| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Quay quắt dưới nắng “ba trưa”

Giữ rừng trước “hỏa diệm sơn”

Thứ Năm 02/07/2020 , 13:02 (GMT+7)

Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng… luôn canh trực 24/24 giờ để canh lửa cho những cánh rừng trong mùa khô hạn nặng…

Chòi canh lửa trên đồi cát để giữ những cánh rừng phòng hộ ven biển Quảng Bình. Ảnh: N. Tâm

Chòi canh lửa trên đồi cát để giữ những cánh rừng phòng hộ ven biển Quảng Bình. Ảnh: N. Tâm

Trên đồi cát trắng, nắng như rang trong chảo. Không có kính mát nhìn ra trảng cát dưới nắng chỉ một lúc là lóa mắt. Bác Nguyễn Độ (Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Quảng Bình) người đen như củi cháy vì nắng gió vớ can nước uống ừng ực rồi nói với chúng tôi: “Thay phiên nhau để ngồi trực canh như vậy. Cứ uống nước được lúc là người lại ráo khô ngay”.

Canh rừng trên cát nóng

Từ con đường cát bụi đi ngược lên chòi canh được đặt trên đồi cát cao đi khoảng hai chục phút. Chỉ chừng đó mà đôi giày da dưới chân tôi đã bén nóng của cát đốt vào bàn chân như đi vào chảo lửa nóng. Trên cát, nhiệt độ ngoài trời cũng dễ đến 50 độ C.

Chòi canh lửa được dựng tạm bằng thân cây phi lao và mái che bạt. Anh em phải kiếm rơm rạ, cành cây phi lao phủ kín lên để che nắng cho đỡ nóng. Dù ngồi trong chòi, nhưng nắng cứ ngót lên. Cảm tưởng như bộ áo quần đang mặc sắp khô giòn vỡ vụ ra. Thi thoảng, những cơn gió Lào (gió Tây Nam) thổi tới rát rạt. Gió thổi cũng chỉ càng nóng hơn chứ không hề mát chút nào.

Ba anh em ngồi trong chòi, nhìn ra ba hướng khác nhau để có thể phát hiện khói lửa bốc lên từ rừng phi lao chắn cát. Phóng tầm mắt ra xa, những khoảng rừng phi lao bị nắng nhuộm chuyển từ màu xanh biếc sang xanh bạc. 

“Có nhiều cây lớn không chịu nổi nhiệt đã chết khô rồi đó”- bác Đô nói. Cả ba người đen chát như nhau, chỉ có đôi mắt là sáng lên khi nói về chuyện giữ rừng trước lửa. 

Bác Đô bảo, ngồi trong chòi người không có mồ hôi vì mồ hôi tứa ra cũng bị nắng nóng làm bốc hơi ngay nên cứ nhơm nhớm quyện bụi cát bám khắp mặt mũi chân tay. Buổi sáng, anh em dậy từ 4 giờ, cõng nước, cơm trưa lên chốt ngồi canh như thế. “Tính ra mỗi ngày mỗi người phải cõng theo chục lít nước mà phải uống dè sẻn mới đủ đó. Vì giữa chừng hết nước cũng chịu. Từ khu dân cư ra chòi canh đi hơn giờ đồng hồ dưới nắng trên cát thì chỉ có chết khô thôi”- bác Đô nói như tự sự.

Cắm thêm biển báo canh lửa ở những cửa rừng gần khi dân cư tại huyện Tuyên Hóa. Ảnh: N. Tâm

Cắm thêm biển báo canh lửa ở những cửa rừng gần khi dân cư tại huyện Tuyên Hóa. Ảnh: N. Tâm

Từ chòi canh, khi phát hiện đám cháy là dùng điện thoại báo ngay về Ban để huy động nhân lực đi dập lửa cứu rừng.

Theo ông Trần Anh Tú, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình (BQL) thì tổng diện tích rừng trên cát đơn vị quản lý là hơn 13.000 ha. Trong đó, có hơn 2.000 ha là rừng phòng hộ, diện tích còn lại là rừng sản xuất. 

Hệ thống rừng trồng ven biển Nam Quảng Bình nằm ở giữa, xung quanh là dân cư sinh sống. Do đó, việc kiểm soát người ra vào rừng gặp rất nhiều khó khăn. 

“Hiện chúng tôi có 6 chốt, chòi canh và bố trí lực lượng canh giữ suốt đêm ngày. Tất cả đều nằm trên đồi cát nóng. Đồng thời, đơn vị chuẩn bị các điều kiện, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy”- ông Tú cho biết.

