20/24 xã đạt chuẩn
Huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) có đặc thù huyện miền núi, địa bàn rộng, mật độ dân cư thấp, nhiều xã các điểm dân cư phân bố rải rác nên khó khăn cho việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn.
Bắt tay vào xây dựng NTM, toàn huyện có 10 xã đạt dưới 5 tiêu chí, 9 xã đạt dưới 10 tiêu chí, 7 xã đạt trên 10 tiêu chí. Thời điểm năm 2010, toàn huyện có 10 xã đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt khoảng 12 triệu đồng/năm, toàn huyện có trên 7.200 hộ nghèo.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đến nay, huyện Văn Yên đã có 20/24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Địa phương hình thành vùng nguyên liệu quế trên 57.000 ha, trong đó gần 15.000 ha quế canh tác hữu cơ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,95%. Chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống của nhân dân được cải thiện tích cực; cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt.
Với mục tiêu phấn đấu trở thành huyện NTM trong năm 2024, Văn Yên đã xây dựng “Đề án xây dựng huyện Văn Yên đạt huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, xây dựng lộ trình cụ thể đối với từng xã để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các têu chí.
Ngoài ra, huy động và bố trí nguồn vốn phục vụ xây dựng NTM, ưu tiên triển khai lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Đề án phát triển giao thông nông thôn, chương trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nhỏ, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Giai đoạn 2021 - 2023, phong trào dịch rào hiến đất đã có sự hưởng ứng tích cực của gần 3.500 hộ dân, hiến được 780.000 m2 đất; dỡ bỏ tường rào và công trình kiên cố gần 15.000 m2, chặt bỏ gần 350.000 cây xanh các loại để mở rộng đường gia thông, xây nhà văn hóa. Toàn huyện đã kiên cố hoá được trên 280km đường giao thông; huy động đóng góp gần 5,5 tỷ đồng thực hiện hàng trăm đoạn đường thắp sáng, mở rộng 112 km đường có bề rộng 7m trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 65%. Các tổ chức hội, đoàn thể đã vận động hội viên trồng và chăm sóc 87 tuyến đường hoa với chiều dài gần 45 km.
Ông Phùng Văn Minh người dân tộc Dao ở thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên chia sẻ, những năm trước đây các tuyến đường tại địa phương giao thông đi lại rất khó khăn, nắng bụi, mưa lầy, trơn trượt dốc đá. Hàng hóa nông sản của bà con bị giảm giá trị bởi chi phí vận chuyển tăng cao, không tận dụng tối các phụ phẩm gây lãng phí.
Được nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, gia đình ông Minh cùng người dân trong xã tích cực hưởng ứng hiến đất, đóng góp công lao động để kiên cố hóa đường. Năm 2023, riêng hộ ông Minh đã tự nguyện hiến trên 3.000 m2 đất đồi rừng để mở rộng đường đi vào khu vực trồng quế của thôn. Ngoài ra, ông còn hiến đất thổ cư, đất ruộng để mở rộng tuyến đường tỉnh lộ 175 đi qua địa bàn.
2 chung, 5 cùng, 1 đích đến
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, hiện nay trên địa bàn còn 4 xã chưa về đích NTM đều là xã đặc biệt khó khăn như Châu Quế Hạ, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng, Nà Hẩu. Các tiêu chí chưa hoàn thành chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế. Bên cạnh đó, một số tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, văn hóa, xã hội, môi trường. Những tiêu chí khó thực hiện và cần có sự đầu tư, sự chủ động tham gia tích cực của người dân.
Nhiều nội dung thuộc các tiêu chí trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi cao như: đường giao thông, nước sạch, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi, tỷ lệ lao động được cấp văn bằng chứng chỉ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng; sổ khám bệnh điện tử; nước sạch cấp từ công trình cấp nước tập trung; phân loại rác từ nguồn, xử lý rác thải nhựa … là những tiêu chí khó đối với các xã miền núi.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa lịch sử đặc biệt với miền đất quế Văn Yên, khi địa phương này sẽ kỷ niệm tròn 60 năm thành lập huyện. Được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện NTM là phần thưởng giá trị nhất sau 6 thập kỷ xây dựng, phát triển. Để hoàn thành mục tiêu, năm 2024, huyện Văn Yên đã triển khai phong trào “2 chung, 5 cùng, 1 đích đến” gồm: chung sức, chung chí hướng; cùng quyết tâm, thi đua, sáng tạo, trách nhiệm, đổi mới để đích đến là xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.
Xã Đông An, huyện Văn Yên đạt chuẩn NTM vào năm 2019, chính quyền và nhân dân trong xã đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao trong năm 2024. Hiện nay trong xã đã có 4/8 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực góp công, góp của để nâng cao các tiêu chí.
Ông Đỗ Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Đông An cho chia sẻ, phong trào “2 chung, 5 cùng, 1 đích đến” được triển khai bằng các hoạt động như: “Thứ bảy cùng dân”, “Mỗi ngày mỗi người một việc góp phần làm sạch môi trường”, “Dịch rào hiến đất, mở rộng nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn”. Qua đó đã vận động nhân dân hiến được trên 10.000 m2 đất, chặt bỏ trên 2.000 cây xanh các loại, huy động trên 5.000 công lao động, góp tiền, vật tư trị giá trên 6 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, đường điện thắp sáng…
Có thể khẳng định, việc triển khai phong trào đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sức lực và trí lực theo những cách riêng, sáng tạo. Ở đó mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân là một hạt nhân thi đua đóng góp xây dựng các tiêu chí NTM.
Bí thư Huyện ủy Văn Yên Luyện Hữu Chung cho biết thêm, phong trào này đã góp phần cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện tích tích cực tham gia các hoạt động “đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “xây dựng đời sống văn hóa”. Đẩy mạnh các hoạt động “Dịch rào, hiến đất, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn”; xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá. Thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt; làm mới các tuyến đường điện “thắp sáng đường quê”...
Các địa phương trong huyện đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện trồng gần 60 ha dâu tằm; phát dọn vệ sinh được trên 200 km đường giao thông liên thôn. Vận động nhân dân xây dựng và đào hơn 250 hố rác, xây mới hơn 500 m và thực hiện nạo vét vệ sinh gần 2.200 m cống rãnh thoát nước.
Ngoài ra, cán bộ công chức và người dân ở các xã, thị trấn đã tu sửa, nâng cấp, vệ sinh nhiều nhà văn hóa, sân thể thao, làm mới 25 km và sửa chữa hơn 14 km đường điện thắp sáng đường quê, trồng mới 17,1 km đường hoa cây cảnh các loại…
Với sự đồng lòng, thuận của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện hiến đất, góp công, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự… Có thể tin tưởng rằng, con thuyền Văn Yên sẽ thuận lợi cập bến NTM như ước vọng đã đề ra.
Đến nay, phong trào “2 chung, 5 cùng, 1 đích đến” ở huyện Văn Yên đã thực hiện được hơn 560 buổi lao động tình nguyện với trên 42.000 lượt người tham gia. Qua đó, đã vận động Nhân dân hiến được gần 54.000 m2 đất, dịch chuyển hơn 8.000m tường rào, đốn hạ hơn 3.000 cây xanh các loại để mở rộng đường giao thông nông thôn.