Đẽo chân cho vừa giày
Trong cuốn “Văn hóa dân gian người Bố Y ở Lào Cai”, tập 2, toàn bộ chương 7 mang tên “Âm nhạc, nhạc cụ dân gian dân tộc Bố Y” gồm 50 trang (tr. 513 -tr. 561, khổ 14,5 x 20,5 cm) là sao chép nguyên từ 2 chương trong cuốn “Âm nhạc dân gian của người Bố Y”, tác giả Trần Quốc Việt, NXB Văn hóa Dân tộc (2010). Hai chương này mang tên: "Khái quát âm nhạc dân gian của người Bố Y" (chương II) và "Những đổi thay trong đời sống âm nhạc của người Bố Y" (chương III).
Việc sao chép này công khai và ngang nhiên hết sức: sao chép nguyên vẹn đến cả các tiêu mục nhỏ trong các chương, cho đến toàn bộ nội dung nghiên cứu, những chỗ nào có cụm từ “người Bố Y ở Quản Bạ (Hà Giang)” đều bị xóa, thay vào đó là cụm từ người Bố Y ở Lào Cai.
Một số dẫn chứng trong nội dung sách sao chép
Thành ngữ chữ Hán có câu “đoạt thai hoán cốt” để phản ánh về hành động rút ruột tác phẩm, sau đó ém nhẹm và phi tang những thứ trộm cắp của người khác. Nhóm tác giả Trần Hữu Sơn đã làm như vậy trong công trình “Văn hóa dân gian người Bố Y ở Lào Cai” (tập 2).
Nếu như Trần Quốc Việt nghiên cứu về người Bố Y ở huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), có ghi chép rõ ràng xuất xứ các nguồn tài liệu tham khảo của các tác giả đi trước, đồng thời công khai trong sách tên người cung cấp tài liệu điền dã, thì trong cuốn sách do Trần Hữu Sơn chủ biên, đã đem ghép những nghiên cứu về người Bố Y ở huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) vào người Bố Y ở tỉnh Lào Cai.
Nếu in đủ phần so sánh 50 trang sách này của hai cuốn sách thì phải vài số báo. Ở đây, chúng tôi xin trích dẫn một vài ví dụ:
Trong phần ký âm về các bài dân ca và làn điệu âm nhạc người Bố Y ở huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), Trần Quốc Việt ghi rõ tên người hát là Ngũ Khởi Phượng, hoặc La Tiến Tài, thì nhóm Trần Hữu Sơn đã cắt bỏ.
Thậm chí, trong sách của Trần Quốc Việt đã viết: do không có tài liệu nào ghi chép trong lịch sử để lại, chỉ còn vài người già Bố Y còn nhớ và hát được một số bài dân ca mà thôi. Từ đó, sách dẫn lời nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng, 74 tuổi, nói là: “đời ông, đời cha tôi hát như vậy” như những bài dân ca cổ để so sánh với những bài dân ca Bố Y hiện nay (tr. 80), thì trong nhóm Trần Hữu Sơn cũng sao chép y nguyên, chỉ thay tên nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng thành tên nghệ nhân hát dân ca Lồ Sí Sần, thôn Tung Chung Phố, xã Tung Chung Phố nói là: “đời ông, đời cha tôi hát như vậy” như những bài dân ca cổ để so sánh với những bài dân ca Bố Y hiện nay (tr. 546).
Theo sách của Trần Quốc Việt, nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng, người Bố Y ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Ba, tỉnh Hà Giang. Ông là tác giả nhiều tài liệu chép tay về người Bố Y ở Hà Giang như “Dân ca Bố Y”, “Văn hóa dân tộc Bố Y ở Việt Nam”, “Ngôn ngữ của tộc người Bố Y ở Việt Nam”…
Sách “Âm nhạc dân gian của người Bố Y”, tác giả Trần Quốc Việt (2010)
“Văn hóa dân gian người Bố Y ở Lào Cai” do Trần Hữu Sơn chủ biên, là công trình được Chính phủ tài trợ, in 1.200 cuốn/đợt. Cả 2 tập đều do NXB ĐHQG Hà Nội thực hiện. Tập 1 đã được xuất bản năm 2013. |
Còn trong sách của Trần Hữu Sơn chủ biên, không có thông tin về nghệ dân Lồ Sí Sần. Ngay cả trong bảng Danh sách nghệ nhân cung cấp thông tin (tr. 562 - tr. 567) cũng không có tên nghệ dân Lồ Sí Sần, thì lại càng đáng ngờ vực.
Dù đã khéo léo cắt bỏ những cụm từ liên quan đến người Bố Y ở Quản Bạ, Hà Giang, nhưng xóa dấu vẫn không hết vết. Trang 528, sách của Trần Hữu Sơn chủ biên vẫn viết: “Ca từ trong dân ca Bố Y ở Quản Bạ đều được viết theo những thể thơ khác nhau…”. Thật đúng là lạy ông tôi ở bụi này!
"Họ ăn cắp nhưng rất lười biếng"
Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu dân tộc học Chu Thái Sơn cho biết, người Bố Y ở Hà Giang và Lào Cai là một tộc người từ Quý Châu (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam ở hai thời điểm khác nhau, hai bộ phận khác nhau.
Sách “Văn hóa dân gian người Bố Y ở Lào Cai”, Trần Hữu Sơn chủ biên (2015)
Nhóm người Bố Y di cư sang Hà Giang còn giữ được cái gốc dân tộc, không bị Hán hóa. Còn nhóm người Bố Y di cư sang Lào Cai, khi xuống Vân Nam, hội nhập vào người Hán, đã bị Hán hóa. Tuy nhiên, trong sâu thẳm văn hóa thì họ vẫn giữ được những truyền thống của người Bố Y.
Khi PV hỏi về những đoạn trùng khít về âm nhạc trong hai cuốn sách về hai địa bàn cư trú thuộc hai tỉnh khác nhau, ông Chu Thái Sơn khẳng định là “không thể trùng khít được”. Đó là ăn cắp. “Họ ăn cắp nhưng rất lười biếng”. Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Chu Thái Sơn, bây giờ ăn cắp thành quả nghiên cứu trongdân tộc học nói riêng nhiều quá.
“Anh hình dung xem, một nhà nghiên cứu mà ăn cắp của người ta thì làm sao tiến xa được trong môi trường làm việc khoa học?”, ông Sơn nêu câu hỏi.