Khoảng 12 giờ trưa, có mặt tại rừng phi lao, tràm chắn cát dọc biển, ông Phạm Văn Hoàn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1 của BQL dẫn các anh em trong trạm vượt qua đồi cát bỏng rát để vào chòi canh. 

Trời nắng như đổ lửa, gió Lào đang thổi mạnh, dưới tán rừng lớp thực bì và cỏ khô ken dày. Ông Hoàn dặn: “Anh em vào rừng tuyệt đối không được hút thuốc hoặc mang theo các vật dụng dễ cháy. Vì nếu sơ suất có thể làm rừng cháy bất cứ lúc nào”.

Lực lượng kiểm lâm Quảng Bình cùng các chủ rừng triển khai các biện pháp PCCCR tại chổ. Ảnh: N.Tâm

Lực lượng kiểm lâm Quảng Bình cùng các chủ rừng triển khai các biện pháp PCCCR tại chổ. Ảnh: N.Tâm

Lo lắng cánh rừng thông

Từ phía bắc đi vào Quảng Bình, qua đèo Ngang là những cánh rừng thông chạy sán sát biển lên chạm dãy Trường Sơn.

Liên tục những ngày qua, nắng nóng, khô hanh kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn. Xã Quảng Kim là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn ở huyện Quảng Trạch. 

Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) nhưng hàng năm số vụ cháy rừng ở đây vẫn còn rất cao. 

Ông Phan Thanh Hóa, Chủ tịch UBND xã Quảng Kim cho biết, hiện có gần 380 ha rừng. Mới đây, trên địa bàn xã cũng đã xảy ra một vụ cháy rừng nhỏ. Nhờ phát hiện và chữa cháy kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. 

Ông  Hóa cho biết: “Đặc biệt nhất là trong những tháng 6 và tháng 7, 8 được xem là nắng nóng đỉnh điểm của năm nên xã đã hợp đồng với 2 người dân địa phương để tăng cường công tác PCCCR”.

Năm  ngoái, huyện Quảng Trạch xảy ra nhiều vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 100 ha rừng (chủ yếu là rừng thông). Trước nguy cơ cháy rừng cao ở các địa phương trong mùa nắng nóng, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCCCR và xây dựng các phương án phòng chống cháy.

Theo ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, với phương châm "phòng ngừa là chính", UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, chủ rừng đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong PCCCR. 

“Hiện các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ rừng đã bố trí lực lượng canh phòng, thường xuyên tuần tra tại những nơi có nguy cơ cháy rừng xảy ra để sẵn sàng đối phó khi có đám cháy xảy ra”- ông Đạt nhấn mạnh.

 Triển khai mô hình chữa cháy rừng bằng xe bán tải cơ động tại Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm

 Triển khai mô hình chữa cháy rừng bằng xe bán tải cơ động tại Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm

Trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa vắng vẻ suốt ngày. Ông Trần Khánh Linh, Giám đốc Ban cho hay, toàn bộ lực lượng đã vào rừng hoặc trực tại các điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao để phòng chống. 

Gần 28.000 ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện đang bị đe dọa trong mùa hạn hán. “Ngoài việc kiểm tra, tuyên truyền người dân ra vào rừng, chúng tôi huy động toàn lực lượng nhân viên, cán bộ cắm chốt, tuần tra 24/24 giờ. Đồng thời tăng cường việc cắm các biển, bảng cấm lửa ở các địa bàn trọng điểm. Các trạm bảo vệ rừng thực hiện phương châm “ phòng chống cháy rừng tại gốc”- ông Linh cho biết thêm.

Trước thực trạng báo động đỏ về nhiệm vụ PCCCR, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình cũng đang căng hết sức mình trong nhiệm vụ quan trọng này. Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã liên tục về các địa phương để nhắc nhở anh em rốt ráo triển khai nhiệm vụ mang tính cấp bách. 

“Lực lượng kiểm lâm các địa phương luôn trong trong trạng thái cơ động để canh và thực hiện chữa cháy rừng. Chúng tôi đã thành lập những tổ, đội cơ động với những phương tiện, thiết bị có được nhằm đến điểm phát lửa nhanh nhất nhằm hạn chế lây lan ban đầu và huy động lực lượng chống cháy khi có tình huống xấu xảy ra”.- ông Long nói.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.