| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 11/04/2019 , 09:10 (GMT+7)

09:10 - 11/04/2019

Đâu chỉ gian dối trong thi cử

Vụ gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình từng bước mở rộng điều tra, khiến câu chuyện minh bạch ở ngành giáo dục càng được mọi người quan tâm.

Một thái độ cứng rắn của Bộ Công an là quyết định chuyển trả 28 thí sinh đã được nâng điểm của tỉnh Hòa Bình về lại địa phương, trong đó có 17 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân, 9 thí sinh trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển vào trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Nếu các đơn vị giáo dục khác cũng theo cách làm này, thì sẽ còn thêm nhiều sinh viên ngồi nhầm chỗ phải rời khỏi giảng đường.

Tuy nhiên, xử lý những thí sinh khuất tất trong thi cử, chưa chắc đã giúp bức tranh giáo dục có màu sắc tươi sáng hơn. Bởi lẽ, sự gian lận đã xuất hiện ngay đội ngũ những bậc thầy cô giáo.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản đề nghị kỷ luật hai vị Phó Giám đốc Sở dưới quyền là ông Châu Tuấn Hồng và ông Nguyễn Việt Mười vì đã cùng 30 hiệu trưởng các trường trung học trong tỉnh… bịa đặt ra một cái hội nghị ảo để rủ nhau đi tham quan Côn Đảo bằng ngân sách nhà nước.

Lãnh đạo sở và hiệu trưởng các trường THPT lên tàu đi dự 'hội nghị' ở Côn Đảo (Ảnh: Báo Thanh niên)

Tương tự, Thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM đã kết luận, bà Nguyễn Thị Yến Trinh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong đã được bố trí vào đoàn 23 cán bộ đi học lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý ở Đức là không đúng đối tượng theo quy định. Vì sao có sự ngược ngạo ấy? Vì bà Nguyễn Thị Yến Trinh là vợ của ông Lê Hồng Sơn đương nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Bây giờ, đi du lịch trong nước hoặc du lịch nước ngoài, đã thành điều bình thường. Thế nhưng, đi với tư cách nào lại là vấn đề cần minh bạch và nghiêm túc.

Đi Côn Đảo với chi phí vài triệu đồng, hoặc đi Đức với chi phí hàng trăm triệu đồng, tiền là một chuyện, nhưng cái đáng ái ngại ở đây là thái độ khi tham gia vào chuyến đi. Thầy cô giáo đi chơi khai báo dối trá là đi hội nghị thì làm sao đứng lớp để rao giảng về lòng trung thực? Tranh thủ đấng lang quân là lãnh đạo ngành để giành lấy một suất đi nước ngoài vốn thuộc về người khác, thì làm sao mở miệng nhắc nhở học sinh về lòng tự trọng? Học sinh gian lận điểm thi vì muốn trúng tuyển, còn thầy cô giáo gian lận tư cách vì mục đích gì?

Trong lĩnh vực giáo dục, trăm bài học về kiến thức hoặc lễ giáo cũng không có giá trị bằng một bài học về phẩm cách mẫu mực của thầy cô giáo. Chính thầy cô giáo nhân danh thứ nọ để làm thứ kia, thì học sinh biết noi gương ai? Sự thật cay đắng là thói gian lận đang hoành hành trong môi trường giáo dục, học sinh gian lận kiểu học sinh, mà thầy cô giáo gian lận kiểu thầy cô giáo! Học sinh gian lận bị đuổi học, còn thầy cô giáo gian lận phải… thông cảm sao đây?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm