| Hotline: 0983.970.780

Đất Võ là đất trăm nghề

Thứ Sáu 31/12/2021 , 09:11 (GMT+7)

Tôi đã không ít lần được nghe các bạn đồng nghiệp khi về Bình Định công tác trầm trồ: “Bình Định không chỉ là đất Võ, mà còn là vùng đất trăm nghề”…

Bề dày của những làng nghề truyền thống

Hàng năm, ở Bình Định có thêm nhiều làng nghề được công nhận, cũng có những làng nghề bị mai một, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 57 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận nằm rải rác khắp các vùng nông thôn.

Địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nhất ở Bình Định phải kể đến thị xã An Nhơn, vùng đất nằm bên bờ sông Kôn thơ mộng từng đi vào thi ca trong tác phẩm “Bến My Lăng” của nhà thơ Yến Lan. An Nhơn còn từng là kinh đô của 2 vương triều Vijaya và vương triều Tây Sơn. Những làng nghề ở An Nhơn đã từ lâu nức tiếng khắp cả nước, gắn bó với bề dày lịch sử của vùng đất Kinh xưa.

Ví như làng rèn Tây Phương Danh ở phường Đập Đá, làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn 200 năm. Tương truyền, làng rèn Tây Phương Danh được hình thành để rèn vũ khí phục vụ cho quân binh nhà Tây Sơn đóng quân tại thành Hoàng Đế, di tích thành cổ hiện còn tại xã Nhơn Hậu, địa phương láng giềng của làng rèn Tây Phương Danh. Qua thời chinh chiến, những thợ rèn ở đây chuyển sang làm những dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nghề rèn trải qua bao nhiêu đời cha truyền con nối, thế nhưng hiện nay không có tài liệu nào ghi chép lại quy trình, hay nói đến bí quyết để làm ra 1 dụng cụ mà độ tinh xảo nhiều làng rèn khác khó sánh bằng. Khi được hỏi về bí quyết, những thợ rèn ở đây đều cười hồn hậu, bộc bạch: “Tui đâu có bí quyết gì, ông cha bày sao tui làm vậy”. Có thể hiểu, độ tinh của tay nghề của những thợ rèn ở Tây Phương Danh được có từ kinh nghiệm đúc kết qua nhiều thế hệ gắn đời với nghề rèn.

Nghề trồng mai cảnh, 1 nghề đang ăn nên làm ra của nông dân Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nghề trồng mai cảnh, 1 nghề đang ăn nên làm ra của nông dân Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hoặc như làng dệt Nam Phương Danh nằm kế cận làng rèn Tây Phương Danh, cũng được cho là được ra đời để dệt vải vóc cung cấp cho quan quân nhà Tây Sơn và vợ con của họ. Làng gốm Vân Sơn tại xã Nhơn Hậu, nơi tọa lạc thành Hoàng Đế cũng có “lai lịch” tương tự như làng rèn Tây Phương Danh và làng dệt Nam Phương Danh.

Một địa phương “vệ tinh” của thành Hoàng Đế là phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) cũng nổi lên làng nghề nón lá Gò Găng, làng nghề này cũng được sinh ta từ thời Tây Sơn. Nằm ngoài làng nghề nón lá Gò Găng 1 chút còn có làng nghề nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường (huyện Phù Cát). Những chiếc nón làm ra từ 2 nơi này chủ yếu phục vụ cho người dân trong sinh hoạt, đặc biệt là nón ngựa Phú Gia, 1 sản phẩm biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm gắn với đội hùng binh nhà Tây Sơn.

Theo các nghệ nhân cao niên ở làng nón ngựa Phú Gia, sở dĩ chiếc nón được sản xuất tại đây có tên gọi là “nón ngựa” bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp cho người đội khi cưỡi ngựa. Ngày xưa, những nghệ nhân ở đây làm ra chiếc nón này chủ yếu để phục vụ cho vua, quan đội khi ngồi trên lưng ngựa. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa Phú Gia đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.

Các họa tiết thêu trên nón ngựa cũng khác nhau, tương ứng với chức vụ, phẩm hàm của từng người đội. Hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa bịt bạc rong ruổi qua các nẻo đường làng trước những năm 1945 vẫn còn trong ký ức các bậc cao niên ở các làng quê Bình Định.

