Đào tạo nghề ngắn hạn luôn là một nhu cầu xã hội khi thị trường lao động thay đổi không ngừng. Tại cuộc họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội vừa diễn ra, các đại biểu đã thảo luận rất nghiêm túc về công tác đào tạo nghề đáp ứng đòi hỏi việc làm thời công nghệ. Trong 77 nghề đào tạo dưới 3 tháng mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội đề nghị bổ sung, có 24 nghề nông nghiệp và 53 nghề phi nông nghiệp, trong đó có nghề livestream bán hàng.
Khi chiếc điện thoại thông minh đã phổ cập khắp nơi, thì cơ hội trở thành Facebooker, Youtuber hay TikToker để livestream bán hàng thực sự chia đều cho mọi người. Nếu người đô thị đang hào hứng livestream để bán hàng tiêu dùng thì người nông thôn hoàn toàn có thể livestream bán hàng nông sản.
Dù chỉ mới ở dạng tự phát, nhưng livestream bán hàng nông sản cũng có nhiều dấu hiệu đáng phấn khởi. Ví dụ, chỉ với buổi livestream kéo dài 30 phút, hợp tác xã Noọng Piêu ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã chốt được hơn 200 đơn hàng, tiêu thụ 1 tấn mận hậu. Cũng với thời lượng livestream tương tự, anh Đặng Mạnh Khương ở Ninh Kiều, Cần Thơ đã bán được 3 tấn sầu riêng R6 ngay tại vườn.
Livestream bán hàng nông sản là một xu hướng tích cực, nhưng để có một buổi livestream thành công thì phải cần những kỹ năng nhất định. Do đó, đào tạo nghề livestream bán hàng cho nông dân, không phải “đu trend” mà theo đúng tiêu chí “ăn vóc học hay”. Thậm chí, đào tạo nghề livestream bán hàng nên được xem như một chương trình hành động để hiện thực hóa chủ trương “tri thức hóa nông dân” một cách sâu rộng và hiệu quả.
So với các phương thức quảng bá và thương mại phổ thông, livestream bán hàng có ưu điểm vượt trội vì chi phí thấp và lan tỏa nhanh, rất phù hợp với những hộ gia đình ở nông thôn có thể kinh doanh nông sản do họ tự trồng trọt và thu hái. Đặc biệt, khi nông sản vào mùa thu hoạch, thói quen livestream bán hàng sẽ giảm mức độ lệ thuộc vào kế hoạch thu mua của thương lái, cũng như giảm áp lực điều chỉnh giá cả cho lượng hàng tồn kho.
Có một sự thật, nông sản tươi là mặt hàng nhiều rủi ro khi kinh doanh trực tuyến, do lợi nhuận cạnh tranh và giao nhận phức tạp. Cho nên livestream bán hàng nông sản tươi không thể tùy tiện và tùy hứng, mà phải được đào tạo nghề nghiêm túc về chuẩn bị nguồn hàng, đóng gói sản phẩm, tư vấn sử dụng, cam kết chất lượng… Ngay cả hình ảnh hình ảnh chủ thể livestream ở mỗi video cũng phải được tính toán hợp lý và thuyết phục.
Một con số thống kê cho thấy, trong 2,5 tỷ sản phẩm được TikTok Shop bán ra trong năm 2023, nhóm hàng hóa nông sản chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, dù TikTok Shop đã có “chợ phiên OCOP”. Để có thêm nhiều địa chỉ trên mạng bán hàng nông sản đạt doanh thu vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, thì không thể không chú trọng đào tạo nghề livestream bán hàng cho nông dân.