| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn văn hóa độc đáo ở Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng

Thứ Hai 25/03/2024 , 08:53 (GMT+7)

Hà Nội Nghi thức rước nước từ dòng Nhị Hà dâng vào đại đình để cúng tế cả năm được dân làng thực hiện vào dịp Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng.

Trong 3 ngày từ 23 đến 25/3 (14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch), Lễ hội làng nghề gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương tham gia.

Đây là dịp để người dân tưởng nhớ công lao đức tổ nghề, tự hào về nghề gốm truyền thống cha ông truyền lại, gửi gắm ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhiều hoạt động được tổ chức tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng như: Kim Trúc Tự, Đền Mẫu Bản Hương, Văn Từ, mà trọng tâm là Đình làng Bát Tràng.

Thanh niên trong làng dâng lễ Tam sinh (trâu, dê, lợn) lên đình Bát Tràng. Ảnh: P.H.

Thanh niên trong làng dâng lễ Tam sinh (trâu, dê, lợn) lên đình Bát Tràng. Ảnh: P.H.

Lễ hội gồm các hoạt động: Giao hiếu với 4 làng; thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian và 3 đêm liên hoan văn nghệ quần chúng...

Đặc biệt, dân làng đã dâng lễ Tam sinh (trâu, dê, lợn) sau đó hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ.

Lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị được diễn ra từ Miếu Bát Tràng và rước về đình Bát Tràng.

Đoàn rước đã thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào dâng tại đình để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ, dâng hương tại Kim Trúc Tự, nhà thờ Bác Hồ, Đền Mẫu Bản Hương.

Phần nghi lễ được thực hiện trang nghiêm trên phà giữa lòng sông Hồng. Lễ rước nước là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội. Chủ tế lễ sau khi dâng lên thần sông sẽ đại diện cho nhân dân xin nước thiêng từ giữa sông Hồng và lọc qua tấm vải đỏ để rước về đình cổ Bát Tràng.

Sau khi tế lễ, các quan viên chức sắc đại diện các dòng họ trong làng chia nhau mâm hưởng lộc thánh như là phần thưởng mà Thánh ban cho người dân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (thứ 2 từ phải sang) thích thú khi tham gia Lễ hội truyền thống làng gốm cổ Bát Tràng. Ảnh: P.H.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (thứ 2 từ phải sang) thích thú khi tham gia Lễ hội truyền thống làng gốm cổ Bát Tràng. Ảnh: P.H.

Nói về ý nghĩa của lễ hội làng năm nay, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tiến Đạt ở Làng gốm sứ Bát Tràng chia sẻ: “Làng tôi vừa là làng nghề gốm, vừa là làng khoa bảng, cho nên lễ rước nước càng phải cẩn thận, trang trọng, để mong sao mỗi năm trong làng đều có nhiều học sinh giỏi, nhiều học sinh đỗ đại học; về nghề thì ngày càng có nhiều nghệ nhân, có nhiều hàng hóa mới…”.

Theo Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giảng viên cao cấp tại Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, nói về lịch sử gốm Bát Tràng là nói đến nghề gốm sứ truyền thống tồn tại và phát triển suốt hơn 1.000 năm qua tại đây, kể từ khi những người con của 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng gồm Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm ở làng Bồ Bát (huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, nay là huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long lập nghiệp.

Đến phường Bạch Thổ (huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), họ quyết định mở lò gốm tại đất này bởi nơi đây có nguồn đất sét trắng - nguyên liệu chính để làm gốm - vô cùng dồi dào. Trải qua hơn 1.000 năm, đến nay, Bát Tràng vẫn luôn là làng nghề truyền thống hấp dẫn của Hà Nội.

Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giảng viên cao cấp tại Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về lịch sử gốm Bát Tràng. Ảnh: P.H.

Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giảng viên cao cấp tại Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về lịch sử gốm Bát Tràng. Ảnh: P.H.

Về lịch sử Bát Tràng là vùng đất của chữ và nghề. Đất của chữ là vì nơi đây là đất truyền thống với rất nhiều người khoa bảng đỗ đạt trong các triều đại khác nhau. Trong lịch sử có ghi chép đất Thăng Long Kinh Bắc có 6 vị trạng nguyên thì riêng Bát Tràng có một trạng nguyên.

Không mấy người biết Bát Tràng còn là một làng văn với 9 người đỗ đại khoa (1 trạng nguyên và 8 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân), hàng trăm người đỗ trung khoa, tiểu khoa; hay là giám sinh, nho sinh trong quá trình học và thi cử Nho học thời phong kiến.

Nổi bật trong số đó là Trạng nguyên Giáp Hải (1507-1586) nhà Mạc; Tiến sĩ Vương Thì Trung (1537-1593) nhà Mạc; Tiến sĩ Trần Thiện Thuật nhà Hậu Lê; Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liên (1676-1721) nhà Hậu Lê; Tiến sĩ Nguyễn Đăng Cẩm (1678-1736) nhà Hậu Lê; Tiến sĩ Lê Hoàn Viện nhà Hậu Lê; Tiến sĩ Lê Hoàn Hạo nhà Hậu Lê; Lê Danh Hiển nhà Hậu Lê; Tiến sĩ Vũ Văn Tuấn (1804-1860) nhà Nguyễn.

Nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn - Chủ nhiệm CLB Nghệ nhân Làng gốm Bát Tràng chia sẻ, thông qua lễ hội năm nay, các nghệ nhân, các thợ giỏi mang những sản phẩm, bàn vẽ ra đây để trình diễn nghề. Tôi cho đây là sự thúc đẩy của một thế hệ mới, không những quảng bá văn hoá nghề nghiệp tại lễ hội mà thông qua những hoạt động này các nghệ nhân trẻ có ý thức hơn nhiều trong các hoạt động cộng đồng của làng.

Mới đây, Sở Công thương Hà Nội đã công bố Quyết định và gắn biển cho Trung tâm thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1.000 năm Thăng Long tại xã Bát Tràng.

Trung tâm Thiết kế sáng tạo Bát Tràng sẽ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm.

Xem thêm
Wayne Rooney bị sa thải ngay đầu năm mới

HLV Wayne Rooney đã bị đội bóng hạng Nhất Plymouth Argyle sa thải do thành tích bết bát thời gian qua.

Xuân Son lập cú đúp, Việt Nam hạ gục Thái Lan

Phú Thọ Hai bàn trong hiệp 2 của người dẫn đầu danh sách vua phá lưới ASEAN Cup 2024 giúp đội tuyển Việt Nam thắng 2-1 ở chung kết lượt đi tối 2/1.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.