường phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy. Cách đây mấy tháng, khi nhánh con suối Xà Khía chảy qua gần trường uể oải vặn mình rồi nhiều đoạn biến mất vào lòng đất. Con suối trong, nước cuồn cuộn đổ về mới ngày nào giờ chỉ còn những tảng đá lớn nhỏ sin sít xếp cạnh nhau.

Trường có trên 200 học sinh bán trú nên lượng nước phục vụ cho ăn, uống, vệ sinh, tắm rửa rất lớn. Các thầy cô giáo cũng không đủ sức mang gùi, can đi xa để lấy nước về phục vụ cho học trò được…

Một ngày cuối tuần, không về nhà như mọi lần, thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển, Hiệu trưởng trường đội nắng đi dọc con suối Vàng (một nhánh suối Xà Khía) đã khô cạn. Đến bên đoạn suối còn lại vũng nước cáu đục, thầy suy nghĩ mông lung lắm. Sáng hôm sau, giao ban tuần, thầy bàn với các thầy cô mua bi tròn (đúc bằng xi măng) đưa về để đào giếng ở… đáy sông.

Giếng nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: M.Tình.

Giếng nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: M.Tình.

Mấy hôm sau, bi giếng được đưa về, các thầy lăn ra suối và bắt tay đào giếng sát vũng nước đục. Tiếng là đào giếng nhưng thực ra là đào đá vì dưới đó chỉ có đá nhiều hơn đất cát.

Hì hục giữa nắng, hết ngày này qua ngày khác, khoảng tuần lễ thì công trình nước được hoàn thành. Giếng nước độc đáo này sâu gần 2m, bi giếng có đường kính hơn 1 m. Đặt bi xong, nước trong giếng bi có được ngay nhưng đục ngầu.

Hôm sau, mờ sáng, thầy ra xem giếng và “oa” lên một tiếng thật lớn, nước trong giếng đã trong. Thầy vốc lên rửa mặt, nước mát lạnh và không có mùi. Ngay sau đó, hệ máy bơm nước, hệ thống ống dẫn dài gần 300 m về trường được đầu tư nhanh chóng bằng nguồn trích từ lương ủng hộ của các thầy cô với gần chục triệu đồng.

Tiếng máy bơm chạy ro ro và nguồn nước mát trong đã được xả về bể nước của trường. Nhà trường có 1 bể 50m3, từ đó đưa lên các khu nhà vệ sinh để tắm rửa, đường bơm về khi nội trú của giáo viên, khu cấp dưỡng để nấu ăn cho học sinh. Phần nước dùng để nấu ăn được lọc qua trước khi sử dụng.

Mỗi lần bơm được chừng vài chục phút là đầy bể. Khi đó, nước giếng chỉ thấy bớt đi một chút chứ không hề bị cạn. Ngừng bơm một lúc, là nước giếng lại đầy ăm ắp. “Vậy là bài toán nước sinh hoạt cho học sinh và giáo viên đã được giải quyết”- thầy giáo Hiển vui mừng nói.

Nước giếng đáy sông được đưa về khu nội trú của trường. Ảnh: M.Tình.

Nước giếng đáy sông được đưa về khu nội trú của trường. Ảnh: M.Tình.

Ở khu nội trú giáo viên, sau mỗi bữa cơm tập thể, các thầy cô giáo lại mỗi người một việc. Thầy hứng nước, cô dọn bát đĩa, ai cũng thấy tự hào vì đã góp chút công sức đưa nước về trường.

Nói chuyện về giếng nước ở đáy sông, thầy giáo Ngô Mậu Tinh cho hay, giếng có nắp đậy bằng tấm xi mắng đúc, vừa giữ được vệ sinh và tránh được trâu, bò phá.

“Khi mùa mưa đến, giếng chìm dưới đáy sông, nhờ nắp đậy này nên giếng sẽ không bị đất cát lấp. Đến mùa hạn lại lắp bơm vào để dùng”, thầy giáo Tình cho biết.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.