Người thợ cao niên của làng nghề nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người thợ cao niên của làng nghề nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nón ngựa Phú Gia được kết cấu rất đặc biệt, vô cùng bền chắc. Nón được kết thành 10 lớp, nguyên liệu làm nón là lá kè (lá cọ), ống giang, rễ dứa, những loài cây mọc tự nhiên trong rừng núi Bình Định. Lá kè làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có độ mềm dẻo, rễ dứa phải là loại rễ đã nằm trong lòng đất 2-3 năm, có độ bền chắc, đàn hồi tốt, nhờ đó nón ngựa mới có được độ bền chắc.

Tạo thêm thu nhập cho lao động nông thôn

Với lợi thế có nhiều làng nghề truyền thống, người dân nông thôn ở Bình Định không chỉ giải quyết được thời gian nông nhàn mà còn tạo thêm được nguồn thu nhập đáng kể. Nhất là từ khi Bình Định chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ từ 3 sang còn làm 2 vụ lúa/năm, thời gian nông nhàn của lao động nông thôn kéo dài, đây là điều kiện để nông dân tham gia sản xuất các ngành nghề tại địa phương.

Những nghề khá nặng nhọc như nghề rèn cũng thu hút lao động nữ. Trước đây, thợ rèn ở làng rèn Tây Phương Danh hầu hết là đàn ông, bởi  nghề này đòi hỏi nhiều sức lực. Thế nhưng trong nhiều năm qua, đã có không ít phụ nữ đã gắn bó và khẳng định mình trong nghề này. Hiện trên địa bàn khu vực Tây Phương Danh có hàng trăm thợ rèn nữ làm việc trong lò rèn của gia đình, hoặc làm thuê cho những lò rèn trong vùng. Tay nghề của chị em cũng khéo léo, năng động chẳng kém cạnh các đấng mày râu.

Lao động cao niên của làng gốm Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lao động cao niên của làng gốm Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Với 57 làng nghề, làng nghề truyền thống đang tại Bình Định có 6.723 hộ nông dân tham gia đã giải quyết việc làm cho trên 13.000 lao động. Trong tổng số 57 làng nghề đang hoạt động tại Bình Định, trong đó có 9 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó có 3 làng nghề thuộc nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và 6 làng nghề thuộc nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.

"Hiện Bình Định đã có 2 HTX nghề được thành lập, đó là HTX Bún số 8 ở phường Tam Quan Nam và HTX Chiếu cói ở xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn). Đến nay, Bình Định có 16 làng nghề đã có sản phẩm đăng ký nhãn hiệu và 14 làng nghề có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Cũng theo ông Phúc, thu nhập bình quân của người lao động trong các làng nghề ở Bình Định có nhiều mức khác nhau. Những làng nghề cho người lao động có mức thu nhập cao nhất là những nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề rượu Bàu Đá; các làng nghề chế biến nước mắm và sản xuất bún, bánh tráng. Những làng nghề kể trên cho người lao động có mức thu nhập bình quân từ 3-5,5 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, người lao động phục vụ cho những cơ sở hoạt động trong nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Những nghề cho người lao động mức thu nhập thấp nhất là các làng nghề dệt chiếu, chằm nón, đan đát…, lao động làm những nghề này có thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, đây là khoản thu nhập thêm trong những ngày nông nhàn nên ai nấy đều vui lòng.

Nghề dệt chiếu cói Chương Hòa ở xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nghề dệt chiếu cói Chương Hòa ở xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

So với năm 2020, năm 2021 số lượng làng nghề ở Bình Định giảm 11 làng nghề, trong đó có 7 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Nguyên nhân do các hộ dân làm nghề chưa đầu tư về máy móc, thiết bị; hầu hết đều sản xuất bằng thủ công, tốn nhiều công sức mà thu nhập của lao động thấp, không ổn định.

Do đó, một số lao động trẻ, lao động bỏ nghề đi tìm việc làm ở các khu công nghiệp, dẫn tới làng nghề thiếu lao động. Làng nghề chỉ còn lại những người lớn tuổi, không cán đáng nổi công việc nên làng nghề bị xóa sổ. Mặt khác, đầu ra sản phẩm của những làng nghề này không ổn định, có nhiều sản phẩm bị thay thế bởi các sản phẩm công nghiệp cùng loại, ví như đan tre, dệt chiếu cói.

Để vực dậy các làng nghề, nhiều địa phương ở Bình Định đã có định hướng phát triển bền vững. Ví như thị xã An Nhơn đã thực hiện đề án phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gần 10 năm qua. Đề án nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Đầu tư công nghệ, đổi mới thiết bị sản xuất dần được chú trọng. Để có nguồn nhân lực phát triển làng nghề, An Nhơn còn liên tục mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.