| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nghề hay lừa học viên?

Thứ Ba 27/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Học viên sau khi đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề sửa chữa điện thoại di động đã kéo đến trụ sở đòi lại tiền học phí...

Quảng cáo trên trời

Một nhóm học viên sau khi đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề sửa chữa điện thoại di động do Viện Công nghệ Điện tử - Di động Chất lượng cao SG chiêu sinh khóa đầu tiên, bức xúc kéo đến trụ sở chính (tại số 17 Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) đòi lại tiền học phí vì lý do chương trình giảng dạy và điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị này không đúng như quảng cáo trên mạng.

Theo trình bày của các học viên, khi tìm hiểu trên mạng Internet thấy Viện Công nghệ Điện tử - Di động chất lượng cao SG đang mở chương trình đào tạo khóa sửa chữa điện thoại di động với lời quảng cáo sẽ tạo dựng cho bạn tương lai vững chắc; siêu giảm học phí và bao ra nghề; nếu công ty không đảm bảo việc làm sẽ hoàn trả lại 100% học phí…

Nghe những lời quảng cáo đầy “mê hoặc” nên nhiều người hào hứng đăng ký khóa đào tạo với mức học phí 11.100.000đ/khóa (4 tháng). Thời gian nhập học bắt đầu từ ngày 10/6/2015.

13-14-50_nh-2
Viện Công nghệ Điện tử - Di động chất lượng cao SG quảng cáo trên mạng

Tuy nhiên, khi vừa nhập học được khoảng 3 tuần thì các học viên thấy nội dung giảng dạy cũng như điều kiện về cơ sở vật chất của Viện không đáp ứng được quá trình học nghề đảm bảo chất lượng như quảng cáo rầm rộ trên mạng.

Học viên Thái Hòa bức xúc: “Khi chúng tôi vào học thì thấy thiếu rất nhiều trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc học tập như máy khò, máy hàn, đồng hồ đo và điện thoại để thực hành. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng không đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật, không có giáo trình để hướng dẫn học viên về cả lý thuyết lẫn thực hành khiến chúng tôi chẳng biết học kiểu gì”.

Theo Hòa, thực tế khi học viên thắc mắc về một số kiến thức, kỹ thuật cơ bản sửa chữa điện thoại nhưng giáo viên lúng túng không trả lời được rồi chỉ nói về nhà tra google thì biết (?).

Thậm chí, hầu hết thời gian trên lớp, giáo viên chỉ ngồi chơi và lướt mạng, bỏ mặc các học viên tự trao đổi hướng dẫn nhau và phải tự mày mò học. Do vậy, nhiều lần các học viên trong lớp đã bức xúc kiến nghị lên cán bộ quản lý của Viện nhưng chờ mãi vẫn không thấy câu trả lời.

13-14-50_nh-3
Bỏ mặc học viên ngồi tự mày mò nghiên cứu, giáo viên ngồi chơi game online trong giờ lên lớp

Thậm chí, cả lớp đã phải viết đơn phản ánh về tình trạng giảng dạy của giáo viên “kém chất lượng”, nhưng chờ khoảng hơn 10 ngày sau mới thấy ông giám đốc Hoàng Ngọc Phương xuất hiện rồi chỉ nghe hứa sẽ chấn chỉnh và cải thiện chương trình đào tạo. Tuy nhiên, sau đó các học viên vẫn không hề thấy bất cứ sự thay đổi nào như lời “hứa” của ông giám đốc Phương.

Quá bức xúc, ngày 20/7/2015 khi các học viên vừa tiếp tục nộp đơn khiếu nại lần thứ 2 thì lập tức ông giám đốc Phương vào lớp lớn tiếng chửi bới, quát tháo ầm ĩ, rồi bắt bẻ lại những thắc mắc của từng học viên và dọa sẽ ra quyết định buộc thôi học nếu ai trong lớp cố tình cãi ngang.

Đồng thời ông Phương còn bắt buộc các học viên phải nghiêm túc tuân thủ theo “nội quy” của Viện. “Nhân dịp gặp được ông giám đốc Phương, chúng tôi đã yêu cầu phải có giáo trình học tập và sắp xếp thời gian biểu cho từng môn học. Tuy nhiên, ông Phương đã không chấp nhận còn yêu cầu chúng tôi phải chấp hành theo phương pháp đào tạo riêng của Viện”, học viên Nguyễn Thành Trung ấm ức nói.

Cố tình né tránh

Theo các học viên, việc đăng ký khóa đào tạo nghề này là do tình cờ đọc được thông tin quảng cáo trên mạng Internet. Hầu hết các học viên đều đến từ các tỉnh và có hoàn cảnh khó khăn phải thuê phòng trọ để hàng ngày đi học mong kiếm được cái nghề mưu sinh cho bản thân và gia đình.

Cầm tờ hóa đơn trên tay, Nguyễn Thành Trung (Long Khánh, Đồng Nai) ấm ức: “Trước khi vào học ở đây tôi làm nghề bán rau, nhưng công việc cho thu nhập thấp và bấp bênh. Tình cờ có lần đọc được thông tin trên mạng thấy quảng cáo quá nên tôi đã quyết định vay đủ tiền đóng học phí để nhập học, nào ngờ…!”.

Tương tự, anh Phạm Phú Quốc (Trà Vinh) làm nghề phục vụ quán ăn tại quận Bình Thạnh với số tiền thu nhập ít ỏi, chỉ vì nghe lời quảng cáo đã ráng “chạy” đủ tiền đóng học phí để theo đuổi đam mê nghề sửa chữa điện tử, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ tiền mất, nghề học cũng chẳng xong.

13-14-50_nh-4
Những học viên đang tập trung đòi gặp giám đốc Phương để giải quyết sự việc

Đặc biệt, trường hợp của Châu Quốc Lập, đi xuất khẩu lao động bên Canada làm nghề điều dưỡng, vì công việc quá vất vả thu nhập cũng bấp bênh nên khi đọc được thông tin quảng cáo trên mạng anh đã quyết định bỏ về nước đăng ký theo học khóa đào tạo này. Hy vọng sau khi học xong sẽ có việc làm ổn định trên quê hương mình và thay đổi cuộc sống bản thân và lo cho gia đình.

Ấy vậy mà, đến nay cũng chung số phận như nhiều học viên khác: “Tôi thật sự thất vọng khi nguyện vọng của mình trở về nước với mong muốn học được cái nghề để ở lại ổn định cuộc sống, nhưng hóa ra mình bị lừa, vừa mất tiền lại mất cả công việc đang làm…!”, Lập buồn rầu than vãn.

Trao đổi với PV NNVN, các học viên cho biết, đa số mọi người đều đóng đầy đủ tiền học phí theo quy định. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị và thỏa thuận bất thành việc điều chỉnh chương trình đào tạo nên tất cả các học viên trong lớp đã quyết định nghỉ học và yêu cầu Viện Công nghệ Điện tử - Di động chất lượng cao SG phải thực hiện đúng cam kết như trên mạng quảng cáo cũng như trong giấy nhập học “Viện sẽ hoàn lại học phí cho học viên nếu không đáp ứng được chương trình giảng dạy”.

Tuy nhiên, đến nay Viện lại tuyên bố thẳng thừng không chấp nhận giải quyết; đồng thời ông giám đốc Phương cũng cố tình tìm cách né tránh không chịu gặp học viên…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất