Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đến nay làng nghề gốm Bát Tràng được biết đến là một làng nghề xanh của thủ đô.
Làng gốm Bát Tràng làng nghề xanh của thủ đô
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đến nay làng nghề gốm Bát Tràng được biết đến là một làng nghề xanh của Thủ đô.
Có lịch sử hàng nghìn năm và xây dựng được thương hiệu nổi tiếng trên thị trường nhưng làng nghề gốm Bát Tràng tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cũng từng được nhắc tới là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Trước đây, người dân làng nghề sử dụng lò nung truyền thống như lò ếch, lò bát đàn, lò bầu… với nguyên liệu nung đốt là củi và than.. Mỗi mẻ nung liên tục trong 3-5 ngày liền, vì thế lượng khí thải và chất thải rắn phát tán ra môi trường là rất lớn. Lao động phải làm việc hết sức nặng nhọc trong môi trường khói bụi, nóng bức, độc hại.
Anh LÊ TRỌNG TRUNG
Công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Ngày trước đây đốt than thì nó rất là độc, vì đốt than đá, than tổ ong ngày trước gây ra sự độc hại trong môi trường, xung quanh làng nghề cũng bị ảnh hưởng.
Anh LÊ VĂN DƯƠNG
Công ty Gốm sứ cổ truyền Bảo Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Khi mà mình đốt bằng than, vận chuyển bằng mọi phương tiện thô sơ, nó sẽ bị bụi bặm, tính ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe người công nhân rất là cao.
Trước hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất... Bát Tràng đã quyết tâm thực hiện những giải pháp đề ra để cải thiện tình trạng trên. Song song với việc mở rộng không gian sản xuất, duy trì sự sinh tồn của làng nghề là việc cải tiến kỹ thuật mà trước hết là cải tiến lò nung gốm. Trong đó, nổi bật nhất là thay thế lò than bằng lò gas.
Ông ĐỖ VĂN KIÊN
Phó chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Trong quá trình chuyển đổi từ lò than sang lò ga cũng gặp một số khó khăn. Thứ nhất là nhận thức của nhân dân. Thứ hai là liên quan đến vốn để đầu tư hệ thống lò ga tương đối nhiều tiên. Trên cơ sở đấy chính quyền địa phương chúng tôi cũng vận động tuyên truyền, từ đó nhân dân nhận thức ra chuyển đổi sang lò ga thứ nhất là đảm bảo môi trường, thứ hai là chất lượng hàng hóa ngày càng được cải thiện. Từ đó nhân dân nhận thức ra và họ chuyển đổi ngày càng nhanh chóng .
Hiện nay, gần 100% cơ sở sản xuất ở xã Bát Tràng sử dụng lò nung gas và điện. Với kiểu lò nung mới này, mỗi mẻ gốm đưa vào nung chỉ hết 15 – 20 giờ, áp dụng tự động hóa, vận hành dễ dàng, kiểm soát nhiệt từ xa. Sản phẩm ra lò đạt trên 90% là loại 1, tiết kiệm được 30% tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận cũng tăng lên gấp 2 - 3 lần so với công nghệ cũ. Đặc biệt, đã loại bỏ được 100% chất thải rắn, khói bụi, giảm 60% sức lao động trong môi trường độc hại. Tại xưởng sản xuất của Công ty Gốm sứ cổ truyền Bảo Quang, chỉ với 2 đến 3 nhân công đã có thể vận hành trơn tru 5 lò nung gas của xưởng.
Anh LÊ VĂN DƯƠNG
Công ty Gốm sứ cổ truyền Bảo Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Đốt bằng ga vừa sạch, không khí không bị ô nhiễm. Cho nên người công nhân để người ta tiếp xúc, làm việc thì được môi trường rất là sạch sẽ. Chất thải, mình đã thu gom ngay từ đầu. Bây giờ mình có các cái đồng hồ điện tử, mình sẽ căn và theo dõi nhiệt và dựa theo kinh nghiệm của từng hộ sản xuất khác nhau.
Anh NGUYỄN KIÊN GIANG
Công ty Gốm sứ cổ truyền Bảo Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Hiện tại tôi thấy công nghệ bây giờ hiện đại hơn nhiều. Giảm thiểu môi trường đi nhiều, sức khỏe ổn định hơn. Là một người con của làng nghề áp dụng những công nghệ mới cảm thấy môi trường tốt hơn thì cảm thấy vui, cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở đây, công việc thấy thoải mái.
Tại toàn bộ 4 xưởng sản xuất của Công ty TNHH Gốm sứ cổ truyền Bảo Quang, đều đã áp dụng công nghệ lò đốt ga. Những công nhân dù tuổi nghề còn rất trẻ cũng có thể dễ dàng vận hành lò đốt một cách chuyên nghiệp. Hơn hết, môi trường sản xuất được đảm bảo tối đa, đã tạo thêm nhiều cơ hội cho giao thương, buôn bán.
Anh LÊ TRỌNG TRUNG
Công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Đến bây giờ thì môi trường rất tuyệt vời. Chất độc hại không còn nhiều. Mình cảm thấy phải cải thiện 80% so với trước đây dùng lò đốt than. Môi trường được cải thiện, người đến đây du lịch cũng thoải mái hơn vì không khí không còn mùi khó ngửi như mùi than, tổ ong.
Chị PHẠM MAI LY
Công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Môi trường không khí xanh sạch đẹp, tạo thuận lợi cho các giao thương chở hàng, lấy hàng, không bị khói bụi bẩn nữa. Công việc bán hàng cũng thuận tiện hơn, khách cũng đông hơn. Khách đến tận nơi, tận trong xưởng, trong lò sản xuất thì cũng sẽ thuận lợi hơn, đường xá sạch đẹp, trong xưởng thoáng đãng. Xưởng em hiện tại bây giờ mọi người có thể vào tham quan rất thoải mái.
Ông ĐỖ VĂN KIÊN
Phó chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Môi trường Bát Tràng được cải thiện rõ nét. Không khí rất là tốt. Đặc biệt hệ thống đường giao thông hạ tầng trước kia than rất là bẩn thỉu, nay sử dụng lò ga, lò điện, môi trường được cải thiện, nhân dân đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt năm vừa rồi Bát Tràng được TP công nhận điểm du lịch, khách du lịch về với Bát Tràng ngoài việc tham quan mua sắm, họ được tham quan trải nghiệm nghề làm gốm rất là thú vị, môi trường rất là tốt, trong lành.
Đến Bát Tràng hôm nay, những lò than, lò củi đã được đưa vào bảo tàng, trở thành điểm tham quan du lịch. Du khách không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng trước sự trong lành, sạch sẽ cùng những trải nghiệm tuyệt vời của một làng nghề truyền thống lâu đời.
Chị TRẦN THU TRANG
Quận Đống Đa, Hà Nội
Khi mà mình đến đây, mình không cảm thấy sự ô nhiễm môi trường nào, thay vào đấy mình thấy không khí rất trong, Mình cảm thấy rất thoải mái, thư giãn khi ở đây.
Với những bước đi tiên phong, mang tính đột phá, làng gốm Bát Tràng là một trong những điển hình trong phát triển làng nghề xanh gắn với bảo vệ môi trường của Thủ đô. Cùng những nét văn hóa độc đáo và nhiều hoạt động trải nghiệm mới, làng nghề cổ đã đổi thay diện mạo, trở thành một điểm đến lý tưởng của cả thương nhân cùng du khách trong và ngoài nước.