| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới cần tạo sự khác biệt

Thứ Năm 02/02/2023 , 09:22 (GMT+7)

Làm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới không chỉ tạo ra sản phẩm để “bán” mà trong mỗi sản phẩm đó còn phải có cái hồn và cảm xúc.

Empty

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tham quan làng hoa kiểng ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Làng hoa Sa Đéc gắn với xây dựng nông thôn mới

Những năm gần đây Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái. Có thể nói 2 loại hình này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thực tiễn cho thấy, xây dựng nông thôn mới hỗ trợ cho phát triển du lịch nông nghiệp trong việc nâng cấp kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống.

Với tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, những năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp của Đồng Tháp có nhiều khởi sắc gắn với kết quả trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Du lịch nông nghiệp xứ Sen hồng có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn như: Thuận Tân Hội quán, Homestay Tư Cá Linh, Ngôi nhà Hoa Ếch, Trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty Ecofarm... Những mô hình này không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, mà còn thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó Đồng Tháp còn có thế mạnh sản xuất hoa kiểng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái hiếm khi có tỉnh nào ở ĐBSCL làm được.  Ngành hàng hoa kiểng là một trong những 5 ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp chọn để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy mặt hàng hoa kiểng chỉ trồng trên địa bàn TP. Sa Đéc, đã được tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho Làng hoa Sa Đéc và xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để thực hiện nghiên cứu, chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là giống hoa cảnh, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hoa và gắn với du lịch sinh thái. Bình quân mỗi năm Trung tâm đã cung ứng trên 200.000-300.000 cây giống hoa cấy mô với 16 chủng loại.

Empty

Làng hoa kiểng Sa Đéc trở thành khu vực sản xuất hoa tập trung lớn nhất ĐBSCL kết hợp phát triển dịch vụ du lịch gắn với vùng sản xuất hoa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Song song đó ngành hàng hoa kiểng cũng được tỉnh tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh gắn với du lịch. Hiện nay thành lập 4 HTX và 6 hội quán tạo được sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Theo ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, ngành hàng hoa kiểng hàng năm đem lại tổng giá trị trên 5.000 tỷ đồng. Để nguồn thu cho Làng hoa Sa Đéc ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa, tỉnh Đồng Tháp cho thực hiện Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc gắn với xây dựng nông thôn mới với diện tích khoảng 510ha. Trong đó tập trung vào 2 vùng lõi của Làng hoa Sa Đéc thuộc 2 khóm Tân Hiệp và Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông với tổng kinh phí thực hiện gần 600 tỷ đồng.

Đặc biệt, đầu năm 2021, TP. Sa Đéc đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại hoa kiểng Đồng Tháp ở xã Tân Khánh Đông, với diện tích hơn 4,2 ha, đã góp phần phát triển kinh tế nơi đây.

Chị Lê Thu Hằng, người quản lý khu vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy, ở làng hoa Sa Đéc, cho biết: “Chúng tôi tạo những mô hình nhỏ để du khách vui chơi. Chia ra 2 mô hình tiểu cảnh mini cho du khách chụp hình như hình trái tim, quả địa cầu, trái đất, con chim… còn một khu là tổ chức vui chơi các trò chơi dân gian. Trò chơi dân gian cứ 3 tháng chúng tôi đổi mô hình một lần. Có 12 trò chơi như đạp xe, đi cầu khỉ, đi thăng bằng, cầu lắc, cầu rung, bơi thuyền, bơi thúng. Ở đây ngày đông khách vào thứ bảy, chủ nhật có khoảng 100 khách, có nhiều khách nước ngoài như Canada, Mỹ, Austraylia, Malaysia, Philippines… họ đi theo tour”.

Luôn luôn học hỏi và lắng nghe

Nhân dịp cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, có dịp chia sẻ về quá trình làm du lịch nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đồng Tháp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, làm du lịch không chỉ tạo ra sản phẩm để “bán” mà trong mỗi sản phẩm đó còn phải có cái hồn và cảm xúc, phải tạo ra sự khác biệt, mới mẻ để khi khách đến cảm nhận được những điều đặc biệt. Nếu chúng ta biết kể một câu chuyện, biết nâng giá trị từ vốn văn hóa, lịch sử, từ vẻ đẹp của làng nghề truyền thống, hoa kiểng, cây sen, ruộng lúa, ngôi nhà, thì chúng ta còn “bán” cả không gian. Tất cả đều được cảm nhận bằng cảm xúc và níu chân du khách chính từ những điều vô hình này.

Empty

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, để phát triển du lịch không phải một cá nhân nào mà là cả cộng đồng cùng xây dựng mới thành công được. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mượn câu nói của cố giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Khê: “Bỏ tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin, biết tự hào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, những người làm du lịch cần phải biết học hỏi không ngừng, không tự hài lòng với chính mình và cần phải biết lắng nghe khi góp ý, phát huy điểm mạnh của mình đúng lúc thì sẽ có nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư và du khách.

Ông Lê Minh Hoan cho biết, để phát triển du lịch không phải một cá nhân nào mà là cả cộng đồng cùng xây dựng. Với vai trò đầu tàu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cần không ngừng đổi mới phương thức quản lý, chủ động hỗ trợ các điểm du lịch trong tỉnh trong việc khai thác tài nguyên, bản sắc riêng của mỗi địa phương. Mỗi công chức, viên chức phải có niềm đam mê và cháy hết mình vì ngành du lịch của tỉnh nhà, không ngừng học hỏi để tiếp thu cái mới, đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và quảng bá du lịch.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nâng tầm quy mô và chất lượng, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương và là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khu vực ĐBSCL. Năm 2023, phấn đấu thu hút 3,8 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tổng doanh thu du lịch đạt 1.800 tỷ đồng.

Trước nhất là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch đặc trong thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa, lịch sử (đình làng - nhà cổ) kết hợp lễ hội, du lịch ẩm thực Sen - sự kiện, kết hợp mua sắm, du lịch chính quyền, du lịch số, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Tiếp tục phát triển hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Triển khai dự án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc sau khi được phê duyệt và xây dựng Làng văn hóa du lịch Sen Tháp Mười gắn với phát triền ngành hàng Sen.

Empty

Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu thu hút 3,8 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tổng doanh thu du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khai thác tuyến du lịch mới “Sắc màu vùng biên” (thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang). Phối hợp với tỉnh Long  An và Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến” nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Song song đó còn phối hợp với tỉnh An Giang phát triển tuyến du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử. Quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và an ninh an toàn xã hội.  

Đồng thời đội ngũ làm du lịch phải nâng cao hiệu lực, đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp. Đổi mới hoạt động phối hợp liên ngành, liên vùng về phát triển du lịch. Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đã được ký kết tại thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. HCM và13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.